Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Rebel Hearts Tour (Madonna) - Đẳng cấp còn mãi (Phần 1)

Ở cái tuổi gần 60, khi các đồng nghiệp cùng thời đã lui về hậu trường hoặc hoạt động cầm chừng, thì Madonna vẫn hoạt động bền bỉ như thời hoàng kim, giữ mình trên đỉnh vinh quang, khiến vô số ca sĩ trẻ phải ngưỡng mộ và tự trách mình tại sao không thể làm được như cô.

Một trong những đỉnh cao mà Madonna kiên tạo trong thời gian gần đây nhất là Rebel Hearts Tour - Tour diễn có thể nói là đẳng cấp xuyên suốt 2 năm 2015 - 2016. Nơi mà người ta chứng kiến Madonna vẫn là Nữ hoàng như cách đây 30 năm, không hề suy chuyển.

Với tour diễn này, Madonna sẽ khiến nhiều ca sĩ như Beyonce, Lady Gaga, Britney Spears... phải tự hỏi mình rằng, tại sao có sức trẻ, có ekip hùng mạnh, có thiên thời địa lợi mà lại không thể hoạt động sáng tạo tuyệt vời như một bà già U60.

Với tình yêu và lòng kính trọng dành cho Nữ hoàng nhạc pop, tôi xin mạn phép viết đôi dòng cảm nhận về Rebe; Hearts Tour. Nhưng do điều kiện hạn chế nên chỉ đi vào phần 1 của show.

https://www.youtube.com/watch?v=kyxD6ZtKcL4

Như mọi khi, Madonna không bao giờ xuất hiện luôn mà dùng màn hình visual chiếu lên những đoạn clip background ngắn để mở màn câu chuyện, dẫn dắt khán giả đầy tinh tế. 

Đập vào mắt khán giả đầu tiên là hình ảnh một cô đào đầy máu me bị nhốt sau cánh cửa sắt hoen rỉ đang cố vươn từng ngón tay trong cơn đau quằn quại để thoát ra. Ai cũng dễ dàng nhận ra đó là hình ảnh Marylin Monroe - một trong những hình tượng ưa thích của Madonna. Nhưng dù cho đã hóa thân làm Marylin nhiều lần trong sự nghiệp, Madonna cũng chưa bao giờ bị trùng lặp ý tưởng, luôn khai thác theo nhiều góc cạnh nội dung khác nhau. Lần này, cô lại khiến khán giả tò mò khi không biết hình ảnh Marylin có ý nghĩa gì.



Tiếp sau hình ảnh Marylin là một người đàn ông cũng đầy máu me bị bịt miệng bởi một chiếc rọ sắt, đang cố gầm rú để được MỞ MIỆNG.

Xen kẽ cùng các hình ảnh là giọng thì thầm của Madonna: 

Tôi, một người phụ nữ tóc vàng, có đầy đủ mông và ngực cùng một khao khát cháy bỏng được mọi người chú ý.


Tới đây đi cưng. Lắc khoe mông đi nào. Hãy trưng ra những động tác nhảy tốt nhất mà cưng biết.
Ok, nhưng tôi vẫn muốn tiến hành một cuộc Cách mạng. Ai đó buộc phải làm như vậy.

Có quá nhiều cái đẹp trên thế giới đang bị lãng phí. Quá nhiều tài năng không được đãi ngộ. Quá nhiều sự sáng tạo đang bị bức tử dưới sự thao túng của truyền thông. Nhưng đã tới lúc phải thức tỉnh.
Khi tôi nhìn vào mắt của mọi người xung quanh, tôi thấy một sự bất lực, tôi thấy một sự vô vọng. Tôi thấy mọi người đang dãy dụa tìm kiếm lối thoát. Bởi những tên độc tài Phát xít hiện lên dưới vỏ bọc hào nhoáng của một đấng cứu thế đang tiến tới tống giẻ vào mồm, khiến bạn câm miệng.và ném bạn trở lại cái nhà tù chúng đã tạo ra.
Bạn có dám chiến đấu cho những gì bạn cho là đúng? Bạn có sẵn sàng chết cho những gì bạn cho là đúng?
Tôi muốn tiến hành một cuộc Cách mạng. Ai sẵn sàng tham gia cùng tôi?

Tới đây, khán giả có thể hiểu được phần nào ý đồ của Madonna khi đưa cái chết của Marylin - một nạn nhân của thế giới giải trí lên màn ảnh. Và Marylin cũng chỉ là tượng trưng cho biết bao cô đào, nghệ sĩ khác đang ngày đêm quằn quại, muốn thoát khỏi truyền thông mà không được. Họ bị ép phải làm cái này, cái khác, đôi khi trở thành nô lệ tình dục, bị ép dùng ma túy để được nổi tiếng, nhưng lại giết chết sáng tạo nghệ thuật trong họ. Giống như Britney Spears từng nói: "Ở tù còn có ngày ra, còn tôi thì chẳng biết ngày nào". Mở rộng ra là thế giới con người ngày nay đang bị BỊT MIỆNG bởi những thế lực giả danh chính nghĩa, họ muốn nói mà không thể được.

Tới đoạn Marylin bị ép bức, tra tấn cũng là lúc đoàn vũ công mặc đồ chiến binh trung cổ bước ra đầy khí thế, trên tay cầm cây thương hình thánh giá làm người ta liên tưởng tới cuộc Thập tự chinh - cũng là một cuộc chiến tranh man rợ, giết chóc của tôn giáo mượn danh chính nghĩa, đức tin.

Sau đó, Madonna xuất hiện từ trên cao trong một chiếc lồng sắt như chiến binh bị giam cầm, nhưng đầy kiêu hãnh và sức mạnh. Cô vừa cầm mic hát Iconic với nội dung ca ngợi việc không ngại khó khăn, tự vượt lên chính mình, vừa đạp tung chiếc lồng để chiến đấu chống lại đội quân tôn giáo, giải phóng nữ quyền, nhân quyền. Bài hát vô cùng hợp với vũ đạo.





Madonna vẫn như mọi khi, sáng tạo vũ đạo thành thần, biến vũ đạo thành những cuộc chiến dũng mãnh. Như tôi đã nói, với ca sĩ khác, vũ đạo chỉ là nhảy bổ trợ cho đẹp mắt, còn với Madonna, nó là cả một nghệ thuật đầy nội dung, ý nghĩa, tư tưởng trình diễn.



Từ đêm trường trung cổ châu Âu, Madonna chuyển vũ đạo và bối cảnh sang kịch nô và samurai Nhật Bản, thể hiện sự giao thoa, kết hợp văn hóa Đông - Tây uyển chuyển, điều luôn có trong tour diễn của cô. Đó cũng là lúc Madonna hát bài Bitch! I'm Madonna để khẳng định bản thân đầy quyền lực - thứ quyền lực của người phụ nữ làm chủ cuộc đời mình.



Ca khúc Burning Up kế tiếp có vẻ chưa thực sự liền mạch, nhưng nó cho thấy hình ảnh khác về Madonna - một nghệ sĩ đích thực biết đam mê với âm nhạc chứ không chỉ biết nhảy nhót, tạo hình màu mè. Không phải ngẫu nhiên mà Madonna chọn hình ảnh một rocker cầm guitar bass để thể hiện điều này. Vì rocker là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, tự chủ, đúng với tinh thần về tình yêu độc lập của ca khúc.



Đỉnh điểm nhất chính là ca khúc Holy water sau đó, một ca khúc mang tính báng bổ tôn giáo ngay từ nội dung tới trình diễn. Và đúng như mong đợi, đụng đến tôn giáo là gãi đúng chỗ ngứa của Madonna nên lần nào cô trình diễn cũng sáng tạo, táo bạo đến cùng cực.

Holy water vốn là nước thánh, nhưng Madonna lại ẩn dụ tới "dâm thủy", thứ nước tiết ra từ chỗ kín, từ dục tình của phụ nữ. Qua đó, cô muốn đề cao sự tự do tình yêu, tình dục của phụ nữ, vốn bị tôn giáo kìm kẹp hàng ngàn năm qua, và khẳng định rằng không có gì là dơ bẩn, thứ bị cho là dơ bẩn nhất có khi lại cao quý và ngược lại. Đó cũng là quy luật triết học mang tính biện chứng.



Với ca khúc này, Madonna một lần nữa gây sốc khi báng bổ tôn giáo bằng cách cho vũ công nữ mặc quần lót trắng nhưng đầu đội mũ bà sơ, nhảy những điệu khiêu gợi. Cây thánh giá bị Madonna biến thành các cột múa cho các nữ vũ công nhảy lên múa cột. Với hành động này, Madonna kêu gọi mọi người hãy từ bỏ tôn giáo mà tận hưởng những vui thú của cuộc sống nơi trần thế, rằng nhà thờ cũng chỉ ngang một cái sàn nhảy, và thiên đường ở chính mặt đất này chứ không phải trong vài trang Kinh Thánh lỗi thời nào đó.




Madonna đã rất sáng tạo khi đưa bức Bữa ăn tối cuối cùng của danh họa Leonardo Da Vinci - một bức tranh kinh điển về tôn giáo vào phần trình diễn. Cô dựng ra một bàn tiệc và background y chang bức tranh, nhưng lại đưa lên đó các vũ công nổi loạn, đập phá, biến bữa ăn nghiêm trang tôn giáo thành bữa tiệc tự do, vui sướng của trần tục, đề cao thiên đường nơi trần thế. Cảnh Madonna nhảy lên bàn tiệc lăn lộn cùng các vũ công, nhảy những điệu đầy ẩn ý đã cho thấy sự nổi loạn, mạnh mẽ và táo bạo tuyệt vời ở cô.



Nếu ai đã từng tìm hiểu bức Bữa ăn tối cuối cùng, sẽ thấy góc ngồi giữa Chúa Jesus (ở giữa) và tông đồ Mary (bên trái) tạo nên góc tam giác, được xem là biểu tượng của Chén Thánh trong Kito giáo. Madonna đã lợi dụng góc độ này để nằm ra chính giữa bàn tiệc, banh rộng hai chân, dùng háng của mình để tạo ra góc tam giác y chang biểu tượng trong tranh.



Với hành động này, Madonna ngụ ý rằng Chén Thánh tôn giáo bí ẩn đó chẳng qua chỉ là âm hộ của người phụ nữ mà thôi. Đây không phải sự phỉ báng tôn giáo, mà là đề cao tinh thần phồn thực, tôn trọng nhiệm vụ sinh nở linh thiêng của người phụ nữ, duy trì giống nòi. Hình ảnh Madonna lúc đó như người mẹ đang sinh con. Rõ ràng, sinh nở mới là cốt của thiên nhiên và con người, chứ không phải tôn giáo. Đó là cái mà Madonna muốn khẳng định.



Tư duy này của Madonna vô tình khá phù hợp với tín ngưỡng phồn thực của các dân tộc vùng Đông Nam Á như Việt Nam. Chúng ta cũng thờ âm đạo và dương vật là yoni và linga, có các nghi lễ biểu trưng giao hợp nam nữ, đực cái để mong vạn vật sinh sôi nảy nở, âm dương hòa hợp. Đạo Mẫu của chúng ta cũng thờ cao nhất là Mẫu (giống cái), thờ sự sinh nở của phụ nữ. Nếu Madonna tìm được đến văn hóa Việt, hẳn cô sẽ rất thích thú.

Kế tiếp là ca khúc Devil pray, nói về tác hại của ma túy, thuốc lá, rượu chè với cuộc sống. Hình ảnh đức cha da màu lại được dựng lên như một cách xóa nhòa phân biệt chủng tộc xuyên suốt sự nghiệp của Madonna.

Khi Madonna đi vào thay trang phục, cô không hề để cho sân khấu bị "chết" dù chỉ một giây mà vẫn sử dụng vũ công nhảy múa kết hợp cùng các hiệu ứng ánh sáng công phu, sống động trên nền nhạc ca khúc Interclude. Hình ảnh Madonna vẫn liên tục xuất hiện đầy biến ảo, sâu sắc trên màn hình visual.

Rõ ràng, không cần có mặt ca sĩ, show diễn vẫn tiếp tục đầy hấp dẫn, không để cho khán giả phải ngơi mắt lúc nào, mà luôn bị cuốn theo mạch liền của show. Cái tài năng ở một nghệ sĩ văn minh như Madonna là vẫn diễn dù không cần có mặt trên sân khấu. Và như đã nói, điều này biến show của Madonna thành show nghệ thuật cao cấp, kết hợp âm thanh, tạo hình, ánh sáng, vũ đạo... chứ không đơn giản là show ca hát như nhiều ca sĩ khác.

Phần 1 của show kết thúc đầy ma mị, để lại nhiều suy tư, mãn nhãn cho khán giả để tiếp tục bước vào phần 2 bí ẩn.

Đến đây, chắc các bạn đã hiểu được phần nào về tài năng, sự nghiêm túc và sáng tạo ở đẳng cấp Nữ hoàng nhạc pop là thế nào. Dù đã gần 60 tuổi và trải qua gần 40 năm sự nghiệp, Madonna vẫn ở trên đỉnh vinh quang, phong độ không hề suy giảm. Chính điều này khiến chúng ta phải học hỏi rất nhiều ở cô.

Long Phạm

Hải Phòng ngày 14/8/2016