Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Bàn về việc lạm dụng danh xưng diva trên thế giới và ở Việt Nam

Diva (trong tiếng Ý cổ là Nữ thần) là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc. Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình. Còn với công chúng, diva là một trong những ranh giới rõ nhất để phân biệt đẳng cấp giữa ca sĩ (có thể là rất nổi tiếng hoặc tài năng) và một bậc thầy, huyền thoại âm nhạc. Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào (có quyền) đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được. Để được đông đảo công chúng nghe nhạc công nhận là diva, nữ ca sĩ phải hội tụ đầy đủ những điều kiện sau đây:
- Phải có một giọng hát xuất chúng, có thể hiểu là một giọng hát quý hiếm, hoặc là rất đẹp, hoặc là vô cùng đặc biệt mà không thể tìm thấy ở các ca sĩ thông thường.

- Phải thực hiện được hàng loạt những kĩ thuật thanh nhạc tinh xảo ở mức điêu luyện mà ca sĩ thông thường không làm được.

- Phải có một tư duy, khả năng cảm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc xuất chúng.

- Phải có sự sáng tạo, cách tân to lớn với âm nhạc.

- Phải có cống hiến to lớn với lĩnh vực âm nhạc mình theo đuổi.

- Phải có ảnh hưởng lớn tới công chúng và các thế hệ ca sĩ sau đó.
Trong đó, hai điều kiện đầu tiên là hai điều kiện cần (điều kiện tiên quyết) để phân biệt diva với một nữ nghệ sĩ tài năng. Bởi trên thực tế, có những nữ nghệ sĩ/ca sĩ có tài năng, cống hiến ngang ngửa, thậm chí vượt trội hơn cả diva, nhưng không có thế mạnh về giọng hát và kĩ thuật thanh nhạc nên không thể gọi là diva. Các điều kiện còn lại là điều kiện đủ, để phân biệt diva với những nữ ca sĩ có giọng hát hay, kĩ thuật thanh nhạc vượt trội, nhưng tư duy và thẩm mỹ, sáng tạo, cống hiến, tầm ảnh hưởng trong âm nhạc hầu như không có nhiều.

Dựa vào các tiêu chí trên, chúng ta sẽ có các diva ở hai loại âm nhạc sau:

- Diva nhạc cổ điển/opera: Maria Callas, Joan Sutherland, Birgit Nilsson, Montserrat Caballe, Leontyne Price, Victoria de Los Angeles...

- Diva nhạc đại chúng: Whitney Houston, Aretha Franklin, Mariah Carey...
Như vậy, có thể thấy diva là một mỹ từ cao quý mà hầu hết các nữ ca sĩ đi theo con đường vocalist và người hâm mộ của họ đều muốn đạt được. Vì không có một quy chuẩn chính xác hay tổ chức uy tín nào đứng ra công nhận ca sĩ này hay ca sĩ khác là diva nên ngày nay, mỹ từ này đã được phổ biến rộng rãi như một cách làm thị trường âm nhạc trở nên phong phú và có sức hút hơn với công chúng, và cũng để đại chúng hóa nó, giúp ca sĩ có động lực hơn để phấn đấu trong nghề nghiệp của họ.

Chính vì thế, trong nhiều năm gần đây xảy ra tình trạng "loạn" diva, nước nào cũng muốn có diva, dòng nhạc nào cũng muốn có diva, thế hệ nào cũng muốn có diva, rồi sinh ra các kiểu diva khác nhau như diva nhạc rock, diva nhạc r&b, diva nhạc dance, diva châu Á, diva châu Âu, diva của nước này nước khác, diva thế hệ mới, diva trẻ, diva kế cận... Nhà nhà tranh đua diva, người người tranh đua diva, ai cũng muốn thần tượng của mình là diva, chỉ cần hát hay, kĩ thuật, có chút cống hiến, chút tài năng là có thể được báo chí tung hô làm diva.
Nực cười nhất là việc xưng tụng diva trẻ, diva kế cận, diva thế hệ mới. Những người xưng tụng và gọi như vậy hoàn toàn không hiểu nghĩa của từ ngữ họ dùng, họ cho rằng những "diva trẻ" của họ tuy chưa là diva nhưng tương lai có thể hoặc sẽ là diva nên gọi như thế là hợp lí. Nhưng khi gọi ai đó là "diva", chứng tỏ là ca sĩ đó phải đầy đủ yếu tố và đã xứng đáng là diva thì mới được phép gọi, vậy bỗng dưng gán chữ "diva" cho một ca sĩ mà hiện tại họ chưa là diva để thành "diva thế hệ mới" liệu có quá mâu thuẫn giữa hai vế của từ? Liệu họ có chắc chắn rằng ca sĩ đó trong tương lai sẽ thành diva để được gán một chữ "diva" vào danh xưng phía trước như thế? Một số ca sĩ có vocal và kĩ thuật tốt như Leona Lewis, Charice, Ailee, Jessie J... được xưng tụng làm diva trẻ, dẫu có chút bất hợp lí, nhưng cũng còn có căn cứ. Nhưng thật thảm họa khi một page chuyên về Diva trên Facebook lại từng có lần xưng tụng những ca sĩ thiên về trình diễn, không có nhiều nổi trội về vocal, thanh nhạc như Miley Cyrus, Katy Perry, Rihanna, Nicki Minaj... làm "diva trẻ" chỉ vì họ nổi tiếng.
Hay như cách đây vài năm, Charice nổi lên như một hiện tượng, chỉ vì cô còn nhỏ tuổi mà sở hữu chất giọng khỏe khoắn của một vocalist trưởng thành, lên được những note cao vút. Người ta sẵn sàng bỏ qua mọi thứ về sáng tạo, thẩm mỹ, tư duy âm nhạc là cái quan trọng nhất của một nghệ sĩ, chỉ để ý tới giọng hát để tung hô cô bé này làm diva thế hệ mới, diva trẻ. Nhiều bài báo còn tự tin cho rằng Charice sẽ soán ngôi Whitney, Mariah, Celine trong vài năm nữa. Thật nhảm nhí khi họ nghe một cô bé cover đúng nguyên bản các bài hát của diva pop với chất giọng khủng rồi tung hô luôn đó cũng là một diva. Họ quên rằng các diva lớn ngoài giọng hát đặc biệt, kĩ thuật cao cấp còn có một sự sáng tạo tuyệt vời, tư duy, thẩm mỹ âm nhạc sâu sắc, và đều phải cống hiến miệt mài ít nhất cả chục năm mới được gọi là diva. Chính sự tung hô bừa bãi đó đã giết chết Charice, khiến cô chạy theo việc khoe giọng vô tội vạ, lệ thuộc vào cái bóng của các diva lớn, vào việc cover lại các ca khúc kinh điển ngày này qua ngày khác mà không chú ý phát triển cái tôi âm nhạc riêng có của mình. Để đến bây giờ, dù đã là một ca sĩ trưởng thành, nhưng Charice vẫn chẳng có cống hiến nào trong tay, vẫn chỉ là một ca sĩ biết khoe giọng hát như biết bao ca sĩ giọng khủng khác. Trên thực tế, Charice chỉ là một trong số nhiều nữ ca sĩ trẻ có giọng tốt được truyền thông tung hô là diva nhưng mãi mãi vẫn chỉ là vocalist khoe giọng trên sân khấu.

Nhiều người lại cho rằng, nếu không tìm ra lớp diva kế cận thì sau khi các diva cũ ra đi hết sẽ không còn ai là diva. Quan niệm như thế thật ngớ ngẩn! Không lẽ diva buộc phải thế hệ nào cũng có? Nếu không có thì nhất định phải gán ghép bằng được để cố đấm ăn xôi, hạ thấp giá trị từ ngữ xuống? Bản thân các diva nhạc pop hay opera cũng chỉ xuất hiện một lần trong suốt vài thế kỉ, và sự xuất hiện của họ là hoàn toàn tự nhiên, chứ đâu phải theo kiểu thế hệ trước có diva thì nhất định thế hệ của họ cũng phải có diva nên họ mới được gán ghép? Chúng ta đã chứng kiến một thời kì hoàng kim của các diva trong nửa sau thế kỉ XX, và thế hệ vàng này đang dần lùi vào quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa nhất định trong thế kỉ XXI phải có diva. Diva trong thế kỉ này có thể có hoặc không. Nên nhớ, chúng ta mới đang ở đầu thế kỉ XXI, tương đương với giai đoạn đầu thế kỉ XX, mà ở đầu thế kỉ XX thì cũng chưa có diva tên tuổi nào xuất hiện. Vậy nên, có thể diva sẽ xuất hiện ở nửa sau thế kỉ XXI (tương tự thế kỉ XX), hoặc có khi tới vài thế kỉ sau. Đó là câu chuyện của thời gian và sự phát triển tự nhiên của bánh xe lịch sử.

Quay lại Việt Nam, có  một sự vô lí không hề nhẹ khi báo chí gán ghép danh xưng diva cho bốn nữ ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, gây ra bao phiền toái bấy lâu cho chính người được xưng tụng và khán giả nghe nhạc. Những điều vô lí đó, ai cũng có thể thấy:
- Cả bốn diva đều là người gốc Bắc, phát triển sự nghiệp ban đầu ở miền Bắc (trung tâm Hà Nội). Nhiều khán giả sẽ hoài nghi rằng, liệu có sự phân biệt vùng miền ở đây? Liệu có phải nhà nước cố tình lăng xê ca sĩ gốc Bắc mà bỏ qua ca sĩ miền Nam cũng tài năng không kém?

- Cả bốn diva đều xuất thân từ những gia đình nghệ thuật, hoặc có người thân, họ hàng giữ chức vụ cao về văn hóa, nghệ thuật trong các cơ quan nhà nước. Điều này sẽ đặt dấu hỏi rằng, liệu có sự ưu tiên, thiên vị những ca sĩ "con ông cháu cha" mà gạt đi những ca sĩ "không có gốc gác".

- Cả bốn diva đều trưởng thành và được lăng xê từ VTV. Liệu có sự liên quan giữa VTV và danh xưng của bốn người này?

- Tại sao chỉ có bốn người này được gọi là diva? Trong khi về tài năng, giọng hát, cống hiến, có nhiều ca sĩ thế hệ trước ngang ngửa hoặc vượt qua họ như Quách Thị Hồ, Lê Dung, Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu, Bảo Yến, Thu Hiền, Thanh Nga... Tại sao những người này không được gọi là diva? Chính mâu thuẫn này khiến một bộ phận không nhỏ fan của các ca sĩ thế hệ trước quay sang công kích 4 diva kia, dù họ không đáng bị như thế. Như vậy, sự vô lí của truyền thông đã gây hại cho chính người được tung hô.
- Nhiều ý kiến cho rằng, gọi 4 ca sĩ trên là diva vì từ diva ở Việt Nam chỉ giới hạn trong nhạc nhẹ, nên còn gọi là diva nhạc nhẹ Việt Nam. Nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng hầu như chỉ gọi là diva hoặc diva Việt Nam chứ không hề có từ "nhạc nhẹ". Thật không hiểu những người đưa ra ý kiến này có định nghĩa được nhạc nhẹ là gì hay không? Nếu gọi như thế, Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu, Bảo Yến... không hát nhạc nhẹ thì họ đang hát nhạc gì? Và tại sao diva ở Việt Nam lại chỉ hát nhạc nhẹ, các loại nhạc khác không được tính? Đó là điều hết sức bất hợp lí.

- Nếu gọi tất cả những ca sĩ trên là diva thì lại càng khập khiễng, khi cả thế giới chỉ có vài diva mà riêng Việt Nam lại có tới cả chục diva.
Bản thân việc xưng tụng cũng gây phiên toái, áp đặt cho chính người được tung hô. Hà Trần là một nghệ sĩ tài năng, từ lâu đã đi theo con đường một nghệ sĩ indie, thiên về làm nhạc chứ không chỉ là ca sĩ đứng khoe giọng. Giá trị âm nhạc mà Hà Trần tạo nên trong sự nghiệp của cô là những giá trị thiên về sáng tạo âm nhạc hơn là giọng hát, và bản thân cô cũng mong muốn được nhìn nhận ở góc độ đó. Trên thế giới cũng có nhiều nghệ sĩ được đánh giá cao ở góc độ làm nhạc chứ không phải giọng hát như Madonna, Bjork... Và dù giọng hát không mấy nổi trội, họ vẫn được đánh giá rất cao, vì công chúng biết giá trị của họ nằm ở đâu. Nhưng tại Việt Nam, chính danh xưng diva áp vào Hà Trần khiến cô liên tiếp bị chê không xứng làm diva vì giọng mỏng, yếu, âm sắc không đặc biệt. Người ta chỉ biết xoáy vào giọng hát để đánh giá mà quên đi những cái khác. Hồng Nhung cũng là một trường hợp tương tự Hà Trần, liên tục bị xoáy vào giọng hát để chê không có kĩ thuật cao cường, hát phô, hát thô... Không ai quan tâm đến giá trị âm nhạc ngoài giọng hát mà cô tạo ra, cống hiến trong sự nghiệp của mình. Đây là hai trường hợp điển hình của việc danh xưng vô tội vạ làm mờ mắt công chúng, dẫn đến đánh tráo thẩm mỹ nghe nhạc. Nếu không bị gán mác diva đằng trước, có lẽ họ sẽ được công chúng đánh giá một cách đúng đắn hơn là chỉ xoáy vào giọng hát.
Có những người lại bị chính danh xưng diva đè nặng quá nhiều mà biến thành nô lệ cho nó. Thanh Lam và Mỹ Linh đều là hai giọng hát đẹp hiếm có ở Việt Nam với lối hát tinh tế, đằm thắm, lôi cuốn người nghe. Nhưng cả hai ca sĩ này ngày càng trở nên "xôi thịt" quá đà, cố gắng phô diễn, trưng trổ giọng hát để chứng tỏ đẳng cấp diva của mình mà không hề biết đang làm mệt mỏi tai nghe của khán giả. Nếu Mỹ Linh ngày càng lạm dụng ngân rung, cố gắng belt lên những note cao vút ngoài tầm kiểm soát, ngoài quãng đẹp của mình thì Thanh Lam ngày càng lạm dụng việc đãi chữ dài ra với vibrato cộng minh rất "quân khu bộ đội". Để chứng tỏ đẳng cấp kĩ thuật, giọng hát của mình, họ đã chấp nhận nhạt hóa bản thân, biến lối hát của mình trở thành một màu, cứng nhắc. Đó có phải sự đánh đổi xứng đáng cho danh xưng diva?
Chính việc tung hô 4 diva như trên cũng dẫn tới tình trạng fan của các ca sĩ trẻ như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh, Nguyên Thảo, Uyên Linh... đòi hỏi công nhận thần tượng mình là diva trẻ, diva thế hệ mới hay diva thứ 5, diva thứ 6... Tầng lớp fan này còn rất trẻ, chưa hiểu biết nhiều về âm nhạc nghệ thuật, lại chạy theo xu thế diva nên có những quan điểm rất phi âm nhạc như tung hô note cao, tung hô việc trưng trổ kĩ thuật, trưng trổ giọng hát. Fan Thu Minh đòi công nhận Thu Minh làm diva vì chẳng có ai ở Việt Nam belt note cao chuẩn kĩ thuật như Thu Minh, fan Mỹ Tâm đòi công nhận Mỹ Tâm làm diva vì chẳng có ai ở Việt Nam thành công như Mỹ Tâm... Ai cũng muốn thần tượng mình lên làm diva vì có chút tài nghệ nhất định nào đó.
Báo chí cũng có lỗi không nhỏ trong việc định hướng khi chạy theo thời vụ, tung hô ca sĩ này ca sĩ kia lên làm diva vì tên tuổi ca sĩ đó đang hot. Chẳng hạn, sau thành công của Uyên Linh ở Vietnam idol 2010, hàng loạt bài báo tung hô cô làm diva thứ 5, diva kế cận xuất hiện. Tương tự như Uyên Linh, Hương Tràm và Hoàng Quyên cũng được tung hô ngay sau thành công ở các cuộc thi âm nhạc lớn. Một diva dù tài năng đến đâu cũng cần ít nhất 10 năm để phấn đấu và khẳng định mình, vậy tại sao báo chí lại có thể tung hô bừa bãi, đặt một thí sinh chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc cạnh các gạo cội lên làm diva này, diva khác, trong khi họ còn chưa có cống hiến gì như thế? Dẫu rằng mục đích của bài báo có thể chỉ là dự đoán, chưa khẳng định, nhưng ít nhiều vẫn ảnh hưởng tới thí sinh đó và khán giả nghe nhạc, dẫn đến những quan điểm sai lầm.
Việc lạm dụng danh xưng diva cũng dẫn tới việc hạ thấp thẩm mỹ của chính khán giả lẫn người làm nhạc. Dễ dàng nhận thấy trong các cuộc thi âm nhạc lớn tại Việt Nam tình trạng đua nhau khoe giọng, đua nhau khoe note, bỏ qua cảm xúc, sáng tạo, nhả chữ, phát âm, phong thái, chất lượng trình diễn. Chiến thắng của Hương Tràm tại Giọng hát Việt 2012 là minh chứng rõ nhất cho xu hướng dễ dãi chạy theo diva của khán giả, khi cô luôn khoe giọng trong một phong cách pop ballad an toàn, không đổi mới, thiếu chất nghệ sĩ, nhưng lại luôn nhận được lượt phiếu bầu cao nhất.
Như vậy, có thể thấy việc lạm dụng danh xưng diva một cách vô tội vạ có tác hại rất lớn cả trên thế giới và ở Việt Nam, làm hỏng nghệ sĩ lẫn công chúng, thui chột thẩm mỹ nghe nhạc và tư duy âm nhạc. Diva hay không là chuyện của lịch sử và số phận, nó đến một cách tự nhiên và khi nào đến sẽ đến, đừng lạm dụng và gán ghép một cách cố đấm ăn xôi.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 24 tháng 3 năm 2015

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Thằng bé và con yoyo (Truyện ngắn)




Thằng bé đưa khúc tay khoèo đen đúa nhặt con yoyo bằng đá nứt toác hình trăng khuyết, xám xỉn đang lăn lông lốc trước gốc miếu bạc bên vệ đường quốc lộ vùn vụt xe tải. Thằng bé thích con yoyo này lắm, mân mê đến trầy cả da tay. Nhưng dây bị đứt một nửa, không biết phải làm sao, nó đành giật tung đám tóc còn dính da và thịt của xác chết bị nghiến nát trên đường, bện thành một chuỗi dài nối vào.

Con yoyo trở thành món đồ chơi duy nhất của thằng bé. Nó chơi miệt mài năm này qua năm khác, không còn thiết tha món đồ chơi nào nữa. Tuy do con người làm ra, nhưng không giống họ, yoyo dù ném lên hay ném xuống, dù tung về hướng nào cũng luôn quay về tay chủ nhân một cách trọn vẹn. Trong mỗi chặng đường đi, nó lại cuộn vào bao nhiêu sinh khí, hút vào biết bao linh hồn. Thằng bé buộc chặt con yoyo vào ngón trỏ, mang theo mọi lúc, mọi nơi, ai nói cũng không bỏ. Nó thích cảm giác đó, giống như nó là vật chủ trao đổi chất sống cùng một vật kí sinh không tách rời. 

Đến một lúc nào đó, con yoyo không chịu quay lại. Chỉ ném đi mà không thu về được. Có lẽ hỏng dây hoặc trục, hoặc tự nó không muốn về. Thằng bé lấy hết sức mình phóng thật mạnh về phía trước, con yoyo lao vụt trong không trung như bị ai vồ lấy. Sợi dây thít chặt vào ngón tay thằng bé, cứa vào da tóe máu rồi giật tung xương khớp. Đứt lìa. Con yoyo lao vào xe tải vỡ nát. Đi không lại. Trăng khuyết nhoẻn miệng cười.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 14 tháng 3 năm 2015