Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Chìm đắm trong nhạc Ngô Thụy Miên tại Harmony quán

Giữa cái hời hợt và tạm bợ của đất xô bồ, chỉ đam mê cùng tâm huyết mới níu người ta lại với nhau lâu hơn.

Tôi lạnh lẽo trong cái nhạt nhẽo, vô vị của dòng chảy đời tôi. Tôi chán ngán thói thực dụng và khô cạn của những người quanh tôi. Tôi thích sống cho đam mê và nhiệt huyết, tôi muốn yêu và chết cho nghệ thuật, cho thăng hoa cảm xúc trong tôi. Nên tôi vui vì tìm được quán trọ bên kiếp đày đọa của tôi - Harmony quán.

Tôi biết Harmony khi anh chủ quán gửi lời nhắn trên Hội những người thích nghe nhạc divas của tôi. Anh nói mới mở quán cafe âm nhạc mang hơi hướm diva, hay rộng ra là âm nhạc có chất. Tuyệt nhiên, không phải thứ âm nhạc xô bồ, một nổi lẩu thập cẩm như các quán cafe có âm (không nhạc) khác ở Hải Phòng, 

Ban đầu tôi hoài nghi, rằng liệu có người kinh doanh nào ngày nay lại muốn theo đuổi thứ âm nhạc đế vương bị thất sủng như cái nhạc "lập dị" tôi đang nghe? 

Nhưng tôi cũng tới quán, nơi được bài trí rất ấm cúng, nhỏ mà tươm tất, hương nhạc vốn có thể ngửi khi bước vào. Cho tới khi anh chủ nói về Maria Callas, Nina Simone, Aretha Franklin, Billie Holiday... tôi mới tin mình đã gặp được người cùng dòng chảy. 

Tôi đến quán thêm vài lần, nhưng không thấy chủ, chỉ thấy nhân viên và đông đúc nghệ sĩ nghiệp dư tự tập cho nhau, đầy nhiệt sống, nhưng ngô nghê, chưa rõ ràng thẩm mỹ âm nhạc. À, hóa ra anh chủ đang phiêu diêu khắp nước để học hỏi các quán cafe âm nhạc khác.



Trở về, anh nói trong Sài Gòn, Đà Nẵng họ làm mô hình cafe âm nhạc hay lắm em ơi, có gu rõ ràng, nên anh muốn thử sức làm theo. Tôi nói, cái dân Hải Phòng này thực dụng và khô cằn lằm anh, chỉ thích ăn và uống thôi, nhạc mà khó nghe họ chẳng thích. 

Nhưng anh vẫn đầy tin tưởng, khó mới phải làm, cần định hướng và xây dụng cái gu nghe nhạc cho người Hải Phòng. Ồ, đó chẳng phải công việc tôi đang làm hay sao? Chỉ khác là tôi viết, còn anh làm cho mắt thấy tai nghe luôn. 

Đột nhiên, một tối anh nói "Có khi phải dẹp quán em ạ!". Lạ lùng, sao lại thế? Rằng quán mở đã lâu, luyện tập đã nhiều, mà chưa có thành quả gì. Tôi hỏi, "có phải vì không có khách không anh?". Anh mới nói, kinh phí và khách chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là chưa xây dựng được hướng đi riêng, chất nhạc riêng như cái tâm huyết của anh lúc mở quán. Anh đam mê và khát vọng mở Harmony để cống hiến âm nhạc cho khán giả, để tạo nên một nét văn hóa âm nhạc, dấu ấn thưởng thức riêng. Đó là lí do duy nhất khiến Harmony tồn tại, khác biệt với cafe âm (không nhạc) khác. Nếu không có được thứ linh hồn đó, Harmony nên dẹp tiệm. Anh đã đầu tư nhiều công sức và tiền của vào Harmony, nên đau lòng khi thấy nó mãi chưa lớn.



Nghe anh nói, tôi có chút ngỡ ngàng. Tôi cứ nghĩ anh mở quán để kinh doanh đơn thuần, tới phút này mới biết nhiệt huyết của anh, hoài bão của anh lớn tới vậy, dù anh cũng chẳng còn ở cái tuổi nông nổi. Ấy, thế ra đam mê của tôi, cái mà tôi luôn vỗ ngực tự cao vẫn chưa bằng anh đâu. Tôi hiểu cảm giác và ước vọng của anh. Vì tôi đã từng thấy Trịnh Công Sơn - Khánh Ly đã tạo nên thứ văn hóa âm nhạc tuyệt vời thế nào ở Quán Văn năm xưa. Tôi không dám nghĩ anh sẽ làm được điều Trịnh đã làm, nhưng tôi mong anh theo được cái đam mê đó. Để những kẻ như tôi có chốn đi về. Để văn hóa âm nhạc thực sự được hồi sinh tại cái đất sỏi đá bạc màu này.



Thế rồi, anh quyết định mở một đêm nhạc quyết định, cái anh gọi là tiền đề phát triển con đường âm nhạc của quán. Nếu đêm nhạc thất bại, anh sẽ thôi cả ước mơ, thôi không hoài bão nữa. Nghe anh nói mà thương quá, nhưng cũng tò mò muốn xem công sức của anh ra sao, nên tôi ghé lại. 

Ngày mùng một trời mưa suốt, chớp giật đùng đùng, nhưng khách đến đông hơn mọi khi, ai ai cũng lịch sự, toát lên sự sâu lắng và háo hức để thưởng thức một đêm nhạc đúng nghĩa với giá rẻ. Tôi được anh trân trọng mời vào một ghế riêng. Anh là người chu đáo, nên mọi thứ đều nhẹ nhàng và hài lòng.

Đúng như tôi mong đợi, đêm nhạc được làm chỉnh chu, có chủ đề và nội dung đàng hoàng, không phải mạnh ai nấy hát, lên rồi xuống, xô bồ như những quán cafe âm (không nhạc) khác. 

Đêm đầu tiên này, anh chọn chủ đề nhạc Ngô Thụy Miên và Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hai nhạc sĩ tài hoa sinh tại đất Hải Phòng, như để khẳng định, xứ giang hồ này cũng từng là xứ nghệ thuật, và Harmony đang cố gắng khai thông lại cái mạch nguồn ấy, cho khán giả được biết, được nghe và được sống. Để Văn Cao, để Nguyên Hồng mỉm cười rằng họ đã sinh đúng nơi, lập nghiệp đúng chốn.

Tôi khá bất ngờ trước tâm huyết của anh. Trong một đêm nhạc nghiệp dư, anh đã xây dựng cả một chủ đề hoàn chỉnh, có kịch bản, có đầu có cuối, có cả MC dẫn dắt, điều mà nhiều chương trình lớn chưa chắc đã làm cho tới được. Dù tiền nước thu về trên vài đầu khách chẳng được bao nhiêu, nhưng anh vẫn chấp nhận chịu lỗ để thuê nhạc công, ca sĩ, và cả nhiếp ảnh. Tôi không biết anh sẽ phải chịu lỗ tới khi nào, chỉ mong anh sẽ nhận về thành quả xứng đáng.



Hôm ấy, tôi ấn tượng với Phương Thảo. Cô ấy hẳn không phải ca sĩ nổi tiếng, vì tôi chưa từng nghe danh khi nào. Nhưng phần thể hiện thanh nhạc của cô ấy khiến tôi khá bất ngờ, dẫu cho tôi từng nghe vô số diva hay nữ vocalist hàng đầu khác. Phương Thảo sở hữu giọng mezzo soprano mềm mại, ấm áp. Màu giọng không quá đặc biệt, quãng trầm mờ khiến tôi ban đầu lơ đãng. Nhưng, đến lúc Thảo tung cú belt âm đóng chữ "cay" trên B4 chắc nịch, đanh dày và cộng hưởng, vibrato đều đặn ở ca khúc Bản tình cuối, tôi mới thực sự bất ngờ. Tôi đã từng nghe rất nhiều giọng nữ, từ trầm đến cao, nhưng belt được cú B4 căng và đóng thế này, quả là hàng hiếm.

1:34
https://www.youtube.com/watch?v=75IynbWtWOw

Nhưng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi phải là ca sĩ Dương Liễu. Chỉ đến khi cô ấy bước lên hát ca khúc Gửi gió mây ngàn bay, tôi mới hiểu tận mắt thế nào là đẳng cấp của một nghệ sĩ đích thực, dù cô đã có tuổi và tự nhận "hát cao không mượt như xưa". Nếu những ca sĩ trước đó hát theo kiểu cố gắng hoàn thiện ca khúc, phải chạy theo bản nhạc, thì Dương Liễu lại hát như chơi đùa với note nhạc, hết sức thoải mái, nhẹ nhàng. Không hề gồng gánh, cố gắng quá nhiều, nhưng cô ấy vẫn xử lí tinh tế, ngẫu hứng và làm chủ hoàn toàn ca khúc. Từng chỗ luyến láy, nhả chữ đều có thần thái, chiều sâu và trải nghiệm. Cô ấy không phải chạy theo nhạc mà tùy hứng biến tầu cùng nhạc như hai người bạn. Những ca sĩ trước đó dù có kĩ thuật, dù khoe giọng, nhưng vẫn chật vật với bài hát, không hề tạo được cảm xúc, ấn tượng cho người nghe. Nghe xong Dương Liễu, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra kĩ thuật, khoe giọng này nọ chỉ là trò nghiệp dư. Nghệ sĩ quan trọng nhất ở nhạc cảm, tư duy và khả năng xử lí ca khúc. 



https://www.youtube.com/watch?v=bquK_Ua8s0A



Anh chủ quán cũng hứng khởi, đầy nhiệt huyết mà lên hát vài bài. Quả nhiên. là một người đam mê với âm nhạc, anh hát rất hay, dù không phải ca sĩ hay được học nhạc. Không những vậy, anh còn "lôi kéo" được một khách nhân lên song ca Niệm khúc cuối. Chỉ là những người bình thường thôi, mà họ còn hát được thế này, thì những ca sĩ thị trường hát ngày nay có cảm thấy hổ thẹn khi nốc đầy túi catse với giọng hát không ra hơi?

https://www.youtube.com/watch?v=IEwEDyOF7Fc




Cũng không thể quên giọng ca "diva" của quán, Trần Quyền với chất giọng bán cổ điển nội lực, có thể cộng hưởng tận D5 vang ầm ầm. Trần Quyền hát bình thường khá tình cảm, nhẹ nhàng, nhưng do chiều theo ý tôi lên anh đã tung tới C5, D5 với mức âm lượng cực lớn, không cần mic mà ngang với ca sĩ hát mic. Nhưng tôi đã không quay lại khoảnh khắc đó, vì tôi muốn tôn trọng âm nhạc, không cổ súy cho việc khoe giọng, trưng trổ. Tôi chỉ quay lại màn trình diễn ca khúc Mắt biếc của anh, ấm áp và đầy đặn.

https://www.youtube.com/watch?v=FiZClu9ic_o


Tôi từng viết một truyện ngắn về quán cafe gỗ sồi cũ kĩ bên vệ đường cả thế kỉ. Nơi thời gian và không gian đọng lại từng giọt. Nơi Nina Simone đàn cho tôi khúc Who knows where the time goes. Nơi tôi dừng chân phiêu lãng những lúc loay hoay tìm vết đi đời mình. Liệu có phải câu chuyện của tôi đang thành hiện thực? Đó là câu chuyện của thời gian. Nhưng hiện tại, khi thu vàng rơi ngập những xác gạch vỡ nát trên con vỉa hè gồ ghề, oặt ẹo, bám đầy bụi bặm bên ven kiếp đường đi, tôi và mọi người vẫn có nơi để tới, để thả hồn và thưởng thức âm nhạc đích thực, cùng những nghệ sĩ có nghề, để nâng cao trí tuệ, thẩm mỹ bản thân với giá rẻ bình dân.



Vậy nên, còn chần chừ gì nữa mà không dắt túi vài chục ngàn (chỉ bằng bát phở rối đầy hóa chất) tới ngay Harmony quán số 9, lô 22, Lê Hồng Phong, Hải Phòng để được thư giãn tai nghe, tâm hồn, để được nghệ sĩ phục vụ tận tình bằng âm nhạc sống. Và hơn nữa, bạn có thể được thoải mái cầm mic thỏa sức đam mê ca hát, nơi có nhạc và âm thanh cho bạn thử sức mà không sợ bị ai cười chê, kì thị. Nơi bạn có thể "bung lụa" hết mình.

https://www.facebook.com/cafeharmonyhaiphong/?fref=ts


Long Phạm





Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Rebel Hearts Tour (Madonna) - Đẳng cấp còn mãi (Phần 1)

Ở cái tuổi gần 60, khi các đồng nghiệp cùng thời đã lui về hậu trường hoặc hoạt động cầm chừng, thì Madonna vẫn hoạt động bền bỉ như thời hoàng kim, giữ mình trên đỉnh vinh quang, khiến vô số ca sĩ trẻ phải ngưỡng mộ và tự trách mình tại sao không thể làm được như cô.

Một trong những đỉnh cao mà Madonna kiên tạo trong thời gian gần đây nhất là Rebel Hearts Tour - Tour diễn có thể nói là đẳng cấp xuyên suốt 2 năm 2015 - 2016. Nơi mà người ta chứng kiến Madonna vẫn là Nữ hoàng như cách đây 30 năm, không hề suy chuyển.

Với tour diễn này, Madonna sẽ khiến nhiều ca sĩ như Beyonce, Lady Gaga, Britney Spears... phải tự hỏi mình rằng, tại sao có sức trẻ, có ekip hùng mạnh, có thiên thời địa lợi mà lại không thể hoạt động sáng tạo tuyệt vời như một bà già U60.

Với tình yêu và lòng kính trọng dành cho Nữ hoàng nhạc pop, tôi xin mạn phép viết đôi dòng cảm nhận về Rebe; Hearts Tour. Nhưng do điều kiện hạn chế nên chỉ đi vào phần 1 của show.

https://www.youtube.com/watch?v=kyxD6ZtKcL4

Như mọi khi, Madonna không bao giờ xuất hiện luôn mà dùng màn hình visual chiếu lên những đoạn clip background ngắn để mở màn câu chuyện, dẫn dắt khán giả đầy tinh tế. 

Đập vào mắt khán giả đầu tiên là hình ảnh một cô đào đầy máu me bị nhốt sau cánh cửa sắt hoen rỉ đang cố vươn từng ngón tay trong cơn đau quằn quại để thoát ra. Ai cũng dễ dàng nhận ra đó là hình ảnh Marylin Monroe - một trong những hình tượng ưa thích của Madonna. Nhưng dù cho đã hóa thân làm Marylin nhiều lần trong sự nghiệp, Madonna cũng chưa bao giờ bị trùng lặp ý tưởng, luôn khai thác theo nhiều góc cạnh nội dung khác nhau. Lần này, cô lại khiến khán giả tò mò khi không biết hình ảnh Marylin có ý nghĩa gì.



Tiếp sau hình ảnh Marylin là một người đàn ông cũng đầy máu me bị bịt miệng bởi một chiếc rọ sắt, đang cố gầm rú để được MỞ MIỆNG.

Xen kẽ cùng các hình ảnh là giọng thì thầm của Madonna: 

Tôi, một người phụ nữ tóc vàng, có đầy đủ mông và ngực cùng một khao khát cháy bỏng được mọi người chú ý.


Tới đây đi cưng. Lắc khoe mông đi nào. Hãy trưng ra những động tác nhảy tốt nhất mà cưng biết.
Ok, nhưng tôi vẫn muốn tiến hành một cuộc Cách mạng. Ai đó buộc phải làm như vậy.

Có quá nhiều cái đẹp trên thế giới đang bị lãng phí. Quá nhiều tài năng không được đãi ngộ. Quá nhiều sự sáng tạo đang bị bức tử dưới sự thao túng của truyền thông. Nhưng đã tới lúc phải thức tỉnh.
Khi tôi nhìn vào mắt của mọi người xung quanh, tôi thấy một sự bất lực, tôi thấy một sự vô vọng. Tôi thấy mọi người đang dãy dụa tìm kiếm lối thoát. Bởi những tên độc tài Phát xít hiện lên dưới vỏ bọc hào nhoáng của một đấng cứu thế đang tiến tới tống giẻ vào mồm, khiến bạn câm miệng.và ném bạn trở lại cái nhà tù chúng đã tạo ra.
Bạn có dám chiến đấu cho những gì bạn cho là đúng? Bạn có sẵn sàng chết cho những gì bạn cho là đúng?
Tôi muốn tiến hành một cuộc Cách mạng. Ai sẵn sàng tham gia cùng tôi?

Tới đây, khán giả có thể hiểu được phần nào ý đồ của Madonna khi đưa cái chết của Marylin - một nạn nhân của thế giới giải trí lên màn ảnh. Và Marylin cũng chỉ là tượng trưng cho biết bao cô đào, nghệ sĩ khác đang ngày đêm quằn quại, muốn thoát khỏi truyền thông mà không được. Họ bị ép phải làm cái này, cái khác, đôi khi trở thành nô lệ tình dục, bị ép dùng ma túy để được nổi tiếng, nhưng lại giết chết sáng tạo nghệ thuật trong họ. Giống như Britney Spears từng nói: "Ở tù còn có ngày ra, còn tôi thì chẳng biết ngày nào". Mở rộng ra là thế giới con người ngày nay đang bị BỊT MIỆNG bởi những thế lực giả danh chính nghĩa, họ muốn nói mà không thể được.

Tới đoạn Marylin bị ép bức, tra tấn cũng là lúc đoàn vũ công mặc đồ chiến binh trung cổ bước ra đầy khí thế, trên tay cầm cây thương hình thánh giá làm người ta liên tưởng tới cuộc Thập tự chinh - cũng là một cuộc chiến tranh man rợ, giết chóc của tôn giáo mượn danh chính nghĩa, đức tin.

Sau đó, Madonna xuất hiện từ trên cao trong một chiếc lồng sắt như chiến binh bị giam cầm, nhưng đầy kiêu hãnh và sức mạnh. Cô vừa cầm mic hát Iconic với nội dung ca ngợi việc không ngại khó khăn, tự vượt lên chính mình, vừa đạp tung chiếc lồng để chiến đấu chống lại đội quân tôn giáo, giải phóng nữ quyền, nhân quyền. Bài hát vô cùng hợp với vũ đạo.





Madonna vẫn như mọi khi, sáng tạo vũ đạo thành thần, biến vũ đạo thành những cuộc chiến dũng mãnh. Như tôi đã nói, với ca sĩ khác, vũ đạo chỉ là nhảy bổ trợ cho đẹp mắt, còn với Madonna, nó là cả một nghệ thuật đầy nội dung, ý nghĩa, tư tưởng trình diễn.



Từ đêm trường trung cổ châu Âu, Madonna chuyển vũ đạo và bối cảnh sang kịch nô và samurai Nhật Bản, thể hiện sự giao thoa, kết hợp văn hóa Đông - Tây uyển chuyển, điều luôn có trong tour diễn của cô. Đó cũng là lúc Madonna hát bài Bitch! I'm Madonna để khẳng định bản thân đầy quyền lực - thứ quyền lực của người phụ nữ làm chủ cuộc đời mình.



Ca khúc Burning Up kế tiếp có vẻ chưa thực sự liền mạch, nhưng nó cho thấy hình ảnh khác về Madonna - một nghệ sĩ đích thực biết đam mê với âm nhạc chứ không chỉ biết nhảy nhót, tạo hình màu mè. Không phải ngẫu nhiên mà Madonna chọn hình ảnh một rocker cầm guitar bass để thể hiện điều này. Vì rocker là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, tự chủ, đúng với tinh thần về tình yêu độc lập của ca khúc.



Đỉnh điểm nhất chính là ca khúc Holy water sau đó, một ca khúc mang tính báng bổ tôn giáo ngay từ nội dung tới trình diễn. Và đúng như mong đợi, đụng đến tôn giáo là gãi đúng chỗ ngứa của Madonna nên lần nào cô trình diễn cũng sáng tạo, táo bạo đến cùng cực.

Holy water vốn là nước thánh, nhưng Madonna lại ẩn dụ tới "dâm thủy", thứ nước tiết ra từ chỗ kín, từ dục tình của phụ nữ. Qua đó, cô muốn đề cao sự tự do tình yêu, tình dục của phụ nữ, vốn bị tôn giáo kìm kẹp hàng ngàn năm qua, và khẳng định rằng không có gì là dơ bẩn, thứ bị cho là dơ bẩn nhất có khi lại cao quý và ngược lại. Đó cũng là quy luật triết học mang tính biện chứng.



Với ca khúc này, Madonna một lần nữa gây sốc khi báng bổ tôn giáo bằng cách cho vũ công nữ mặc quần lót trắng nhưng đầu đội mũ bà sơ, nhảy những điệu khiêu gợi. Cây thánh giá bị Madonna biến thành các cột múa cho các nữ vũ công nhảy lên múa cột. Với hành động này, Madonna kêu gọi mọi người hãy từ bỏ tôn giáo mà tận hưởng những vui thú của cuộc sống nơi trần thế, rằng nhà thờ cũng chỉ ngang một cái sàn nhảy, và thiên đường ở chính mặt đất này chứ không phải trong vài trang Kinh Thánh lỗi thời nào đó.




Madonna đã rất sáng tạo khi đưa bức Bữa ăn tối cuối cùng của danh họa Leonardo Da Vinci - một bức tranh kinh điển về tôn giáo vào phần trình diễn. Cô dựng ra một bàn tiệc và background y chang bức tranh, nhưng lại đưa lên đó các vũ công nổi loạn, đập phá, biến bữa ăn nghiêm trang tôn giáo thành bữa tiệc tự do, vui sướng của trần tục, đề cao thiên đường nơi trần thế. Cảnh Madonna nhảy lên bàn tiệc lăn lộn cùng các vũ công, nhảy những điệu đầy ẩn ý đã cho thấy sự nổi loạn, mạnh mẽ và táo bạo tuyệt vời ở cô.



Nếu ai đã từng tìm hiểu bức Bữa ăn tối cuối cùng, sẽ thấy góc ngồi giữa Chúa Jesus (ở giữa) và tông đồ Mary (bên trái) tạo nên góc tam giác, được xem là biểu tượng của Chén Thánh trong Kito giáo. Madonna đã lợi dụng góc độ này để nằm ra chính giữa bàn tiệc, banh rộng hai chân, dùng háng của mình để tạo ra góc tam giác y chang biểu tượng trong tranh.



Với hành động này, Madonna ngụ ý rằng Chén Thánh tôn giáo bí ẩn đó chẳng qua chỉ là âm hộ của người phụ nữ mà thôi. Đây không phải sự phỉ báng tôn giáo, mà là đề cao tinh thần phồn thực, tôn trọng nhiệm vụ sinh nở linh thiêng của người phụ nữ, duy trì giống nòi. Hình ảnh Madonna lúc đó như người mẹ đang sinh con. Rõ ràng, sinh nở mới là cốt của thiên nhiên và con người, chứ không phải tôn giáo. Đó là cái mà Madonna muốn khẳng định.



Tư duy này của Madonna vô tình khá phù hợp với tín ngưỡng phồn thực của các dân tộc vùng Đông Nam Á như Việt Nam. Chúng ta cũng thờ âm đạo và dương vật là yoni và linga, có các nghi lễ biểu trưng giao hợp nam nữ, đực cái để mong vạn vật sinh sôi nảy nở, âm dương hòa hợp. Đạo Mẫu của chúng ta cũng thờ cao nhất là Mẫu (giống cái), thờ sự sinh nở của phụ nữ. Nếu Madonna tìm được đến văn hóa Việt, hẳn cô sẽ rất thích thú.

Kế tiếp là ca khúc Devil pray, nói về tác hại của ma túy, thuốc lá, rượu chè với cuộc sống. Hình ảnh đức cha da màu lại được dựng lên như một cách xóa nhòa phân biệt chủng tộc xuyên suốt sự nghiệp của Madonna.

Khi Madonna đi vào thay trang phục, cô không hề để cho sân khấu bị "chết" dù chỉ một giây mà vẫn sử dụng vũ công nhảy múa kết hợp cùng các hiệu ứng ánh sáng công phu, sống động trên nền nhạc ca khúc Interclude. Hình ảnh Madonna vẫn liên tục xuất hiện đầy biến ảo, sâu sắc trên màn hình visual.

Rõ ràng, không cần có mặt ca sĩ, show diễn vẫn tiếp tục đầy hấp dẫn, không để cho khán giả phải ngơi mắt lúc nào, mà luôn bị cuốn theo mạch liền của show. Cái tài năng ở một nghệ sĩ văn minh như Madonna là vẫn diễn dù không cần có mặt trên sân khấu. Và như đã nói, điều này biến show của Madonna thành show nghệ thuật cao cấp, kết hợp âm thanh, tạo hình, ánh sáng, vũ đạo... chứ không đơn giản là show ca hát như nhiều ca sĩ khác.

Phần 1 của show kết thúc đầy ma mị, để lại nhiều suy tư, mãn nhãn cho khán giả để tiếp tục bước vào phần 2 bí ẩn.

Đến đây, chắc các bạn đã hiểu được phần nào về tài năng, sự nghiêm túc và sáng tạo ở đẳng cấp Nữ hoàng nhạc pop là thế nào. Dù đã gần 60 tuổi và trải qua gần 40 năm sự nghiệp, Madonna vẫn ở trên đỉnh vinh quang, phong độ không hề suy giảm. Chính điều này khiến chúng ta phải học hỏi rất nhiều ở cô.

Long Phạm

Hải Phòng ngày 14/8/2016











Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Nghệ sĩ Trung treo Đường lưỡi bò - fan Việt hãy thức tỉnh!


Đã đến lúc giới trẻ Việt cần nhìn lại bản thân mình khi đặt niềm tin sai chỗ.

Mới đây, hàng loạt ngôi sao gốc Hoa đã đồng loạt đăng tải bức hình có Đường lưỡi bò lên các trang cá nhân của họ như Weibo, Instargram… như một cách thức ủng hộ chiến dịch bành chướng của Trung Quốc.

Hầu hết các ngôi sao đó đều ở độ tuổi dưới 40 và là thần tượng, người trong mộng của giới trẻ Việt như: Phạm Băng Băng, Hứa Ngụy Châu, Hoàng Cảnh Du, Trần Ổn, Lâm Phong Tùng, Dương Mịch, Huỳnh Hiểu Minh, Hoắc Kiến Hoa, Hồ Ca, Dương Dương, Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm, Victoria F(x)…

Các sao Hoa ngữ hoạt động trong những nhóm Kpop

Một số ngôi sao như Hoàng Cảnh Du, Lâm Phong Tùng của phim Thượng Ẩn còn hoạt động rất nhiệt tình để thể hiện quan điểm của mình. Lâm Phong Tùng còn tuyên bố “tuy xa tất diệt”. Hay Hồ Ca khẳng định “một điểm không thiếu, một tấc không nhường”.

Rất nhiều fan Việt đã có động thái tích cực, thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách quay lưng lại với thần tượng bấy lâu của họ. Cũng không ít người chọn cách im lặng và vẫn “chung tình” với thần tượng.

Victoria F(x) là ngôi sao đầu tiên đăng hình Đường lưỡi bò

Một số người bảo vệ thần tượng của mình bằng cách tin rằng họ vô tội, chỉ bị chính quyền Trung Quốc ép buộc.

Nhưng dù thế nào đi nữa, giới trẻ Việt cũng đang bị dội một gáo nước lạnh vào mặt, từ chính những thần tượng mà họ một lòng yêu thương. Trong khi đó, người ngoài lại có cơ hội hả hê cười chê họ.

Cho đến giờ, mâu thuẫn lớn nhất của fan Việt là chọn giữa thần tượng và đất nước. Dù đa số họ chọn đất nước, nhưng trong lòng vẫn còn chút lưu luyến với thần tượng, không dễ gì quên được ngay.

Fan Việt vỡ mộng

Rồi họ đang cảm thấy hối tiếc vì đã dành quá nhiều tiền bạc, thời gian, mối quan tâm để hâm mộ những ngôi sao đó. Khi họ chấp nhận quay lưng với thần tượng, họ cũng sẽ cảm thấy đau lòng vì quá khứ của mình. Đây có thể xem là nỗi đau khá lớn trong cộng đồng fan Việt.

Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu ngay từ đầu họ không quan tâm, không hâm mộ những ngôi sao đó thì đã khác. Chính bản thân họ đã tự đưa mình vào thế bí, khi không biết cách chọn thần tượng, chọn niềm đam mê của mình.

Đau khổ và quay lưng

Nói thẳng ra là, giới trẻ Việt ngày càng đi xuống về thẩm mỹ, nhận thức, cảm thụ nghệ thuật, nên bị chi phối mạnh mẽ bởi nền giải trí thị trường mà các ngôi sao Hoa ngữ là điển hình.

Những ngôi sao đó hầu hết đều không phải nghệ sĩ thực thụ, chỉ là người làm giải trí, là những thần tượng nhuốm màu sắc thị trường. Sản phẩm họ tạo ra không đạt giá trị cao về nghệ thuật. Họ là những con rối trong showbiz, chỉ ham mê kiếm tiền với chút tài năng ít ỏi, nên không hề có bản lĩnh nghệ thuật sâu sắc, dẫn tới bản lĩnh chính trị cũng yếu kém, ai bảo sao thì răm rắp nghe vậy. Một người kém tài thì luôn muốn làm theo những gì người khác bảo để mua lấy bình yên.

Những ngôi sao đó trưởng thành hầu hết từ phim ngôn tình, kiếm hiệp, từ nhạc pop thị trường. Họ còn chẳng có lấy chút cá tính nghệ thuật nào để làm chủ được mình. Họ là thần tượng của một lớp người dễ dãi, mờ nhạt trong thưởng thức nghệ thuật.



Ấy vậy mà, giới trẻ Việt lại đổ xô đi tôn thờ những ngôi sao đó, để rồi bị họ hất ngã một cách đau điếng.

Fan Việt không thể trách thần tượng Hoa ngữ, hãy tự trách mình đã quá dễ dãi, tự hạ thấp thẩm mỹ, cảm thức của mình để đam mê thứ nghệ thuật nhạt nhòa, thị trường, say xưa những ngôi sao thiếu tài, thiếu cả bản lĩnh kia. Để rồi bây giờ, họ bị thần tượng phản bội thậm tệ.

Nhìn ra thế giới, sẽ thấy rằng những nghệ sĩ thực thụ, có tài năng, thẩm mỹ nghệ thuật cao thì bao giờ bản lĩnh chính trị cũng vững vàng, khác xa dàn sao Hoa ngữ kia. Đó là Nina Simone, Bob Dylan, Madonna, The Beatles, Aretha Franklin, Muhammad Ali, Leontyne Price, Joan Baez…



Nina Simone từng từ bỏ quê hương mình là nước Mỹ như một cách chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Madonna từng bị vùi dập, các bài hát của cô bị hạn chế lên sóng do làm những sản phẩm âm nhạc bóc trần bộ mặt chính quyền Mỹ. Cô thậm chí còn đối đầu với cả tòa thánh Vatican vì đả kích tôn giáo và bị Giáo hoàng kêu gọi tẩy chay.



Bob Dylan thì liên tục sáng tác những ca khúc phản chiến chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam do Mỹ phát động. Vợ ông, ca sĩ Joan Baez còn sang hẳn Việt Nam để hát giữa lúc chiến tranh căng nhất.



Tuyệt vời nhất Muhammad Ali, ông đã chấp nhận ngồi tù nhiều năm chứ nhất quyết không đi lính sang Việt Nam. Ông còn có câu nói nổi tiếng: “Tại sao tôi phải đi 10 ngàn dặm để thả bom lên đầu những người Việt Nam vô tội trong khi ở người da đen ở Louisville (Mỹ) đang bị đối xử như những con chó và không có được những quyền cơ bản nhất của một con người”.



Còn nói về nghệ sĩ Hoa ngữ, Đặng Lệ Quân được xem như tấm gương tuyệt vời khi có quan điểm chính trị rõ ràng của riêng mình, không bị chi phối bởi chính quyền. Âm nhạc của bà cũng thật giá trị, say mê làm sao. Bà khác hẳn dàn sao Hoa ngữ thị trường ngày nay.

Đó mới là những nghệ sĩ đích thực, với bản lĩnh nghệ thuật, bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi con người trong họ là một cá tính sâu sắc, dùng tài năng của mình kiến tạo nên nghệ thuật, chứ không phải chạy theo đồng tiền để làm lu mờ nghệ thuật như nhiều ngôi sao Hoa ngữ ngày nay. Bởi vậy, họ chẳng hề sợ hãi trước thế lực nào, vẫn hiên ngang thể hiện quan điểm của mình.

Họ khác xa với những nghệ sĩ Hoa ngữ mà fan Việt ngày đêm mơ tưởng.

Đôi khi người ta không thể hiểu nổi những nghệ sĩ đó có giá trị gì mà khiến giới trẻ say mê đến vậy. Và giới trẻ đã, đang, sẽ học được gì từ những nghệ sĩ thị trường, kém tài, kém cả bản lĩnh đó?

Rõ ràng, giới trẻ đã tự hạ thấp giá trị của bản thân khi lao vào những nghệ sĩ thị trường như vậy. Họ đã quay lưng với nghệ thuật chân chính, giết chết thẩm mỹ, cảm thụ của mình, dung dưỡng cho thói dễ dãi, cho sự kém cỏi về cả tài năng lẫn bản lĩnh.

Không ngạc nhiên khi tầng lớp lớn tuổi luôn chê cười, khinh thị lớp trẻ, dù đó là điều không nên.

Bởi khi bố mẹ, cô bác chúng ta ở độ tuổi của chúng ta, họ thần tượng Trịnh Công Sơn, The Beatles, Madonna…, và họ có được khả năng thưởng thức tốt, bản lĩnh sống vững vàng, thì bây giờ chúng ta thần tượng ngôn tình, nhạc pop thị trường, phim thị trường. Để rồi chẳng những không học hỏi được gì, tự hạ thấp mình xuống, mà còn bị phản bội một cách đau đớn.

Chọn thần tượng cũng là cách để học hỏi và rèn luyện, nâng cao bản thân. Một người hâm mộ Maria Callas, Trịnh Công Sơn, Bob Dylan, David Bowie chắc chắn trí tuệ sẽ khác hẳn một người hâm mộ Hứa Ngụy Châu, Hoàng Cảnh Du, Lâm Phong Tùng, Ngô Diệc Phàm, Hồ Ca, Hoắc Kiến Hoa…

Bởi vậy, fan Việt trẻ, hãy thức tỉnh đi thôi! Đừng u mê trong ngôn tình, kiếm hiệp, trong những ngôi sao thị trường đẹp mã kém tài, kém bản lĩnh nữa! Ngay tại Việt Nam và trên thế giới còn biết bao nghệ sĩ đích thực với tài năng, bản lĩnh cho các bạn hâm mộ. Hâm mộ họ, bạn sẽ học được vô số điều ý nghĩa, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ của bản thân. Hãy nuôi dưỡng nghệ thuật đích thực thay vì đổ tiền của, công sức vào ham mê những thứ giải trí vô bổ, để rồi bị vỡ mộng như hôm nay. Đừng chọn sai thần tượng!


Long Phạm

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Lạc lõng

Lạc lõng

Đêm đã khuya, chàng trai ấy vẫn đi
Chân đã mỏi mà chẳng muốn ngừng

Nắng khuya hắt bóng vàng tạ
Bụi trời giăng ướt tóc xanh
Trăng mờ dần phía ngày nắng tắt
Sao khóc nhòa chết lịm sau mây đen
Gió rên rỉ khóc bên hè
Lá tàn úa không lê nổi bước chân

Đi mà chẳng thấy đường
Chẳng biết miền kí ức, chẳng nhớ nơi nào là tương lai
Tìm kiếm gì trong cuộc đời này?
Mà lang thang, lạc lõng một mình

Vỡ nát từ khi còn đỏ hỏn
Tung tóe da thịt khắp nhân gian
Chỉ còn chút mảnh vỡ đọng lại
Găm buốt giá từng ngày

Lớn lên trong mù lòa
Không biết đâu nguồn sáng
Đành đứng riêng một vách
Nhìn người ta cười đùa

Đi mãi đường không thành
Bốn bề tối tăm, xóa tan mặt đất
Xóa cả bầu trời, xóa hết cơn mơ

Chẳng gì luyến tiếc cõi đày đọa
Thôi đành tan nát vào hư vô!

Long Phạm
9/7/2016



Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Thu tàn

Thu tàn

Tóc ngân hà em bước giữa mùa thu
Thả vào trời một rừng sao từ mệnh
Áo địa đàng em đánh rớt bên đời
Cho lòng ai mặc vừa nỗi nhớ nhung 
Em bước đi mà thời gian chết lặng 
Để thu tàn còn đọng trong mắt anh.

Long Phạm

7/8/2013

Để lại cho anh

Để lại cho anh

Xin hãy nói nếu em hết yêu anh
Xin hãy bước khi em cần tự do
Đừng ở lại trong ánh mắt chật hẹp
Đừng nằm dài bên xác chết xanh xao

Anh sẽ để em đi
Anh sẽ để em bay
Vòng tay anh nhỏ quá không ôm nổi cánh chim trời
Ước nguyện anh bé lắm không chứa vừa trái tim em
Lời nói anh ngắn ngủi chưa bắc kịp đôi lệ
Hơi thở anh còn lạnh chưa sưởi ấm hồn em
Đôi môi anh chưa mở trao gửi em tình ái
Tình yêu anh chưa hát thổi nhịp vào lòng em

Anh sẽ đứng lại để em tung cánh
Anh sẽ buông tay để em vươn bay
Anh sẽ nhắm mắt để đóng lại bầu trời
Anh sẽ thức giấc để thôi những cơn mơ

Em hãy đi và kiếm tìm hạnh phúc
Hãy ngả xuống những bờ vai em cần

Chỉ xin em

Để lại cho anh lời hứa em ngày ấy
Để lại cho anh những đêm dài nép bờ vai
Để lại cho anh lời thề nguyện chân thành em từng nói
Để lại cho anh những kỉ niệm ngày ấy đong đầy
Để lại cho anh nụ cười em e ấp
Để lại cho anh những con đường gồ ghề ta từng đi
Để lại cho anh bầu trời sao ân ái
Để lại cho anh ánh trăng mật chảy mái đầu tơ
Để lại cho anh đôi dòng nhật kí
Để lại cho anh bức thư tình ngày đầu em trao
Để lại cho anh cánh bướm khô ép thơm từng trang giấy
Để lại cho anh hương ổi tím chiều thu anh quen em
Để lại cho anh  lán bằng lăng rợp nắng
Để lại cho anh vị trà sữa tuổi mới yêu
Để lại cho anh những tháng ngày rong ruổi
Để lại cho anh chặng đường xe đạp và chiếc mũ rộng vành
Để lại cho anh làn da em xanh mát
Để lại cho anh mái tóc em thưở còn dài
Để lại cho anh hàng mi em chưa chớp
Để lại cho anh bờ môi em chưa phai
Để lại cho anh nụ hôn đầu ngây dại
Để lại cho anh cái nắm tay thẹn thùng
Để lại cho anh bài ca Niệm khúc cuối
Để lại cho anh tiếng hát Thái Thanh
Để lại cho anh phím dương cầm tuổi hồng
Để lại cho anh chút nhạc Phạm Duy
Để lại cho anh bộ phim Cuốn theo chiều gió
Để lại cho anh câu hát đầu And I...

Ừ thì thôi con người vốn bất toàn
Tình đáng yêu vì tình luôn lầm lỗi
Đời rộng quá, hãy cứ yêu để cho đi
Yêu càng nhiều thì cho càng nhiều
Còn được yêu nghĩa là còn tồn tại
Em cứ yêu để em được ban phát
Mong cuộc đời luôn chân thành với em!

Long Phạm

18/2/2015