Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (Phần cuối)

4. Biểu tượng của nền nghệ thuật hậu hiện đại

Hậu hiện đại (tiếng Anh là Postmodernity) là một thuật ngữ do các nhà triết học, xã hội học, phê bình nghệ thuật dùng để nói về các khía cạnh của điều kiện nghệ thuật, văn hóa, kinh tế và xã hội hiện đại, tổng hòa thành đời sống của con người giai đoạn cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI với những đặc trưng cơ bản như sự toàn cầu hóa, tiêu thụ đại chúng, sự phân tán quyền lực, công nghệ hình ảnh, phổ cập kiến thức dễ dàng hơn... Hậu hiện đại là sự tiếp nối của hiện đại, kế thừa các chủ nghĩa như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa hiện sinh... Khi các quan điểm sáng tác, thể hiện nghệ thuật được đồng nhất thành những phạm trù ý thức nhất định, nó được gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong hậu hiện đại gồm có triết học hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại, âm nhạc hậu hiện đại, học thuyết phê phán, toàn cầu hóa, chủ nghĩa cực giản, âm nhạc cực giản, chủ nghĩa tiêu thụ, mà có lẽ, Madonna nổi lên như một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong nền âm nhạc hậu hiện đại. Do không có điều kiện tìm hiểu sâu xa, tôi chỉ nói qua một số ý cơ bản như sau:
- Hậu hiện đại là một dạng kiến trúc thượng tầng nảy sinh trên cơ sở hạ tầng là thời kì hậu công nghiệp, tiêu thụ đại chúng với nền văn minh kĩ trị, nơi người ta bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, tiêu dùng. Nếu như các nghệ sĩ hậu hiện đại như Becket, Haler, Hassan... chọn chủ nghĩa hư vô, ảo mộng về nhân sinh, diễn đạt trạng thái cô đơn, phi lí, sầu não để ngầm phê phán xã hội, thì Madonna trong thời gian đầu sự nghiệp lại chọn hướng đi ngược lại, phi lí hóa bản thân để chống lại cái phi lí. Trong ca khúc Material Girl' (cô gái vật chất), Madonna đã biến mình thành biểu tượng vật chất, khi dùng vật chất để gia tăng quyền lực cho phụ nữ, tự nâng mình lên trong thế giới vật chất, lấy giá trị của mình chà đạp lên vật chất, coi nó chỉ là thứ phục vụ mình, chứ mình không phải nô lệ cho nó: "Vì chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất. Và tôi là một cô gái vật chất". Nhưng khi đã ở tuổi tứ tuần, Madonna lại trở nên suy tư hơn, trong ca khúc American life, cô phô bày hiện thực về cái gọi là "giấc mơ Mỹ", sự giả tạo, ảo mộng của cái gọi là "đỉnh cao của thế giới hiện đại", cái đã khiến người ta phải đánh đổi tên họ, tự do để lao vào như con thiêu thân. Câu hỏi xuyên suốt bài hát từ đầu đến cuối "Liệu tôi có phải thay đổi tên của tôi?" chính là câu hỏi dành cho thái độ của con người trong cuộc sống hậu hiện đại.
- Madonna là một trường hợp đặc biệt của nền nghệ thuật hậu hiện đại. Nếu ở chủ nghĩa hiện đại (mà chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh), ý thức về cái tôi, về bản thể rất mãnh liệt, các nghệ sĩ thường cố thể hiện rõ nhất cái tôi của mình, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại hoài nghi về nó, dẫn đến sự phân tán bản thể phi trung tâm, vô định và không rõ ràng, thì Madonna lại chọn cách trải nghiệm thật nhiều bản thể khác nhau, sống và hóa thân vào nhiều cái tôi. Dù thể hiện cái tôi khá rõ nét, nhưng không phải một cái tôi mà là vô vàn cái tôi, đó là cách mà Madonna phân tán bản thể vào nhiều trạng thái, dạng thức khác nhau, nhiều trung tâm nhưng chia làm nhiều ngả khác nhau, phi trung tâm chính, nên ta vẫn xếp cô vào chủ nghĩa hậu hiện đại. Thật khó có thể tìm thấy một ca sĩ nào có sự đa dạng phong cách và hình tượng như Madonna, cô có thể hóa thân vào một quý bà, một mệnh phụ, một minh tinh, một người mẫu, một nữ chiến binh, một cô gái nổi loạn, hư hỏng, một khách làng chơi, một tomboy, cô gái mới lớn..., lúc thì ma quái biến ảo, lúc thì dữ dằn, đanh thép, lúc lại hiền lành, ngây thơ... Khó mà kể hết được những hình tượng mà cô đã hóa thân trong suốt sự nghiệp của mình. Ngay cả đến giới tính là cái khó thay đổi, thì Madonna cũng biến hóa được thành trạng thái phi giới tính, phi tình dục, hỗn độn và mờ ảo, khi phô bày việc quan hệ tình dục với cả nam và nữ, thậm chí là người đồng tính, rồi lúc thì ngọt ngào nữ tính, lúc nào theo phong cách tomboy như một nàng les chuyển giới... Đặc biệt hơn cả, dù ở vai diễn nào, cô cũng hóa thân một cách xuất sắc, biến nó thành một bản thể không tách rời của mình, khiến người xem tin chắc đó là con người thật của cô. Để rồi đến cuối cùng, người ta chẳng thể biết nổi Madonna thật đang nằm ở đâu, rằng liệu cô đã bộc lộ nó ra chưa, hay vẫn giấu kín ở ngõ ngách nào đó. Liệu có phải đó là cách để Madonna biến thành tắc kè hoa, thích nghi ở mọi thời điểm của thế giới giải trí, cũng như cái cách mà con người cần học để tồn tại được trong xã hội hậu hiện đại đầy khắc nghiệt này? Chỉ cần biết rằng, đó là một cách tồn tại khôn ngoan, tìm thấy bản thể và trở nên nổi bật ở mọi môi trường, nhưng vẫn luôn đổi mới và biến chuyển, không bị chững lại một chỗ, tránh để bản thân rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng vì giữ mãi một bản thể khó thích nghi. Đúng như những gì Madonna từng nói, "Phong cách của tôi đại diện cho tự do, tôi làm những gì mình tin và không ngừng mơ ước để đạt được những gì mình muốn", cô biến hóa vào tất cả mọi phong cách, hình tượng để tìm lấy tự do, đạt được những ước mơ, ảo mộng của mình. Nhưng cũng cần nói rằng, biến thân vào nhiều hình tượng không có nghĩa là đa nhân cách, là vô thức mà vẫn có ý thức rõ ràng, từ sâu bên trong mỗi hình tượng trải nghiệm, Madonna vẫn giữ những móc xích nhất định, ngầm trong đó bản thể của cô, giấu kín đi nhưng vẫn đang tồn tại. Sự hóa thân của Madonna thành công tới mức, dù trải qua nhiều phong cách như thế, nhưng ở bất cứ phong cách nào, người ta vẫn biết ngay đó là Madonna, không phải một ca sĩ nào khác, đúng như lời cô nói: "Tôi có phong cách nghệ thuật của riêng mình, không lẫn với ai được". Dù tự do tới đâu, nhiều bản thể đến đâu, thì Madonna vẫn luôn là chính mình, không bao giờ phải ngả nghiêng hay che đậy bất cứ điều gì. Nếu người ta có đánh giá rằng Madonna "không có tính cách thật, không có cách thức tồn tại xác thực vì cô đã thay thế nó bằng một dòng bất tận các tính cách lừa dối", thì đây cũng chỉ là cách mà cô học được từ chủ nghĩa hiện sinh mà thôi, tức là dùng cái phi lí của bản thân để chống lại cái phi lí của cuộc đời. Tôi đánh giá đây là một cách thể hiện tồn thể rất mới của Madonna, chưa từng có trong chủ nghĩa hiện đại cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại.
- Về giọng hát và kĩ thuật, đối với tôi giọng hát của Madonna không sự nổi trội nhiều trong âm sắc, kĩ thuật dừng lại ở mức khá, chưa đạt đến độ siêu đẳng như các diva khác. Tất nhiên, sẽ nhiều fan của Madonna phản đối ý kiến này vì cho rằng Madonna phải có giọng hát đa dạng và kĩ thuật cực tốt mới hát được nhiều thể loại nhạc, nhiều phong cách nhạc đến thế, từ house, dance, đến jazz, nhạc kịch... cô đều làm rất tốt, điều mà các diva khác không làm được. Nhưng theo tôi, cái đó thuộc về tư duy và thẩm mỹ âm nhạc vượt trội của Madonna, chứ không phải giọng hát. Vì trên thực tế, Madonna hát tốt trong phòng thu, nhưng khi live trên sân khấu lại thường phô, yếu, điều khiển vocal chưa thực sự tốt, đặc biệt là việc xuống note trầm khá mờ và lên những note quá cao thì thiếu vang, thiếu lực, không ổn định. Các fan của Madonna nên biết rằng, ở phòng thu và liveshow đã qua chỉnh sửa khác với live trực tiếp không chỉnh sửa trên sân khấu vì có máy móc hỗ trợ. Chẳng hạn như máy compressor (giống như cái ổn áp), khi hát nhỏ quá máy sẽ làm lớn lên, còn hát lớn quá sẽ được làm nhỏ bớt lại. Compressor là nén lại, giọng mỏng có thể trở nên dày. Ca sĩ muốn thu âm không cần quá lo ngại vấn đề giọng mỏng. Vì giọng mỏng hát sân khấu có thể thất bại nhưng khi thu âm giọng vẫn có thể được nâng lên. Chưa kể, khi thu âm, bạn có thể chỉ cần hát vài câu rồi lại nghỉ lấy sức, không cần phải hát liền một mạch như khi live trên sân khấu. Nhiều ca sĩ có vocal tốt, khỏe  lại thường muốn bớt tiếng echo để tự lột tả những sắc thái tinh tế. Và trong phòng thu thường cũng để ít echo nên nghe rõ chữ hơn hát live. Ngay cả ở những album được coi là sự tiến bộ lớn, đỉnh cao trong giọng hát, cũng như kĩ thuật của Madonna là Evita, I'm breathless, thì cũng khó đem ra so sánh với các diva khác được, vẫn có sự chênh lệch không nhỏ. Nhưng tư duy âm nhạc đã bù đắp vào những phần thiếu hụt vocal của Madonna, cô biết cách hát trong khoảng an toàn của giọng, để làm cho giọng hát trở nên tự nhiên, mượt mà hơn, không quá gắng gượng trong việc phô diễn vocal, kĩ thuật khó, vì biết đó không phải sở trường của mình. Và dù sao đi nữa, Madonna cũng đã hoàn thành khá tốt các bản nhạc trong phòng thu với những tiết tấu, giai điệu không đơn giản. Chúng ta cũng không nên coi thường ca sĩ phòng thu, vì phòng thu dù tài đến mấy cũng không thể giúp ca sĩ phát âm rõ lời, hát đúng nhịp, đúng tone nếu bản thân ca sĩ không có sự vững vàng trong cảm nhạc. Trên thực tế, có những ca sĩ hát live không ổn trên sân khấu, nhưng thu âm rất hay, và ngược lại, có những ca sĩ live khá bốc nhưng thu âm lại không hay. Vì vậy, việc hát tốt trong phòng thu cũng là một minh chứng cho năng lực và sự nỗ lực rèn luyện của Madonna. Hoặc nếu so sánh giọng hát của Madonna qua các thời kì, có thể thấy cô hát ngày càng tốt hơn, sự thể hiện vocal ngày càng sâu sắc, có chất lượng hơn, chứng tỏ cô đã phải phấn đấu rất nhiều trong việc rèn luyện thanh nhạc. Jazz và nhạc kịch là hai dòng nhạc đòi hỏi ở ca sĩ một thẩm mỹ âm nhạc cao, cũng như những đặc trưng riêng khác với các dòng nhạc khác, việc Madonna hát thành công hai dòng nhạc này (trong hai album Evita và I'm breathless) đủ để thấy rằng cô có một tư duy âm nhạc lớn, biết thích nghi với từng loại nhạc, và quan trọng hơn cả, cô đã có một quá trình lao động nghiêm túc thì mới tìm hiểu, khám phá ra những đặc trưng riêng của các dòng nhạc, để áp dụng vào giọng hát, cách hát của mình. Nếu một số diva với chất lượng và cá tính giọng hát quá mạnh, thường khó thoát khỏi cái bóng lớn của chính mình để vươn ra nhiều thể loại, (như Whitney hát Jazz thường vibrato belt quá đà, Celine thì hát thể loại nào cũng dùng nasal voice), thì Madonna với sự khiêm tốn trong giọng hát, lại biết cách biến hóa vào nhiều thể loại khác nhau. Nên, nếu nói Madonna có vocal và kĩ thuật vượt trội thì không đúng, nhưng nếu nói cô chẳng có kĩ thuật gì lại là sai lầm. Chính xác, cô là một ca sĩ có giọng hát và kĩ thuật ở mức khá ổn, được bù đắp bởi tư duy, thẩm mỹ âm nhạc vượt trội.
Nhưng tất cả những điều trên chỉ là ngoài lề, cái mà tôi muốn nói đến ở đây là, chính chất giọng không có gì đặc biệt đó đã giúp Madonna thích nghi với nhiều loại nhạc khác nhau. Nó giống như một tờ giấy trắng vậy, nếu bạn không có gì, bạn sẽ viết lên đó được nhiều cái hơn là có những dòng chữ quá đậm nét, đến mức không thể tẩy nó đi để viết lên những dòng chữ mới được. Madonna không thể melisma, không thể run&riff, không thể vibrato theo kiểu pop/r&b của người da màu, không thể gào thét, gằn giọng dữ dội như các ca sĩ rock, không thể phô diễn vocal theo kiểu pop standard truyền thống, cũng chẳng mấy khi dùng head voice, falsetto, belt cao trào, thay vào đó, cô làm cho mọi loại nhạc mình thử nghiệm trở nên bằng phẳng, dễ hát hơn, gia tăng tiếng đọc chậm, cách hát ngắn trên lời nhạc, dùng giọng thật như nói, không cầu kì hoa mỹ ở phần thể hiện vocal. Bằng cách làm này, cô đưa tất cả vào pop đại chúng, từ Jazz, Gospel, Latin, House, Electro, Punk, Disco, Rock, đến những dòng underground, indie mang tính văn hóa vùng miền với những bộ nhạc cụ, hòa âm khác lạ. Và, với giọng hát không có gì nổi trội, Madonna chú trọng, đào sâu hơn vào hòa âm, phối khí, khám phá nhiều cách phối lạ, nhiều tầng vỉa, kết hợp phối nhiều dòng nhạc vào nhau trong một ca khúc. Nếu các diva khác có vẻ ít quan trọng hóa kĩ thuật thu âm, vì họ tự tin rằng vocal và kĩ thuật của họ là quá đủ để làm nên một bản nhạc chất lượng rồi (thậm chí nhiều diva còn thu trực tiếp trên sân khấu một số bài hát thay vì vào phòng thu), thì Madonna lại tận dụng triệt để công nghệ phòng thu và sáng tạo rất nhiều thứ mới lạ từ đó. Chẳng hạn, trong một ca khúc, Madonna có thể hòa âm hai giọng, ba giọng, giọng cao, giọng trầm, giọng chậm, giọng nhanh, co giãn, biến dạng giọng hát, giọng này chồng nên giọng khác, kéo thắt, tăng giảm nhịp beat, bè, thiết lập cấu trúc đa diện, lập thể trong tiết tấu, giai điệu... Với những cách phối này, mỗi lần nghe lại một ca khúc của Madonna, hoặc nghe kĩ hơn, bạn sẽ khám phá ra nhiều thứ. Giống như văn học có những tác phẩm có thể đọc lại nhiều lần, thì nhạc của Madonna thuộc loại nhạc dùng để nghe nhiều lần, chứ không phải loại nhạc ăn liền, nghe một lần là hết ý. Bằng việc đưa tất cả vào pop như thế, Madonna đã thiết lập nên những màu sắc mới cho pop đại chúng, mở rộng biên giới của pop đến mọi loại nhạc, biến tất cả các loại nhạc trở nên đại chúng hóa với công chúng. Rõ ràng, Madonna đã thiết lập nên nhạc pop hậu hiện đại với đúng nghĩa của nó, mờ ảo, không biên giới, vô định hình, không tính xác định, phi tiêu chuẩn. Nhiều người cho rằng, làm như vậy sẽ hỗn độn âm nhạc, khó xác định thể loại, nhưng đó là điều cần thiết để đại chúng hóa âm nhạc hậu hiện đại.
- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, văn hóa đã thực sự được đại chúng hóa, không còn phân biệt giữa cao nhã và thông tục. Về điểm này, Madonna đã làm rất thành công, mà điển hình nhất là sự kết hợp giữa tình dục và nghệ thuật trong sự nghiệp của cô, từ âm nhạc đến tạo hình. Những ý nghĩa, chiều sâu trong nghệ thuật thuật sử dụng tình dục, dục tính, phô bày cơ thể, ngôn từ thông tục vào âm nhạc, tôi đã nói ở phần 3 (Biểu tượng sex vĩ đại nhất), ở đây chỉ khẳng định lại rằng, chưa có ca sĩ nào thăng hoa và thành công trong việc kết hợp tình dục và âm nhạc như Madonna. Bằng những gì đã làm, Madonna đã xóa nhòa ranh giới giữa cao cấp và đại chúng, sang trọng và thông tục trong nghệ thuật, mở đường cho hầu hết các nghệ sĩ sau này, tạo nên một diện mạo mới cho nền văn hóa pop.

- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống không còn rõ ràng như trước. Ngoài việc đưa một hoạt động bình thường trong đời sống là hoạt động tình dục lên tầm nghệ thuật, Madonna còn luôn dẫn đầu về thời trang, trở thành một trong những fashion icon có tầm ảnh hưởng nhất. Ngay từ những năm đầu debut, Madonna đã tự ý thức rằng thời trang cần phải được nâng tầm thành nghệ thuật chứ không phải những bộ trang phục để mặc trong cuộc sống, và trong nền âm nhạc đại chúng, thời trang không tách rời mà trở thành một thể thống nhất để tôn lên giá trị âm nhạc. Đây là một tư tưởng đi trước thời đại. Trong suốt sự nghiệp của mình, Madonna luôn luôn biến đổi, tiên phong trong các phong cách thời trang, các kiểu trang phục, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ, mà trong mỗi xu hướng thời trang cô sử dụng đều chứa đựng những ý nghĩa nhất định, chứ không hời hợt. Chẳng hạn như việc sử dụng trang sức có hình thánh giá để hạ bệ tôn giáo, đưa tôn giáo về mặt đất, việc cắt ngắn chiếc váy cưới để giải phóng sự gò bó trong nghi thức hôn nhân, việc đeo chiếc thắt lưng in dòng chữ "Boy Toy", việc dùng các trang phục lập dị, khiêu dâm như bộ corset chóp nón, các mẫu thiết kế hở ngực của Jean Paul Gaultier để nổi loạn, cởi mở tình dục, việc cách tân những bộ kimono Nhật Bản để đưa văn hóa vào thời trang, việc hóa thân vào hình ảnh Marylin Monroe để tiên phong xu hướng Retro, lăng xê nền văn hóa Mỹ... tất cả đều được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt và áp dụng vào đời sống của họ. Với Madonna, thời trang chính là nghệ thuật, và cô đã đưa điều này vào giới trẻ, tức là khi bạn mặc gì, chọn gì, phối hợp trang phục gì để làm bạn trở nên nổi bật, thể hiện được cá tính của bạn, thì chính bạn cũng là một nghệ sĩ.
- Ở chủ nghĩa hậu hiện đại, con người đã không còn là trung tâm của ngôn ngữ, đã không thể làm chủ được ngôn ngữ, và ngôn ngữ cũng không đủ sức biểu đạt thế giới nội tâm phức tạp của con người. Chính Madonna đã từng hát trong ca khúc Bedtime stories rằng: “Đây là ngày cuối cùng tôi dùng đến ngôn từ. Chúng đã chết rồi! Chúng mất ý nghĩa!...”. Thay vì dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý tượng của mình, Madonna đã phát triển hai loại hình nghệ thuật mới là music video, short clip và trình diễn sân khấu (ngoài vũ đạo và nhạc tính như đã nói).

Việc đầu tư công phu vào music video, coi nó như một khía cạnh không thể thiếu của âm nhạc vốn đã được Michael Jackson tiên phong ở đầu những năm 80, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của MTV, nhưng người phát huy nó đến đỉnh cao về cả số lượng lẫn chất lượng, gia tăng giá trị nghệ thuật chính là Madonna. Hai nghệ sĩ này đều chung nhau một tư tưởng, là đoán trước được sự bùng nổ của công nghệ hình ảnh trong nền văn minh hậu công nghiệp, khi mà người ta chú trọng nhiều hơn tới màn ảnh động, thay vì sách báo, tranh ảnh và các loại hình nghệ thuật truyền thống. Có thể so với Michael Jackson, mv của Madonna ít gây được tiếng tăm vang dội hơn, nhưng số lượng và sự đào sâu hình thức, ý nghĩa lớn hơn hẳn. Trong mv của Madonna thường có sự chuyển dịch văn hóa, vũ đạo, các ngành, các loại hình nghệ thuật khác vào. Thậm chí, có nhiều mv mang tính indie rất cao, phải xem nhiều lần, và mỗi lần xem lại phải suy tư, bóc tách từng mảng, từng khung cảnh, rồi móc nối lại với nhau, tự cảm nhận theo vốn hiểu biết kiểu mình thì mới hiểu được phần nào những gì Madonna muốn truyền tải, điển hình như mv của các ca khúc Human nature, Paradise, Die another day... Các mv của Madonna đa phần đều được thực hiện theo kết cấu hoàn chỉnh, chứ không chỉ đơn giản là dựng lên một mv cho ca sĩ đứng hát như các diva khác, với nhiều mã nghệ thuật phức tạp, truyền tải nhiều ý nghĩa, thông điệp (ví dụ như tôi đã từng phân tích hai mv của ca khúc Like a prayer và American life ở các phần trước). Nhưng mv không phải lúc nào cũng đầy đủ các phần đầu kết theo kiểu câu chuyện như Like a prayer, American life..., nó có thể chỉ có một phân khúc, một dòng chảy khó đoán bắt, đôi khi lại đứt đoạn, mơ hồ, lặp lại, chồng chất... Rất đơn giản, nếu phim ảnh là tiểu thuyết, thì mv là truyện ngắn, chỉ là một lát cắt của cuộc sống, nên nhiệm vụ truyền tải của nó cũng khác, và Madonna đang đi đúng hướng hậu hiện đại, khi thể hiện mv dưới nhiều dạng thức khác nhau đến khó đoán, khó hiểu, khó hình dung, để biểu đạt ý đồ nghệ thuật và trạng thái suy tư, cảm nhận của mình. Cũng như muôn hình vạn dạng các thể loại truyện ngắn mới ra đời, người ta nhìn vào các dạng thức biến hóa trong mv của Madonna để thấy được sự phản ánh nghệ thuật về thế giới hậu hiện đại. Có thể nói, Madonna là bậc thầy và cũng là một trong những người tiên phong trong việc làm mv, nâng tầm nó thành một phạm trù nghệ thuật mới, gắn kết không thể tách rời với âm nhạc, đúng như nhà nghiên cứu văn hóa Mark C. Taylor đã từng nói: “Video ca nhạc chính là một trong những hình thức nghệ thuật xuất sắc hậu hiện đại và Madonna nổi lên như là “Nữ hoàng của video ca nhạc”. Ngày nay, đa số ca sĩ pop dòng mainstream đều chú trọng vào việc làm mv như một phương thức để thu hút công chúng, đẩy cao giá trị âm nhạc của họ, trong đó có nhiều ca sĩ đang loay hoay, cố gắng thể hiện ý đồ nghệ thuật vào mv, biến nó thành vũ khí nghệ thuật thứ hai, mà điển hình là Lady Gaga. Nhưng có vẻ họ vẫn cần học hỏi bậc thầy Madonna trong việc biến hóa các ý tưởng nghệ thuật của mình.
Ngoài mv, hình thức nghệ thuật thứ hai được Madonna đặt nền móng trong nền nghệ thuật hậu hiện đại chính là việc dàn dựng, tổ chức show diễn, hay còn gọi là nghệ thuật trình diễn. Về việc tổ chức show diễn, Madonna luôn luôn đi tiên phong trong mọi mặt. Cô là người đầu tiên sử microphone trên sân khấu để nghệ sĩ có thể rảnh tay biểu diễn, thể hiện vũ đạo trong Blond Ambition Tour, cũng là người mở màn việc sử dụng backdrop (các video clip ngắn được phát trên màn hình lớn phía sau sân khấu) trong Drowned World Tour, để mọi ca sĩ trên thế giới thực hiện theo. Cũng nên nhớ rằng, việc sử dụng backdrop không hề đơn giản, ca sĩ thường phải mất khá nhiều thời gian để lên ý tưởng, đầu tư nhiều cho việc quay những đoạn clip ngắn sao cho công phu và nghệ thuật, phải làm sao để backdrop phối hợp chặt chẽ cùng ca sĩ và vũ công trên sân khấu, tạo hiệu ứng lớn với khán giả và thể hiện được ý đồ nghệ thuật, thông điệp mà ca sĩ muốn gửi gắm. Nhiều ca sĩ khá coi nhẹ việc làm backdrop vì cho rằng nó không đem lại lợi nhuận cao, vì suy cho cùng cũng không được phát hành như một mv chính thức. Nhưng Madonna từ trước đến nay vẫn là một người khá chịu chơi và đầu tư, sẵn sàng làm mọi thứ để show diễn được hoàn hảo nhất, với nhận thức đi trước thời đại, cô luôn dồn nhiều công sức vào việc dàn dựng backdrop rất công phu, tỉ mỉ. Không những vậy, Madonna còn rất chú trọng vào trang phục, cô không mặc một cách bừa bãi, mà tìm đến những nhà thiết kế nổi tiếng nhất (như Jean Paul Gaultier, Karl Lagerfeld) để thiết kế trang phục, sao cho phải kết hợp hài hòa cùng vũ đạo, ý tưởng show diễn. Kể từ Blond Ambition Tour mà Madonna tiên phong, rất nhiều ca sĩ đã chú ý hơn tới trang phục biểu diễn của họ, thuê nhà thiết kế để thiết kế chỉnh chu, chứ không chỉ đơn giản là khoác lên những bộ cánh đắt tiền, đẹp mắt mà không theo một chủ đích nào như trước kia. Ngoài ra, Madonna còn dẫn đầu trong việc sử dụng sân khấu động, sử dụng nhiều loại đạo cụ đa dạng, phức tạp, áp dụng những công nghệ ánh sáng tiên tiến nhất, sử dụng đèn led, laser... Đúng như lời Madonna từng nói, "Show diễn của tôi không phải là những show thông thường mà là sự phác họa tạo hình âm nhạc của tôi. Cũng như điện ảnh, nó làm cho bạn phải đặt câu hỏi, phải suy nghĩ và đưa bạn vào các cung bậc tình cảm thăng trầm khác nhau, phác họa được cái tốt và xấu, sáng và tối, niềm vui và nỗi buồn, đền tội và cứu sinh”, không chỉ hình thức, cô còn luôn chú trọng vào nội dung mỗi show diễn của mình. Các show diễn của Madonna luôn có đầy đủ bố cục các phần, với nội dung rõ ràng, được gắn kết trong từng bài hát, từng màn trình diễn (mà backdrop hỗ trợ rất nhiều cho việc thể hiện), các phần này được móc nối với nhau trong chỉnh thể toàn show diễn một cách logic, tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh, chứ không đơn giản là việc lên hát hết bài này đến bài khác rồi kết thúc. Ví dụ, các show diễn trong MDNA Tour được chia làm bốn cảnh. Trong đó, cảnh một được mở ra bằng ca khúc Girl gone wild trên nền backdrop nhà thờ với nội dung kêu gọi mọi người hãy thoát khỏi tôn giáo, tận hưởng những thú vui trong cuộc sống trần thế bằng cách đến xem show diễn của Madonna, nhảy múa, hát ca cùng Madonna, để mở màn cho các cảnh tiếp theo. Ở ba cảnh còn lại, Madonna tiếp tục trình diễn các câu chuyện về nữ quyền, tự do, chính trị, tôn giáo, đồng tính, chiêm nghiệm về nhân sinh, để rồi kết thúc bằng những vũ điệu nhảy múa vui nhộn trên nền âm thanh điện tử như muốn gửi gắm thông điệp: "Dù bạn là ai, ở tầng lớp, giới tính nào, dù bạn đang bị cầm tù, đày ải, hay phải hứng chịu sự kì thị, chèn ép của xã hội, tôn giáo, phong hóa, nhân quần, dù bạn đang chịu đựng hay đấu tranh, thì cách duy nhất để tự do là lạc quan yêu đời. Hãy nhảy múa, cháy hết mình, sống cùng âm nhạc và sống với chính mình để tận hưởng giá trị của cuộc sống!". Nhà báo Chris Nelson từng nói rằng: “Madonna đã xác lập ra những tiêu chuẩn mới cho nghệ thuật trình diễn, với những đêm nhạc không chỉ tập trung vào trang phục tỉ mỉ và những hiệu ứng sân khấu chính xác mà còn cả vũ đạo nóng bỏng". Quả đúng vậy, kể từ khi Madonna xuất hiện, nền âm nhạc thế giới hậu hiện đại đã hoàn toàn thay đổi, các show diễn không còn là một sân khấu đơn thuần cho ca sĩ lên hát, mà sự kết hợp các hình thức nghệ thuật, trình diễn như vậy khiến người xem được thỏa mãn mọi giác quan thẩm mỹ, về cả phần nghe lẫn phần nhìn, được kích thích các xúc cảm trong cơ thể để tạo nên sự phấn khích tột độ, cảm giác như được tham gia cùng một lúc vào một vở kịch, một bộ phim, một đêm hòa nhạc, hay đêm hội của ánh sáng, âm thanh, vũ đạo, với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau vậy. Cũng giống như trong nhạc học mà tôi đã nói ở trên, việc kết hợp nhiều dạng thức khác nhau vào một chỉnh thể đã biến một buổi trình diễn của Madonna không còn đơn giản là một show nhạc nữa, mà đã mở rộng biên giới đến mờ ảo, phi định hình, phi thể loại, phi tiêu chuẩn, có cả nghệ thuật trình diễn ánh sáng, nghệ thuật âm thanh, rồi giọng hát, phim ảnh, tạo hình, kịch, múa, nhảy... rất nhiều các hình thức biểu diễn mà không ai có thể liệt kê hết được. Bằng cách làm này, một lần nữa, Madonna tiếp tục đem các thể loại trình diễn vào nhạc pop đại chúng, đại chúng hóa các thể loại đó, tạo nên một tinh thần hậu hiện đại đúng nghĩa.

Với một số phân tích nhỏ trên, có thể thấy, Madonna hoàn toàn xứng đáng là một biểu tượng nền văn hóa - nghệ thuật hậu hiện đại, từ âm nhạc đến hình ảnh. Ca sĩ hiện sinh Nina Simone đã từng nói: "Bổn phận của người nghệ sĩ là phản ánh thời đại mình sống", còn với Madonna, cô không chỉ phản ánh chân thực, mà còn kiến tạo nên thời đại, biến những giá trị vô hình từ ý tưởng, giấc mơ thành hiện thực, mở màn cho một nền nghệ thuật mới.
Tạm kết

Madonna thực sự là một nghệ sĩ tài năng, vĩ đại và có cống hiến lớn lao không chỉ với riêng nền âm nhạc, mà còn với cả nền văn hóa, xã hội ngày nay. Với sự nghiệp trải dài hơn ba thập kỉ, cô đã sáng tạo và để lại một di sản nghệ thuật to lớn cho nhân loại. Cho đến tận bây giờ, chưa có ai đủ khả năng để hiểu hết giá trị nghệ thuật mà Madonna đã tạo ra để đánh giá và phân tích nó. Tôi nghĩ rằng, Madonna xứng đáng được đưa thành một môn học, được viết thành một cuốn giáo trình lớn để nghiên cứu và giảng dạy. Với tài hèn sức mọn, tôi không đủ sức để tìm hiểu, cũng như phân tích mọi giá trị trong sự nghiệp của Madonna, nhưng cũng xin được đan giỏ giữa đường, trình bày qua một số ý hiểu của riêng cá nhân tôi về cô, mong lí giải được phần nào di sản đồ sộ mà cô để lại. Bài viết có sử dụng nhiều nguồn tư liệu trên mạng, cũng như kiến thức từ bạn bè gần xa.

Thiết nghĩ, chúng ta nên đẩy mạnh việc nghiên cứu về các nghệ sĩ đại chúng trong nước và thế giới, để bồi đắp sự năng động, đổi mới trong tư duy, nhận thức của thế hệ trẻ nước nhà, mau chóng theo kịp thế giới, đặc biệt là những người học văn hóa - nghệ thuật, thay vì cứ quanh đi quẩn lại vài cố nhân xưa cũ, vài tác phẩm đã được cày nát, với những đường lối, nền tảng tư tưởng cổ điển, cứng nhắc.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 19 tháng 8 năm 2014




Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (Phần III)

3. Biểu tượng Sex vĩ đại nhất

Trong thế kỉ XX, chúng ta đã chứng kiến nhiều "quả bom sex" huyền thoại như Marylin Monroe, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot... Tất cả họ đều có một điểm chung là sở hữu nhan sắc diễm lệ, cơ thể quyến rũ, sự nữ tính tuyệt vời, và tất cả những gì họ làm là phô diễn nó một cách thăng hoa nhất. Nhưng Madonna thì khác, kể từ khi cô xuất hiện, khái niệm "sexy" đã được định nghĩa lại hoàn toàn, không chỉ dừng lại ở sự quyến rũ đơn thuần, mà thêm vào đó là cách mạng, tình dục, quyền lực, nổi loạn và nghệ thuật. Đây là một trong những cống hiến lớn nhất của Madonna với nghệ thuật nói riêng và nền văn hóa đại chúng nói chung.
Tháng 10 năm 2006, Madonna đã vượt qua mỹ nhân huyền thoại Marilyn Monroe để được bầu chọn là "Biểu tượng sex lớn nhất mọi thời đại" với một đánh giá khá chính xác: "Không ai có thể làm được như Madonna. Cô ấy biết kết hợp hài hoà giữa tình dục và nghệ thuật. Những việc làm đó của Madonna đã tạo được hứng khởi cho khán giả và người hâm mộ. Trong khi có rất nhiều ngôi sao trẻ khác gợi cảm và sexy hơn nhưng họ thật sự không biết kết hợp giữa sex và những gì công chúng muốn được thưởng thức". 
Người ta cho rằng, trong những năm 80s, Madonna đã cố tình bắt chước Marylin Monroe bằng việc cắt tóc ngắn và nhuộm bạch kim. Đó là một đánh giá thiếu hiểu biết, họ không hề biết rằng, bằng việc mô phỏng lại Marylin, Madonna đã tiên phong trong xu hướng Retro (xu hướng hoài cổ, mặc lại hoặc phối lại trang phục của các thập niên trước) trong thời trang và các phong cách nghệ thuật khác nhau. Nhưng không bàn đến chuyện thời trang ở đây, chúng ta hãy thử so sánh giữa biểu tượng sex Marylin với Madonna để thấy được tài năng của cô lớn thế nào. Nếu Marylin đóng khuôn ở hình tượng quyến rũ cháy bỏng, ngọt ngào, mê hoặc đàn ông, theo kiểu đúng chất một minh tinh điện ảnh, thì Madonna lại gai góc, nhiều tầng vỉa hơn nhiều. Cũng mái tóc vàng óng cắt ngắn, cũng làn da trắng, cũng cách đánh son đỏ chói đó, nhưng thay vì một cơ thể đầy đặn, thì Madonna phô bày một cơ thể gân guốc, cơ bắp của việc luyện tập thể thao, vô cùng khỏe mạnh, nhưng vẫn đầy sức quyến rũ. Madonna chưa bao giờ muốn yếu mềm như Marylin, cô luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, từ thể chất đến tính cách, nên việc phô bày thể lực để chứng tỏ sức mạnh không có gì lạ với cô, đó như kiểu một kiểu nhắc nhở rằng: "Tôi có thể ban ơn cho anh một đêm, nhưng đừng dại mà động vào tôi, nếu không tôi sẽ đấm vỡ mặt anh ra!". Khi đánh giá về sự sexy của Madonna, người ta cho rằng: "Từ người phụ nữ trẻ này toát ra bản năng giới tính, số mệnh tạo ra cô là người phô bày bản thân, nhưng dường như cô là người thích tự ve vuốt mình hơn là khêu gợi lòng ham muốn và chấp nhận của nam giới". Cứ như vậy, bằng việc phô bày giới tính và tính dục đến cùng cực, Madonna đã đả phá tất cả những quan điểm cổ hủ, lỗi thời, tiến thêm một nấc thang nữa trong việc giải phóng phụ nữ.
Nếu Marylin mềm mại, nửa kín nửa hở, thì Madonna phô bày hết tất cả những gì cô có, kể cả bộ phận sinh dục cô cũng không ngoại khoe nó ra. Nếu Marylin thích mặc những bộ cánh mềm mại, bay bổng, lấp lánh thì Madonna phá cách với những bộ đồ da bó sát, những bộ Le smoking (loại tuxedo mang tính cách mạng, gây chấn động, dành riêng cho nữ giới được nhà thiết kế Yves Saint Laurent thiết kế) hở ngực, những bộ đồ lập dị, gắn đầy kim loại, trên tay phì phèo điếu thuốc lá hoặc cầm roi da, đồ chơi tình dục... Nếu Marylin đóng khung trong vai một mỹ nữ yếu đuối luôn cần đàn ông che chở thì Madonna ngược lại, luôn luôn nổi loạn, nắm thế chủ động, cao hơn, sẵn sàng nhảy lên, coi đàn ông như một con thứ cưng, một món đồ chơi để nghịch ngợm, giễu cợt, và phụ thuộc vào cô. Nếu Marylin thích sự ngọt ngào, nữ tính đến từng chi tiết, thì Madonna cứng cáp, ngông hơn rất nhiều. Tất cả những gì Madonna làm không phải chỉ là sự sexy đơn thuần, mà ẩn chứa trong đó sự giải phóng quyền lực của người phụ nữ, đề cao tự do, cái mà không có mỹ nhân nào trước cô làm được. Cô muốn đàn ông vừa thèm muốn và vừa phải làm nô lệ cho cô, chứ không cần phải dựa dẫm ai hết. Khi so sánh tầm ảnh hưởng giữa Madonna và Marylin, người ta cho rằng: "Mái tóc vàng tẩy trắng phô trương một cách hãnh diện những chân tóc sẫm màu. Cặp mắt quyến rũ được tô điểm và son môi tạo ra cái vẻ bề ngoài tương tự Marilyn Monroe, nhưng thái độ kiêu hãnh toát ra một sự tự tin và độc lập trái ngược với hình ảnh cô gái ngây thơ trong trắng đã lỗi thời". Rõ ràng, Madonna đã kết hợp hoàn hảo giữa sắc đẹp và nghệ thuật đến một mức thăng hoa.
Sử dụng tình dục, việc phô bày thân thể vốn đã được Madonna định hướng ngay từ khi bước vào sự nghiệp, chẳng ai quên nổi màn trình diễn ca khúc Like a virgin của cô tại MTV Awards 1984. Những cách tân táo bạo của Madonna trong màn trình diễn đến ngay từ trang phục. Thay vì mặc một chiếc váy cưới dài theo kiểu truyền thống, cô cắt phăng đến tận gối với ngụ ý giải phóng phụ nữ khỏi sự bế tắc, yếu đuối trong hôn nhân, đeo chiếc thắt lưng kim loại có dòng chữ Boy Toy, ám chỉ đàn ông chỉ là đồ chơi của cô. Mặc dù tên ca khúc là "Như một trinh nữ", nhưng Madonna lại biểu diễn với đầy những tư thế gợi tình, mô phỏng các động tác làm tình trên sân khấu, để rồi kết thúc một cách đầy bất ngờ với việc lăn lê, cố tình để hở chiếc quần lót vào ống kính và khán giả. Màn trình diễn này lập tức gây xôn xao dư luận, nhưng không thể phủ nhận đó là phát súng đầu tiên giải phóng cho các nghệ sĩ nữ được phép biểu diễn một cách khiêu gợi, thoải mái hơn, mở ra một chương mới trong lịch sử âm nhạc. 
https://www.youtube.com/watch?v=jbmszeK5-L4

Tiếp đó, trong chuyến lưu diễn Blond Ambition Tour, Madonna liên tục sử dụng các động tác khiêu gợi, mô phỏng các tư thế thủ dâm, làm tình, vuốt ve cơ thể, chỗ kín, với những bộ đồ đầy sexy, táo bạo đến không ngờ. Nhìn trang phục của Madonna trong tour diễn này, có thể thấy, cô không chuộng sự mềm mại, yếu đuối như Marylin, mà luôn thích những thiết kế cứng cáp, dù hở nhưng vẫn đầy quyền lực, mà điển hình nhất là bộ corset chóp nón kinh điển của nhà thiết kế Jean Paul Gaultier. Rõ ràng, với Madonna, sự sexy phải luôn luôn đi kèm với cách mạng và quyền lực, đó mới là vũ khí mạnh mẽ nhất chỉ người phụ nữ mới có, chứ không chỉ đơn giản là việc khiêu gợi đàn ông.
 https://www.youtube.com/watch?v=LbPVyZTGWKk
Năm 1990, Madonna gây chấn động ngành giải trí khi phát hành video clip ca khúc Justify my love. Trong mv, cô hóa thân vào minh tinh màn bạc theo hình tượng Marylin, thực hiện các cảnh quay làm tình với cả đàn ông lẫn những cô gái les nam tính, kết hợp cùng vũ đạo khiêu gợi. Bằng hành động này, cô đã chống đối lại các chuẩn mực về tình dục truyền thống, mà theo một người nghiên cứu, "với một quan điểm mỹ học có tính biệt lập rõ rệt, Madonna phá hủy những biểu trưng hoài cổ về giới tính bằng cách thường xuyên đưa nó ra như một tác nhân kép. Video “Justify My Love - Biện minh cho Tình yêu” - 1992 - là biểu hiện tột đỉnh của tính biệt lập qua một loạt các phản ứng do nó gợi ra, từ khôi hài hóm hỉnh đến nghiêm túc và gợi tình. Có thể nhận thấy chiến lược của Madonna qua vô số phong cách mà cô bắt chước, từ cô gái hư, minh tinh màn bạc cho đến siêu mẫu. Bằng cách biếm họa cái xã hội thủ cựu “chính trực” nông cạn, sự miêu tả bằng hình tượng của Madonna thường dành cho (và đôi khi ủng hộ) những nhóm văn hóa khác" (một thái độ hiện sinh rõ ràng).
http://www.dailymotion.com/video/x14fokr_madonna-justify-my-love-video_lifestyle
Sự chống đối, hạ bệ và giễu nhại lớn nhất của Madonna với quyền lực của đàn ông thể hiện ở nam diễn viên chính. Ban đầu, anh ta xuất hiện trong bộ vest rất nam tính và quyền lực, vuốt ve Madonna như một khách làng chơi mua gái điếm, nhưng sau đó, anh ta cởi bộ vest đó ra, để lộ bộ trang phục đồng bóng như một kẻ trai gọi, và phải tuân phục, chiều chuộng, khép nép Madonna cũng như người diễn viên nữ giả les như một con thú cưng, một món đồ chơi bị lệ thuộc. Thậm chí, có lúc anh ta phải nằm ngoài nhìn Madonna làm tình với người phụ nữ khác một cách thèm thuồng và bất lực. Ngay cả ở vị trí làm tình, Madonna cũng chọn cách nhảy lên phía trên cơ thể người đàn ông kia, chứ quyết không chịu nằm dưới, cam chịu như cách làm tình truyền thống. Rõ ràng, trong thế giới của Madonna, đàn ông chẳng còn chút quyền lực gì ngoài việc mua vui, thỏa mãn phụ nữ cũng như các giới tính khác. Ngoài ra, việc sử dụng trang sức hình thánh giá trong các cảnh làm tình, rồi quay tận cảnh bức tượng một thiên thần bị treo mình bên cạnh hai người đang làm tình cũng là cách thức để Madonna phỉ báng tôn giáo, chế giễu sự lỗi thời, bó buộc phụ nữ, kì thị người đồng tính, cấm đoán tình yêu, tình dục, giới tính của nó.
Năm 1992 là một năm chấn động khi Madonna tung ra cuốn Sex Book, đây là cuốn sách ảnh thuộc thể loại khiêu dâm, phô bày toàn bộ những cảnh khỏa thân, tình dục của Madonna với các người mẫu nam và nữ. Thoạt nhìn qua, nó đúng là một cuốn sách khiêu dâm, nhưng giá trị thực tế lại lớn hơn rất nhiều. Trước hết, tôi xin khẳng định, đây không phải cuốn sách khiêu dâm, vì mọi cảnh giao hợp đều được ẩn kín hoặc làm mờ đi. Có thể thấy sự đầu tư nghiêm túc của Madonna ở bố cục ánh sáng, phối cảnh trong từng bức ảnh, rất nghệ thuật và có chiều sâu. Thêm nữa, cách tạo dáng của Madonna hết sức chuyên nghiệp và có thần thái, khí chất. Chỉ cần một dáng đứng đơn giản nhất của cô cũng khiến người ta bị lôi cuốn, thể hiện một chiều sâu nghệ thuật, mà nếu là người khác, sẽ rất khó để tạo ra hoặc bắt chước theo những cách tạo dáng như vậy, chưa kể những dáng rất khó mà phải có một cơ thể linh hoạt mới làm được. Không những thế, Madonna còn kết hợp hài hòa giữa phong cách Punk rock với màu sắc siêu thực chủ nghĩa, mục đích để tạo ra những ảo giác về giấc mơ tình dục nửa hư nửa thực, giống như lời mở đầu cuốn sách: "Tất cả những thứ bạn muốn xem là sự tưởng tượng, giấc mơ và sự giả vờ". Điều này gợi lên những giác cảm rất mới lạ trong các cảnh dục tính tự nhiên chủ nghĩa, tạo nên hướng đi khá mới đối với nền nghệ thuật hậu hiện đại. Xem những bức ảnh trong Sex Book, tôi cảm giác như được xem những bức ảnh nghệ thuật của nhiếp ảnh gia lừng danh Peter Lindbergh chụp cho các siêu mẫu thập niên 90 vậy.

Về mặt nội dung, cuốn sách này chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn cái tên của nó rất nhiều. Thứ nhất, bằng việc cho các người mẫu nam quan hệ tình dục với nhau, và chính mình quan hệ tình dục, ân ái với cả mẫu nam lẫn mẫu nữ (trong đó có những cảnh cô tình tự với người mẫu nữ rất tự nhiên, chân thật), Madonna đã dùng danh tiếng của mình để phổ cập kiến thức cho toàn thế giới về quan hệ đồng tính và lưỡng tính, đồng thời ngầm ủng hộ cộng đồng LGBT. Hành động này có ý nghĩa khá lớn, vì trong bối cảnh đầu thập niên 90, các xu hướng tình dục ngoài chính thống (nam - nữ) vẫn còn khá mơ hồ, được ít người biết đến, do truyền thông đại chúng chưa phổ cập. Madonna đã sớm nhận thấy rằng, sự kì thị sẽ còn kéo dài nếu người ta không hiểu biết về chúng, và cô lựa chọn phương thức "đánh bom" gây sốc để đại chúng hóa các xu hướng tình dục, biến nó thành điểu hiển nhiên, tự nhiên nhất. Xem nhưng clip trong Sex book, người ta sẽ không thể xác định được đâu mới là giới tính thật của cô, vì cô đóng những cảnh đồng tính nữ rất tự nhiên, mặn nồng, lãng mạn đến khó tin. Đây chính là khả năng đặc biệt, mà các ca sĩ thế hệ sau như Lady Gaga hay Rihanna, dù có cố gắng diễn thế nào cũng khó mà đạt như cô.
https://www.youtube.com/watch?v=0z9iIpd-nPE

Thứ hai, bằng việc sử dụng siêu mẫu da màu Naomi Campbell vào những cảnh quan hệ tình dục với mình, Madonna đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, khi hai màu da hòa quyện cùng nhau một cách đầy tự nhiên trong dục tính, gợi tình, khiêu khích người xem. Với cách làm này, người xem dễ nhận thấy tính yêu, tình dục giữa những người khác màu da là điều hết sức bình thường, thậm chí là một dạng thức khác của cái đẹp. Thứ ba, Madonna tiếp tục phổ biến kiến thức cho đại chúng về các kiểu dạng hoạt động tình dục như bạo dâm, khổ dâm, sex với thú vốn là những kiểu dạng tình dục không phổ biến, rất ít người biết đến. Nhưng theo tôi, việc chụp những bức ảnh bạo dâm, khổ dâm cũng là một cách để Madonna thể hiện quyền lực của người phụ nữ và người đồng tính. Bởi người nắm vị trí chủ động trong các cảnh bạo dâm, khổ dâm đa số là người đồng tính và người phụ nữ, còn kẻ phải chịu đựng lại là đàn ông. Dường như Madonna đang muốn bằng mọi giá đứng về phía phái yếu, để chống lại thứ quyền lực đáng kinh tởm của giới đàn ông vẫn tồn tại hàng ngàn năm qua, và tình dục chính là một phương tiện được cô lựa chọn.
https://www.youtube.com/watch?v=qPGsjWpGO2s
Khi đánh giá về Sex book, đa số các nhà phê bình đều cho rằng đó là một tác phẩm tiên tiến, ẩn chứa nhiều tư tưởng vượt trước thời đại, là một cuốn sách văn hóa - nghệ thuật chứ không phải cuốn sách khiêu dâm thông thường. Nhà lý luận phê bình Douglas Kellner khẳng định rằng, với Sex book, "Madonna đã trở về chính bản thể gốc của mình và tạo nên một kiệt tác của văn hóa pop đại chúng". Trong khi đó, nhiều nhà văn cho rằng, Madonna đã đem về cho mình danh hiệu đại sứ văn hóa của ngành công nghiệp khiêu dâm, biến khiêu dâm thành một nghệ thuật chứ không phải sự phô bày đơn thuần (tôi không bao giờ dùng từ "rẻ tiền" với ngành khiêu dâm, bởi nó là một công việc như bao công việc khác mà thôi). Riêng với cộng đồng LGBT, Sex book thực sự là một quả bom mở đường cho hành trình đòi quyền bình đẳng của họ. Theo Mark Blankenship, "Sex book đã làm văn học thay đổi mãi mãi". Còn với Carolin Grace, "Madonna đã thực sự trở thành một biểu tượng của những năm 90, kể từ khi ấy, văn hóa đồng tính nữ đã thực sự thay đổi". Cho đến tận sau này, Sex book vẫn là một trong những đối tượng được tham khảo nhiều khi nghiên cứu về văn hóa hiện đại hậu công nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, cùng năm 1992, Madonna tiếp tục cho ra đời album Erotica như một sự hưởng ứng Sex book để đẩy sự nổi loạn tình dục lên cao nhất. Tuy cả album chỉ có 3 trong 14 bài hát có chủ đề liên quan đến tình dục, nhưng ngay từ cái tên hết sức nhạy cảm đã khiến nó bị gán mác album khiêu dâm. Đặc biệt, video clip của ca khúc Erotica đã bị cấm chiếu trên toàn cầu và bị chỉ trích dữ dội vì có nhiều cảnh quan hệ tình dục (được quay từ chính Sex book). Đây là mv thứ hai của Madonna bị cấm chiếu vì có nội dung 18+, kể từ sau khi mv ca khúc Justify my love được phát hành. Đến năm 1993, Madonna lại tiếp tục gây sốc khi thực hiện The Girlie Show Tour. Trong tour diễn này, Madonna cắt tóc ngắn, mặc bộ quần áo ngắn bó sát người, tay cầm chiếc roi da, xung quanh là rất nhiều vũ công nữ ăn mặc hở hang, thậm chí để cả ngực trần. Show diễn nhanh chóng vấp phải nhiều phản đối, đặc biệt từ những người Do Thái vốn tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng với bản lĩnh sẵn có, cô vẫn hoàn thành trọn vẹn tour diễn này.

Chỉ cần điểm qua một số nét chính trên, chúng ta có thể thấy Madonna xứng đáng là một biểu tượng sex lớn nhất mọi thời đại - người đã biến sex từ một phạm trù thầm kín thành một mã văn hóa, một biểu tượng nghệ thuật của thế giới hậu hiện đại. Chỉ có cô mới đủ sức biểu đạt sex một cách tự nhiên và nghệ thuật đến thế, đem đến cho nó một nấc thang giá trị mới, đi liền với cách mạng, tự do, quyền lực, văn hóa, nghệ thuật, ăn sâu vào đời sống nhân sinh. Luôn luôn đi trước thời đại, chính Madonna đã đưa sex trở thành một phần không thể thiếu của ngành âm nhạc nói riêng và văn hóa pop đại chúng ngày nay nói chung (một trong những tiền đề để cô trở thành Nữ hoàng nhạc pop). Tất cả những ca sĩ ngày nay khi sử dụng sex làm chất liệu sáng tạo và thể hiện đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Madonna như Lady Gaga, Britney Spears, Beyonce, Rihanna, Miley Cyrus, Katy Perry, Christina Aguilera... Nhưng không ai có thể thành công như Madonna đã từng làm.


Tobe Continued...

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 16 tháng 8 năm 2014

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (Phần II)

2. Người nghệ sĩ bản lĩnh

Năm 2006, tại lễ hội âm nhạc Coachella California, Madonna trong khi trình diễn đã tự sửa lời ca khúc I love New York thành: "Hãy tới Texas và bú cu Bush!" để thể hiện sự đối lập về quan điểm chính trị với đương kim tổng thống Mỹ lúc bây giờ là Geogre Bush. Chỉ cần một câu hát này cũng đủ để thấy được bản lĩnh gai góc trong người phụ nữ ấy, khác hẳn với các nghệ sĩ khác. Quả thực, với trái tim và tâm hồn lớn của một người nghệ sĩ đích thực, Madonna luôn dám làm những điều mà các ca sĩ khác không dám làm, chỉ để đấu tranh đến cùng cho những cái mà lương tâm cô tin là đúng.
Tiếp tục trên phương diện chính trị, video clip ca khúc American life trong album cùng tên (2003) đã gây tranh cãi trong dư luận nước Mỹ khi đề cập đến nhiều hình ảnh của chiến tranh (trong đó có chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến tại Iraq của nước Mỹ) với đầy rẫy bom đạn, súng ống, xe tăng, máy bay phun chất độc da cam, nhà tù, thương tích, chết chóc, vũ khí hạt nhân, bắt bớ, giết chóc... Theo tôi, bằng việc dựng lên một sàn catwalk với những người mẫu mặc quân phục, thương tích đầy mình đang quằn quại, cùng những đứa bé ngây thơ phải đeo trên người cả tá vũ khí trong sự hò reo, vui thú của khán giả và cánh phóng viên, Madonna đã chỉ trích sự bàng quan, thờ ơ của người dân Mỹ trước những cuộc chiến tranh mà chính đất nước họ gây ra, đồng thời đả kích, bóc trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ khi mượn danh dân chủ đem quân đánh chiếm nước khác, gây tội ác tày đình chỉ để vơ vét cho đầy túi tham của mình. Xuyên suốt ca khúc là rất nhiều từ "fuck you" thể hiện sự phẫn nộ, căm ghét của Madonna với chính quyền Mỹ. Càng về cuối clip, những hình ảnh chết chóc, thương tích, đau đớn được chụp từ các cuộc chiến càng dồn dập với tốc độ nhanh, đối lập với nó là sự thích thú, reo hò của đám đông bên dưới để phô bày bản chất máu lạnh, vô tâm của đa số người Mỹ. Quả lựu đạn mà Madonna ném vào giữa sàn catwalk ở cuối clip chính là câu hỏi về thái độ, sự lựa chọn của người Mỹ trước thời cuộc.
https://www.youtube.com/watch?v=sNAw3f5VXA8

Madonna có lẽ là nghệ sĩ tiên phong mở màn cho việc dùng âm nhạc để đụng chạm tới tôn giáo thông qua công nghệ hình ảnh và nghệ thuật trình diễn. Chúng ta đều biết rằng, ở phương Tây, Thiên Chúa giáo có quyền lực rất lớn, chi phối không nhỏ đến tinh thần con người. Dù ở thời hiện đại, xã hội phương Tây vẫn còn vô số người u mê mà tin theo những lời dạy từ vài ngàn năm trước của tôn giáo, mà không hề nhận ra nó cổ hủ, lỗi thời đến mức nào. Và cũng bởi thần quyền quá lớn của tôn giáo, mà hầu như không có nghệ sĩ nào dám động chạm tới nó, nếu không muốn gánh chịu những tai họa khó lường. Nhưng Madonna thì khác, cô sớm nhận thấy những phi lí, nhẫn tâm trong tôn giáo và quyết tâm đưa nó vào âm nhạc để lên án, dù biết rằng việc làm đó vô cùng nguy hiểm, vì chưa từng có tiền lệ nào trước cô. 
Cũng như những người nghệ sĩ có trái tim lớn, Madonna thừa hiểu tính kìm hãm, cổ hủ của Thiên Chúa giáo khi nó tiếp tay cho hệ tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ, vùi dập tự do trong tình yêu, tình dục. Nhưng hơn thế nữa, một trong những điều nhẫn tâm hơn mà cô nhận thấy chính là sự kì thị với người đồng tính, khi Kinh Thánh cho rằng đồng tính luyến ái là một tội lỗi, và cố dựng lên câu chuyện Adam và Eva để thay đổi quan điểm của loài người về tình yêu, hôn nhân, che đậy đi những giá trị nhân văn từ thời cổ đại. Là một người sống gần gũi và có tình cảm thân thiết với nhiều người bạn đồng tính, Madonna thấu hiểu được nỗi đau của họ, và nhận thấy chính tôn giáo là kẻ gieo giắc lên loài người những chuẩn mực đạo đức giả tạo, ác độ. Không thể chịu được điều đó, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, cô ca sĩ nhỏ bé đem đủ những cây thánh giá lên đốt cháy trong video clip ca khúc Like a Prayer, thể hiện sự phẫn nộ của mình (dù nội dung ca khúc lại không hề đả kích tôn giáo). Dù clip quay không toàn cảnh, nhưng tôi dám chắc số cây thánh giá bị đem ra đốt cháy là 13, tượng trưng cho Chúa Jesus và 12 tông đồ, rằng 13 kẻ đó đã đến lúc cần đi vào tro bụi. Trong clip còn có đủ 5 dấu thánh, tượng trưng cho những vết thương trên người Chúa Jesus khi bị đóng đinh trên cây thánh giá. Những bức tượng khóc ra máu và hành động hôn Chúa da màu trong clip là những biểu tượng không những đem sự thế tục vào tôn giáo mà còn đả kích sự chết chóc, ma quỷ, hút máu người của nó.
https://www.youtube.com/watch?v=rDnUIXF2ly8
Hành động này đã làm Giáo hội tức giận vô cùng, khiến Tòa Thánh Vantican kết tội cô đã báng bổ Chúa. Năm 1988, khi văn phòng thị trấn Pacentro, Ý cho khánh thành bức tượng cao 13 ft hình Madonna mặc một chiếc áo ngực, Giáo hoàng đã cố ngăn cản việc dựng tượng vì cho rằng bức tượng này sẽ làm vấy bẩn đạo đức của thanh niên Pacentro. Tiếp đến, năm 1990, khi Madonna bắt đầu Blond Ambition Tour tại Ý, John Paul II đã kêu gọi người hâm mộ không đến xem cô biểu diễn. Nhưng áp lực từ phía Giáo hội không làm cho Madonna sợ hãi, trong màn trình diễn ca khúc Live to tell tại Confession Tour, cô tiếp tục treo mình lên cây thánh giá để hát, như một sự phỉ báng tôn giáo. Trong một lần được phỏng vấn, Madonna nói rằng cô đang thôi dần việc học đạo, vì "đạo Thiên Chúa dường như cấm đoán tình dục, ngoại trừ việc...sinh đẻ". Việc sử dụng nghệ danh Madonna (cái tên gợi đến Đức mẹ đồng trinh Maria), theo tôi, ngay từ đầu Madonna đã xác định việc xây dựng hình tượng của mình là gợi dục và nổi loạn, và cô muốn cái tên có vẻ trinh bạch, cao quý kia luôn đi kèm hình ảnh của mình để mỉa mai, giễu cợt sự giả tạo của tôn giáo. Không những vậy, từ "papa" trong ca khúc Papa don't preach (nội dung là lời thú tội của một cô gái trót đi theo tiếng gọi của tình yêu mà trót mang thai, cô cố gắng thuyết phục cha mình cho giữ cái thai đó) trong tiếng Ý lại chỉ Giáo hoàng. Lợi dụng sự trùng hợp này, Madonna đã gửi tặng ca khúc cho Giáo hoàng như một sự khiêu khích về sự cổ hủ, lỗi thời của Giáo hội.

Trong những năm đầu sự nghiệp, Madonna còn sử dụng thánh giá như một thứ trang sức. Bằng việc làm này, cô đã biến những biểu tượng tôn giáo trở nên bình dân hơn, mở màn một phong cách thời trang mới gây sốt trong giới trẻ khi ấy, và phổ biến đến tận ngày nay.
Madonna chưa bao giờ ngưng việc đấu tranh với tôn giáo, dù ở tuổi xế chiều. Đến tận năm 2012, tại MDNA tour, trong màn trình diễn ca khúc Girl gone wild (ca khúc có nội dung kêu gọi mọi người tới sàn nhảy) mở màn, cô tiếp tục đả kích tôn giáo bằng việc dựng lên cả một nhà thờ trên nền backdrop rồi bước ra từ đó, nhảy những điệu nhảy sôi động, khiêu gợi. Bằng hành động này, theo tôi, Madonna không chỉ phê phán tôn giáo như một chiếc hộp ngủ cầm tù con người trong u mê, mà còn đem cái thế tục vào tôn giáo, kêu gọi mọi người hãy từ bỏ tôn giáo mà tận hưởng những vui thú của cuộc sống nơi trần thế, rằng nhà thờ cũng chỉ ngang một cái sàn nhảy, và thiên đường ở chính mặt đất này chứ không phải trong vài trang Kinh Thánh lỗi thời nào đó. Việc sử dụng những vũ công nam mặc áo khoác của thầy tu rồi sau đó cởi bỏ tất cả, chỉ mặc chiếc quần bó, đi guốc cao nhảy những vũ điệu khiêu gợi, nữ tính ám chỉ sự giả tạo của nhà thờ, rằng họ đang cố dùng sự tôn nghiêm để che đậy một sự thật là có vô số tu sĩ đồng tính đang khát khao được sống thật với chính mình. Từ đó, Madonna thúc giục những tu sĩ đó hãy từ bỏ tôn giáo mà quay về với đời sống thực, tôn giáo chỉ là nhà tù với họ mà thôi. Thậm chí, hành động bỏ lớp mạng che mặt màu đen của Madonna cũng thể hiện chính bản thân cô đang dần rời bỏ thứ tôn giáo đen tối ấy. Màn trình diễn này làm tôi liên hệ tới tác phẩm kinh điển thời kì Phục hưng - 10 ngày của nhà văn Ý Bocaxio, và thấy có nhiều tư tưởng rất tương đồng với nhau.
https://www.youtube.com/watch?v=QZtP7pK3lVo
Nói qua về việc dàn dựng sân khấu trong màn trình diễn này, tôi vô cùng nể phục Madonna ở sự sâu sắc của cô. Màu sắc được sử dụng đều là gam màu tối, kết hợp với tiếng chuông nhà thờ, làn khói mờ ảo tạo nên sự u ám, nhằm nhấn mạnh vào sự đen tối, ma quái của tôn giáo. Nhìn hình ảnh nhà thờ trên backdrop, ta không khỏi rợn người khi liên tưởng tới một cái nhà mồ ma quái, chết chóc chứ không phải nơi cầu nguyện, gửi gắm niềm tin. Thậm chí, ngay cả trang phục của Madonna cũng là màu đen, và vì thế, việc bỏ lớp mạng che mặt có ý nghĩa hơn rất nhiều. Không gian gothic kết hợp với vũ đạo và âm nhạc hiện đại là một sự sáng tạo rất mới lạ, gây hấp dẫn thị giác của người xem.

Việc đả kích, phê phán tôn giáo vốn đã được các nghệ sĩ thời Phục hưng hoàn thành một cách xuất sắc, tiếp đó là các nghệ sĩ hiện sinh chủ nghĩa những năm 60 của thế kỉ XX. Nhưng, ở nền nghệ thuật hậu hiện đại - đương đại, thì có lẽ Madonna chính là nữ nghệ sĩ duy nhất dám đứng lên chống lại tôn giáo một cách mạnh mẽ nhất bằng âm nhạc. Người mở màn bao giờ cũng là người bản lĩnh nhất, vì họ chẳng thể biết điều gì sẽ xảy đến với mình mà vẫn dấn thân vào. Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều ca sĩ sử dụng tôn giáo làm chất liệu âm nhạc, mà điển hình là Lady Gaga. Tất nhiên, những ca sĩ này đều chịu ảnh hưởng từ Madonna và được cô dẫn lối, nhưng nếu so với cô, cách sử dụng tôn giáo của họ thật ngô nghê, hời hợt, và thiếu bản lĩnh, chẳng có gì sâu sắc, ấn tượng.

Với những đấu tranh không ngừng nghỉ trong suốt sự nghiệp, Madonna xứng đáng là người nghệ sĩ bản lĩnh nhất nền âm nhạc đại chúng ngày nay.


Tobe Continued...

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 15 tháng 8 năm 2014

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Madonna - Biểu tượng của nền âm nhạc hậu hiện đại (phần I)

Madonna là một ca sĩ kém may mắn, khi không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, không được đào tạo về thanh nhạc ngay từ đầu, và cũng không sở hữu lợi thế về một giọng hát bẩm sinh như các ca sĩ khác. Phong cách biểu diễn phóng túng, tự do, mới lạ của cô đôi khi khiến nhiều người cổ hủ và quá chú trọng đến giọng hát đánh giá là nhạc thị trường, không có chiều sâu, thiếu tính nghệ thuật. Nhưng điều gì đã khiến một cô gái không có giọng hát tốt, một mình lên New York chỉ với 35 dolla trong túi ngày ấy trở thành Nữ hoàng nhạc pop, một trong những ca sĩ có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tạo nên diện mạo nhạc đại chúng ngày nay như vậy? Điều gì đã khiến cô vượt qua các diva nhạc pop với chất giọng thiên bẩm để trở thành nữ ca sĩ có lượng tiêu thụ đĩa lớn nhất thế giới, ghi tên vào bảo tàng Rock'n Roll Hall of fame (bảo tàng danh giá mà trong các diva đại chúng, mới chỉ có Aretha Franklin được đề tên) và giữ phong độ tới tận ngày nay? Trong bài viết này, tôi muốn nói đến một số khía cạnh nghệ thuật và tầm ảnh hưởng to lớn của Madonna, cái làm nên một người nghệ sĩ đích thực, chứ không phải là một sự phô diễn vocal đơn thuần nào đó.

1. Bậc thầy vũ đạo

Không giống những ca sĩ khác, niềm đam mê lớn nhất của Madonna là vũ đạo chứ không phải giọng hát. Chỉ cần nhìn vào những cơ bắp trên người Madonna là đủ hiểu cô đã phải nỗ lực thế nào với niềm đam mê này. Ngay từ khi còn nhỏ, Madonna đã cố thuyết phục cha mình cho theo học múa ballet, sau khi lên New York, cô vẫn tiếp tục tìm thầy để học vũ đạo, dù rất khó khăn về kinh tế. Cô từng học nhảy với Mathar Graham và Pearl Lang, hai vũ công có tiếng khi ấy, sau đó làm việc với nhiều vũ đoàn như Alvin Ailey và Walter Nicks để tiếp tục tôi luyện khả năng của mình, từ đó sở hữu những kĩ thuật dance điêu luyện nhất. Thậm chí, khi được hỏi "cô hát, cô sáng tác, cô nhảy, cô chơi đàn guitar, cô nhiều tài quá! Vậy cô thấy cái gì mình giỏi nhất?", Madonna đã trả lời một cách đầy tự tin: "Tôi là một vũ công đẳng cấp!".

Một số fan của các ca sĩ trẻ ngày nay cho rằng khả năng vũ đạo của Madonna thua xa thần tượng của họ. Bởi vậy, trước khi đi vào một số khía cạnh chiều sâu trong tư duy vũ đạo của Madonna, tôi xin dẫn chứng ngay từ bề nổi, tức là một số động tác dancing cấp khó của Madonna, để chứng minh rằng, cô đã ở một đẳng cấp điêu luyện mà các ca sĩ như Beyonce còn lâu mới đạt tới được. Mời các bạn xem qua clip nhỏ tổng hợp một số màn dancing của Madonna sau đây.
https://www.youtube.com/watch?v=3l0gKqYGSr0

Ở 5:06, Madonna thực hiện động tác Wheel Position (còn gọi là tư thế Bánh xe), một trong những tư thế khó nhất của Yoga, đòi hỏi phải co giãn được các cơ. Tôi đã mất vài tháng mới tập được động tác này, nhưng không tạo được một dáng đẹp và chuẩn như Madonna.

Ở 5 :17, Madonna dùng hai khuỷu tay để đỡ toàn bộ cơ thể lên, đây là tư thế thuộc cấp độ rất khó trong yoga, đòi hỏi một thể lực và khả năng thăng bằng cực tốt.

Bắt đầu từ 3:20, Madonna thực hiện các động tác dance trên không (đu dây) hết sức mềm dẻo điêu luyện, chưa kể việc tiếp đất để nhảy tiếp các động tác mô phỏng từ kịch nô rất chính xác, nhanh và mạnh hơn rất nhiều, cảm giác như cô ấy có đôi chân bằng bê tông vậy. Chúng ta thấy, cô bay, đu trên không và thực hiện các động tác khó như một trò chơi, và phối hợp hết sức ăn ý với vũ công. Tiếp đó, ở 4:18, cô thực hiện cú xoay tròn hơn chục vòng trên không với tốc độ nhanh không tưởng. Liệu Beyonce, Lady Gaga có thể làm được điều này?

Từ 9:33, cô thực hiện liên tục các màn lộn nhào, xoay tròn, xoạc chân trên sân khấu một cách điêu luyện, nếu bạn không tập vũ đạo lâu năm, rất khó để xoạc chân vào nhào lộn liên tiếp không nghỉ như thế, nếu không muốn gặp các chấn thương về xương cốt.

Qua clip trên, chúng ta thấy rằng, để dance được như Madonna là vấn đề không đơn giản, ca sĩ sẽ phải mất hơn chục năm rèn luyện vũ đạo để có được cơ thể mềm dẻo, thể lực tốt, sự chính xác trong từng bước nhảy, phải có máu liều, sẵn sàng thực hiện những động tác nguy hiểm, và trên hết là phải có tư duy sâu sắc. Nếu so sánh Madonna với các ca sĩ trẻ như Beyonce, Lady Gaga, bạn sẽ thấy rõ, các ca sĩ này chủ yếu dance ở tư thế đứng trên đôi chân (dance on the high heels), thực hiện các động tác giật người điên đảo, sử dụng triệt để các bộ phận dễ sử dụng nhất là mông, đùi, eo, ngực (chủ yếu là giật và uốn) để gây kích thích với khán giả và đánh lừa thị giác của họ là các động tác này khó lắm. Và các động tác dance đó chỉ đơn giản là dance, ít khi mang thêm một ý nghĩa nào khác. Còn Madonna thì khác, cô sử dụng toàn bộ cơ thể, trong đó có cả tay, cổ, đầu gối, đầu (những bộ phận khó sử dụng và nguy hiểm khi dance), lăn lộn trên sân khấu với đủ kiểu động tác từ cực khó đến cực kì nguy hiểm (trong đó có cả động tác đi trên dây, nhào lộn trên không). Các màn vũ đạo của Madonna là sự kết hợp của rất nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu (mà tôi sẽ nói ở sau) chứ không chỉ đơn giản là giật người, lắc hông, vung tay điên đảo trong một vài loại hình dance ít ỏi nào đó. Không những vậy, Madonna còn đạt tới cấp độ diễn bằng vũ đạo, nói nôm na là dùng vũ đạo để diễn trên sân khấu chứ không chỉ đơn giản là dance cho đẹp mắt (qua các động tác mô phỏng việc đấm, đá, tranh giành, chết, hồi sinh, ảo mộng, làm tình, bạo lực, đấu võ...theo từng bối cảnh của màn diễn được dựng lên). Để thấy được khả năng vũ đạo của Madonna, khán giả phải chịu khó suy ngẫm, tìm hiểu chiều sâu của nó, chứ không đơn giản chỉ là nhảy một số động tác đang thịnh hành để gây hiệu ứng tức thời.
Không giống như Britney, Beyonce, Kylie hay nhiều nữ ca sĩ khác, khả năng vũ đạo của Madonna đa dạng hơn rất nhiều, mỗi khi nhảy, cô làm chủ toàn bộ sân khấu với những động tác khó, tạo hình ấn tượng. Madonna luôn biến chuyển vũ đạo của mình qua nhiều phong cách khác nhau như Disco, Wacking, Hiphop (oldschool), House, Hiphop (newstyle), Krump, Pop, Dubstep, Choreography, Dance on the Highheel, Breakdance, Street dance, Latin dance, và các điệu múa dân gian, Cowboy, múa Ấn Độ, kịch nô Nhật Bản, múa sào Ireland, Popping, Parkour, Flash mode... Đặc biệt, sự kết hợp giữa ballet vào dance đã trở thành phong cách riêng của cô. Không những vậy, Madonna còn luôn tư duy, sáng tạo ra những bài vũ đạo có nội dung, kết cấu rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với vũ công như một thể thống nhất. Để làm được điều này, Madonna đã phải bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu các nền văn hóa, nghệ thuật khác nhau trên thế giới để học hỏi và ứng dụng một cách thành công nhất. Với Madonna, dance là cả một nghệ thuật, chứ không phải là những vũ đạo ăn liền theo kiểu Kpop. Muốn kiểm chứng Madonna đã kết hợp tuyệt vời giữa vũ đạo và các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác hài hòa như thế nào, hãy xem và cảm nhận màn trình diễn ca khúc Frozen trong khuôn khổ Drowned World Tour (2001), khi cô đưa thành công văn hóa Nhật Bản vào nhạc pop bằng việc ăn mặc như geisha, samurai, lên múa kịch nô trên sân khấu.
https://www.youtube.com/watch?v=8-x3TsCDXmU
Không cần phải giật người điên đảo, cũng không cần dựa dẫm quá nhiều vào vũ công, Madonna có thể khuấy đảo cả một sân khấu lớn chỉ với mình cô với những động tác dance hấp dẫn. Nếu muốn biết kĩ thuật dance của Madonna siêu đẳng cỡ nào, hãy thử bắt chước các động tác nhảy của cô ở bất kì màn trình diễn nào, dù là động tác đơn giản nhất, bạn sẽ thấy khó khăn vô cùng để làm được điều đó.
https://www.youtube.com/watch?v=uuX89vQd69o
Tâm lí học nữ giới đã chỉ ra, người nghệ sĩ nữ luôn luôn thể nghiệm phẩm chất giới tính vào tác phẩm nghệ thuật dù ít dù nhiều, dù ý thức hay vô thức. Cũng như tất cả các ngành nghệ thuật khác, Madonna luôn cố gắng phát huy hết phẩm chất nữ giới vào dance để chứng minh quyền lực phụ nữ của mình, đây cũng là một phương pháp đấu tranh bình đẳng giới của cô. Ở trường hợp của Madonna, đó là sự thể nghiệm một cách có ý thức, kết hợp cùng bản năng mãnh liệt, và đào sâu đến mọi ngõ ngách của ý thức đó, để thể hiện một cách thăng hoa nhất phẩm chất nữ giới mình có, chứ không phải sự nhạt nhòa, bản năng đơn thuần như nhiều nữ nghệ sĩ khác. Nhà thiết kế nổi tiếng Donnatella Versace đã từng lên tiếng phê bình ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về cách ăn mặc quá nam tính, cứng nhắc để cố tỏ ra quyền lực, liệu có phải quan điểm này của bà được tiếp thu từ chính Madonna? Bởi, không giống như đối thủ cùng thời là Janet Jackson, Madonna không cần phải ăn mặc, đi đứng, nhảy những điệu nhảy nam tính mà thay vào đó, trang phục của cô nữ tính, khoe cơ thể nhiều hơn, sử dụng những vũ đạo gợi dục, kích thích hơn. Chúng ta thường xuyên bắt gặp ở Madonna những hình thức vũ đạo mang tính khiêu khích như vuốt ve chỗ kín, mô phỏng các tư thế làm tình, đưa bộ phận sinh dục, mông hoặc vú về phía ống kính. Cô biết cách làm cho đàn ông phải thèm muốn, nhưng không thể chạm được vào cô, thể hiện một thứ quyền lực ẩn kín của người phụ nữ, thách thức những tư tưởng lỗi thời, kìm kẹp phụ nữ. Thiên hướng nghệ thuật này đã từng được Madonna xác định rõ ràng khi nhận định về album Bedtime stories: "Toàn bộ ý tưởng của tôi về việc giành lại quyền lực là sử dụng tất cả những gì mình có. Để tồn tại thành công trong một thế giới của đàn ông thì bạn không được sống giống như đàn ông, ăn mặc giống như đàn ông, hay suy nghĩ giống như đàn ông". Từ đó, chính Madonna là người đã khơi nguồn cho phong cách trình diễn sexy, gợi cảm với trang phục nóng bỏng, vũ đạo kích thích mà rất nhiều ca sĩ ngày nay theo đuổi, tiêu biểu như Britney Spears, Christina Aguilera, Lady Gaga, Beyonce, Lee Hyori, Pussycat Dolls... Muốn kiểm chứng điều này, hãy xem Blond Ambition Tour (1990) của Madonna, đây là show diễn mang tính cách mạng, làm thay đổi toàn bộ nền âm nhạc đại chúng sau này.
https://www.youtube.com/watch?v=LbPVyZTGWKk

Qua những màn trình diễn trên sân khấu, ta cũng thấy được khả năng cảm nhạc rất tốt và kiểm soát cơ thể bậc thầy của Madonna. Chẳng hạn như trong màn trình diễn ca khúc Sooner or later tại Oscar 1991, Madonna đã phô bày khả năng vũ đạo của mình với từng động tác tay, chân, từng cú lắc hông, đung đưa cơ thể, thậm chí đến cả việc tung khăn cũng chuẩn xác với nhịp beat, chứng tỏ cô đã phải nghiên cứu và tính toán rất kĩ trong từng động tác, dù là nhỏ nhất.
https://www.youtube.com/watch?v=XIQnxmYKbxA



Như đã nói ở trên, Madonna đã đạt tới cấp độ của việc diễn bằng vũ đạo, dùng vũ đạo để diễn, bộc lộ các trạng thái sống, cảm xúc của con người theo từng màn diễn. Hãy xem cô diễn bằng vũ đạo như thế nào trong màn trình diễn Gang Bang sau đây. 

Dưới vai trò một người nghiên cứu các thể loại dance, Madonna luôn theo sát xu hướng của thời đại, để từ đó định hướng cho vũ công của mình trong từng album. Điều này thể hiện sự nhạy bén trong tư duy nghệ thuật của Madonna, không bao giờ bị ngưng đọng, và thậm chí còn đi trước thời đại, để dẫn đầu và tiên phong. Chẳng hạn, trong album Confessions on a dance floor (2005), cô đã khéo léo vận dụng nhiều thể loại dance như Breakdance, Popping, Parkour, Flash mode... Trong đó nhiều loại dance đã trở thành phong trào, gây sốt trong giới trẻ kể từ khi album đó và chuyến lưu diễn The Confession Tour ra đời. Ví dụ, từ video clip của hai ca khúc Hung up và Jump, rồi đến các màn trình diễn trong The Conffession Tour, Madonna đã lăng xê thành công loại hình Parkour (một bộ môn thể thao đường phố kết hợp với dance và võ thuật) bằng cách sử dụng các vũ công chuyên nghiệp khuấy động sân khấu, phổ biến nó vào các tầng lớp giới trẻ trên toàn thế giới.

Hung up
https://www.youtube.com/watch?v=XoDPKAGW-vg

Jump
https://www.youtube.com/watch?v=SIeP9aQqb0A
Nếu bạn để ý kĩ phần cuối video clip và các màn trình diễn Hung up, bạn sẽ thấy sự xuất hiện của loại hình dance Flash mode. Đây là một thể loại gồm nhiều điệu nhảy dễ, ai cũng học theo được, nhưng chưa thực sự phổ biến trước đó, chỉ đến khi Madonna thực hiện album Confessions on a dance floor, nó mới được các nghệ sĩ khác chú ý đến, mà điển hình là Papi của Jennifer Lopez hay Gangnam style của Psy.
Hay vào năm 2012, dù đã ở tuổi 54, nhưng Madonna vẫn nhạy bén vận dụng loại hình Dance on the highheel đang gây sốt trong cộng đồng trẻ vào album mới nhất của mình là MDNA một cách thành công. Và đặc biệt hơn nữa, đối tượng cô hướng tới lại là những vũ công nam (nhảy trên những đôi guốc cao), chứ không phải những vũ công nữ như thường thấy. Tất nhiên, việc xóa bỏ giới tính trong loại hình dance này vốn đã được nhóm Kazaky thực hiện trong mv In the middle, nhưng bằng cách làm này, Madonna vẫn tiếp tục trở thành nghệ sĩ dẫn đầu trong một thể loại dance mới. Không chỉ vậy, cô cũng góp phần vào tiếng nói bình đẳng giới của cộng đồng LGBT, giữ vững vị trí một Gay icon huyền thoại.

Cũng trong MDNA, Madonna liên tục thiết kết thêm các loại hình vũ đạo mới như màn đánh đấm, vật lộn quyết liệt, dùng súng ống trong ca khúc Bang Bang, và thật bất ngờ khi cô tự đi trên dây trong ca khúc Hung up. Tôi phải nhấn mạnh vào điều này, vì đi trên dây là một chiêu thức cực khó đòi hỏi khả năng thăng bằng tốt, lại trên nền nhạc ầm ĩ, ánh sáng nhấp nháy, khán giả ồn ã phía dưới, ngay đến một dancer chuyên nghiệp cũng chưa chắc đủ tự tin để đi trên dây (dù chiếc dây đó không quá cao), vậy mà một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, ở cái tuổi mà có lẽ đi lại còn khó khăn như Madonna lại làm được điều đó, chưa kể những màn dance với nhiều động tác mạnh, mất rất nhiều sức. Nhìn vào đây, không còn ai dám hoài nghi về khả năng vũ đạo điêu luyện của Madonna, cái mà những ca sĩ thế hệ sau như Britney, Beyonce hay Lady Gaga còn lâu mới đạt được.
https://www.youtube.com/watch?v=Gc_I2EX3uI4
Bạn thấy đấy, ở cái tuổi xế chiều, khi mà các diva khác đã gần như bị chững lại sự nghiệp, đến đi lại còn không nổi, thì Madonna vẫn luôn năng động với những điệu nhảy mới lạ, để dẫn đầu các xu hướng của thời đại. Cô xứng đáng là bậc thầy vũ đạo với mọi ca sĩ trên thế giới.

Tobe Continued...
_Đức Long_
Hải Phòng ngày 14 tháng 8 năm 2014

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Whitney Houston và show diễn đỉnh cao tại Philadelphia 1994

Trong sự nghiệp ca hát của mình, Whitney đã thực hiện hàng trăm show diễn và tour diễn khác nhau trên toàn thế giới. Ở thời kì đỉnh cao (từ 1984 đến 1994), giọng hát của Whitney luôn rực cháy, lộng lẫy, cống hiến và cháy hết mình trong mọi show diễn.
Ai cũng biết, giọng hát của Whitney đẹp nhất, trong sáng nhất vào thời kì debut, khi sức khỏe của cô ở giai đoạn ổn định và sung sức nhất của tuổi trẻ. Đến những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, sức khỏe của Whitney gặp nhiều vấn đề trầm trọng, thường xuyên bị ốm, khản giọng trên sân khấu, ảnh hưởng không nhỏ tới giọng hát của cô. Những nguyên nhân dẫn tới sự xuống dốc về sức khỏe, theo tôi là từ năm 1989, Whitney đã bắt đầu vướng vào thuốc phiện khi quen Bobby Brown, cho đến năm 1990, cô bị sảy thai, phải phẫu thuật thanh quản nhưng không hề có chế độ nghỉ ngơi hợp lí, cộng thêm việc hát với thanh quản cao trong thời gian dài khiến giọng hát gặp nhiều trục trặc. Người ta nghĩ rằng giọng hát của Whitney đã đến lúc chấm hết, không thể lấy lại nội lực của những năm đầu sự nghiệp nữa. Nhưng họ đã nhầm, sau quãng thời gian ngắn nghỉ đẻ sinh con gái đầu lòng, Whitney không những lấy lại được nội lực của những năm debut, mà còn tăng nó lên gấp bội phần. Trong khuôn khổ tour diễn The Bodyguard World Tour kéo dài từ năm 1993 đến 1994, Whitney đã trình diễn tổng cộng 120 show tại nhiều nước trên thế giới. Trong hai năm đó, cô cũng thường xuyên biểu diễn tại các show truyền hình, các lễ trao giải âm nhạc. Với lịch diễn dày đặc như vậy, Whitney đã nhiều lúc bị suy nhược về sức khỏe, giọng hát đôi khi có dấu hiệu xuống sức, nhưng hầu như vẫn to khỏe và rực cháy, thậm chí còn đó độ rền, mạnh hơn cả thời kì debut. Đây là một điều vô cùng kì lạ trong giọng hát của Whitney - người được mệnh danh là tiếng hát đa thanh của nền âm nhạc đại chúng thế kỉ XX. Show diễn tại Philadelphia vào ngày 26 tháng 6 năm 1994 tuy được ít người biết đến hơn vì không được ghi hình, nhưng với tất cả nội lực của Whitney được tung ra một cách sung mãn, nó xứng đáng là một trong những show diễn hay nhất trong sự nghiệp của cô.
Nhìn vào mốc thời gian diễn ra show diễn, có thế thấy, trước khi tổ chức show diễn này, Whitney đã phải đi rất nhiều show trước đó, từ năm 1993 đến tận sáu tháng đầu năm 1994. Theo lẽ thường, càng về các show cuối tour diễn, ca sĩ sẽ bị đuối vì áp lực làm việc, nhất là với người thường xuyên phải phô diễn giọng hát ở những quãng âm lớn và không có chế độ giữ giọng như Whitney (tôi vẫn thường nói đùa rằng Whitney là cỗ máy giết giọng của chính cô ấy, vì cô ấy chỉ biết hát hết mình, không hề biết chăm sóc bản thân hay dùng thủ thuật để giữ giọng như các ca sĩ khác). Nhưng, với một giọng hát đa thanh như Whitney, chúng ta chẳng thể đoán được những gì đang diễn ra với giọng hát của cô ấy. Trái với những gì người ta nghĩ, đây lại chính là show diễn mà Whitney đạt đến đỉnh cao kĩ thuật lẫn giọng hát, cũng như sự tinh tế trong nghệ thuật biểu diễn, dù chất giọng có đi xuống đôi chút do làm việc quá nhiều và đôi khi vẫn mắc một số lỗi kĩ thuật. Trong show diễn này, giọng hát của Whitney đạt được độ mở lớn nhất, để có thể phóng âm với cường độ âm lượng lớn, lớn hơn rất nhiều so với những giai đoạn trước đó. Không những vậy, ở vào lúc đỉnh điểm của quá trình chuyển hóa từ một spinto soprano sang spinto mezzo, giọng hát ấy đã đạt đến một độ dày khủng khiếp, âm sắc trở nên đặc sệt, đanh lại như bê tông, nặng đến cả ngàn tấn, căng tràn đầy nội lực, vang rền và nổ như tiếng pháo rang. Có thể ví giọng hát của Whitney khi ấy như một bức tường đúc bằng thép vậy. Whitney vẫn thường bị nói là cách hát quá "trắng", quá nhẹ nhàng, âm lượng không to khỏe như những ca sĩ nhạc soul/gospel da màu (những ca sĩ mà tôi vẫn hay gọi là hát với lối "xôi thịt"). Nhưng đó là chuyện của những năm debut thôi, nếu nghe trực tiếp show diễn này, sẽ không còn ai dám nói Whitney giọng không to khủng, hay không kịch tính. Dẫu có gọi Patti hay Aretha vào chung show này với Whitney thì cũng chỉ hơn được cường độ âm thanh, chứ chưa bằng được về độ dày và đanh của giọng hát. Điểm đặc biệt ở show này là giọng Whitney to đều, đanh dày ở tất cả các note, không giống một spinto thông thường, chỉ to được ở những đoạn lên cao kịch tính. Bởi vậy, có nhiều quan điểm cho rằng giai đoạn này, Whitney đã tiến tới một dramatic mezzo. Thường thì tai nghe của người nghe nhạc bình thường sẽ không nhận ra, nhưng nếu bạn đem show diễn này đi hỏi những người làm phòng thu, vốn là những người có tai nghe quen các loại cường độ âm thanh, họ sẽ trả lời rằng âm lượng phát ra ở đây cực lớn. 
Bạn muốn chứng kiến nội lực khủng khiếp của Whitney trong show diễn này chứ? Nếu đã sẵn sàng, xin mời nghe cú hit 21 note D5 liên tiếp ở chữ "I love you" trong màn live Medley này (2:00). Hit D5 với giọng nữ không phải khó, nhưng thật khó để tìm được những note D5 căng, dày và đanh lại đến kì lạ như vậy. Nghe cách hát của Whitney, bạn sẽ nhận thấy cô ấy không phóng hết tất cả âm lượng ra ngoài, vẫn giữ lại trong cổ họng để tạo độ đặc quánh không ngờ cho giọng hát. Kiếm một note D5 bay vut vút thì dễ thôi, nhưng kiếm một note D5 đanh và đặc thế này thì không dễ chút nào.
https://www.youtube.com/watch?v=1ZhQI5VdlHU

Hoặc không cần phải hát phô trương, mời bạn nghe thật kĩ chữ "if" đầu tiên trong ca khúc I will always love you để thấy được sự khỏe khoắn, đầy đặn, lấp đầy toàn bộ sân khấu ở những note nhỏ và nhẹ nhất. Một người bạn làm phòng thu mà tôi quen đã tỏ ra bất ngờ khi nghe chữ "if" đầu tiên này, anh ta nói rằng nó quá khỏe và nội lực.
https://www.youtube.com/watch?v=r46esvSufSk

Đến những năm 1994, dù đã chuyển qua quãng giọng của mezzo, có xu hướng trầm khàn, nhưng Whitney vẫn có những cú belt note F5 khá đẹp. Điển hình nhất là chuỗi F5-F#5 được tung ra trong đoạn cuối ca khúc I'm very woman này (3:44). Ở các giọng nữ khác, F5 thường sáng và bay, nhưng với Whitney, F5 vẫn rất dày, đanh và có sức nặng lớn, khiến nhiều người tưởng cô đang gào thét theo kiểu Christina Aguilera hay Etta James. Nhưng kì thực, cô đang sử dụng rất điêu luyện kĩ thuật mix voice. Dù ở F5, Whitney vẫn vibrato rất tinh tế, chứng tỏ giọng hát và kĩ thuật của cô còn tốt hơn cả thời kì debut.
https://www.youtube.com/watch?v=yjLc2_6-SXk
Không chỉ ở độ to hay khỏe, Whitney còn tỏ ra là một bậc thầy trong việc cảm nhạc khi chơi liền cú hit 12 note C#5 ở ca khúc Saving all my love for you (5:30). Bạn sẽ thấy tốc độ của 12 note này được bắn ra nhất nhanh mà vẫn đanh, dày, không bị lệch tone, lệch nhịp, dù đang ở những note khá cao. Nếu không phải một ca sĩ có khả năng cảm nhạc và điều khiển vocal cực tốt, sẽ không thể chạy note với tốc độ nhanh đến như thế. Điều đáng nói là dù nhanh đến thế nhưng vẫn rõ từng chữ, đây là một ưu thế về khả năng phát âm tròn vành rõ chữ, chắc chữ của Whitney, cái mà rất ít ca sĩ, kể cả hàng diva như Aretha, Mariah, Patti có được. Thử tưởng tượng hát với tốc độ nhanh 12 note C#5 rõ từng chữ, với cường độ âm lớn, mà không bị lạc giọng, lệch tone, âm sắc giữ nguyên không đổi, vô cùng khó khăn đấy.
https://www.youtube.com/watch?v=2mSz5I5anHk

Hay trong ca khúc Didn't we almost have it all, cô tiếp tục hit rất nhanh một đoạn note với tốc độ cao (kĩ thuật glissado) mà vẫn chắc chữ (3:33).
https://www.youtube.com/watch?v=mM2EbxevY4U

Hoặc trong ca khúc All the man that i need cũng có nhiều đoạn chạy chữ, đẩy giọng lên rất nhanh. (2:24)
https://www.youtube.com/watch?v=mYRmNxt_omI&list=PL217D9060A1AA5CC7&index=7
Chúng ta đều biết, ngoài C5, D5, Whitney còn sở trường ở những note E5. Đến giai đoạn 1994, Whitney đã phát triển một cách belt E5 mới, mà trước đây cô chưa làm được. Tôi cũng không biết phải nói về cách belt này thế nào, chỉ biết đó là cách mix voice rất điêu luyện, cho ra một quãng E5 dày, đanh, nhưng không đanh quá mức mà lại vẫn có một chút hơi bay bổng, vang rền một cách khó tả, hơi tối nhưng vẫn sáng, tưởng như phóng hết ra mà vẫn giữ lại, đầy toàn bộ âm thanh lên đỉnh trán nhưng vẫn trải nghiệm độ vang ở phần mặt nạ (cách kết hợp hai kiểu tạo vang làm một). Hoặc, chỉ đơn giản là giọng Whitney quá đẹp, đẹp đến mức tạo ra những note E5 không ai có được. Mời nghe ca khúc I have nothing để thấy điều đó (5:39, 4:29). Trước đoạn đó, cô còn nảy note kiểu staccato trên C5 một cách vang rền, sảng khoái với toàn bộ âm lượng được phóng ra (5:33). Tiếp tục ở chữ "you" (5:57), cô hit thêm một note E5 chắc nịch nữa. Nghe tất cả các màn cover ca khúc này, không ai hát được đoạn đó tròn vành rõ chữ mà lại đẹp như Whitney. Bởi mới nói, cover ca khúc của Whitney có thể không khó như Mariah Carey, nhưng chỉ là nhái đi thôi, còn sử dụng đúng các kĩ thuật Whitney từng làm, thì không hề đơn giản chút nào.
https://www.youtube.com/watch?v=1Yk-kAqbvUk

Ở chữ "nothing" (4:47), Whitney sử dụng kĩ thuật khép âm đóng âm thanh rất đẹp, nhờ vậy mà cô có hát rõ chữ "thing" một cách đanh, sâu, mà vẫn vang rền  trên Bb4. Nếu để ý, các ca sĩ khác khi hát đến đoạn này, một là hát đẩy sang âm "ê" thành " not thêng" cho dễ hát vì không bị rơi vào âm đóng, hai là hát đúng âm "i" nhưng không đạt đủ đâọ sắc, đanh như thế. Có thể nói, sở trường của Whitney chính là những nguyên âm đóng, vốn rất khó hát, khó lên cao, khó tạo độ vang, nhưng cô vẫn thực hiện một cách dễ dàng, chính là nhờ kĩ thuật khép âm này.
Tiếp tục, trong liên khúc Didn't we almost have it all - Where do broken hearts go, Whitney belt một note E5 sáng rực, đẩy âm lượng tăng dần theo nhịp nhạc lên cực lớn như muốn nổ tung toàn sân khấu (3:23).
https://www.youtube.com/watch?v=mM2EbxevY4U

Vẫn trong live trên, Whitney có một cú đẩy note thần thánh kèm theo kĩ thuật glissando (đẩy nhanh tốc độ)  từ A4 đến D5, khép âm ở D5 vang rền như cuộn sóng âm tung ra toàn sân vận động (4:25). Tôi chưa từng thấy một nữ ca sĩ nào có thể belt A4 dày và kịch tính đến thế, sự kịch tính cuộn lại như cơn bão rồi tung ra theo nhịp beat. Chính khả năng cảm nhạc tốt giúp Whitney có thể kết hợp hoàn hảo với nhạc nền một cách chính xác đến từng giây, để tung ra những pha belting kịch tính, lôi cuốn đến như thế. Đây chính là cái mà người ta vẫn gọi là "khả năng tạo bão cảm xúc" thiên bẩm của Whitney.

Không thể không nói đến I will always love you, một trong những màn live hay nhất của ca khúc này được cô thực hiện tại đây. Đoạn mở màn ca khúc, như thường lệ, Whitney dùng head voice ở chữ "if", đẩy âm lên đầu và cộng minh ở xoang gần mũi, tạo nên những quãng âm đẹp trên Eb4 mà hầu như các ca sĩ khác khi hát lại đều không làm được (1:09), chưa kể độ dày và to của note rất lớn. Chữ "way" ở F#4 được kéo dài bằng kĩ thuật vibrato tinh tế, nhẹ nhàng cùng với việc giảm và tăng âm lượng khá chau chuốt theo kiểu messa di voce (1:52). Trong đoạn "and i" vào đầu, Whitney vẫn sử dụng falsetto trên G#4 rất sáng (2:07), ở quãng thấp như vậy mà làm sáng airy voice trên falsetto kèm theo vibrato được như cô thật hiếm thấy. Tuy ở màn live này, đoạn falsetto ko đẹp hoàn hảo như live ở Chile, nhưng vẫn là sự thách đố với các ca sĩ muốn cover ca khúc này.
https://www.youtube.com/watch?v=r46esvSufSk

Nghe kĩ đoạn 3:13, đoạn belt chữ "and I" được dùng hoàn toàn chest ở G#4, không sử dụng mix voice, nhưng âm lượng vẫn rất lớn, và vẫn có một độ rền đến căng tràn, không bị căng thẳng, hay bị khàn. Tất nhiên, với cách hát không mix như vậy, Whitney phải đánh đổi bằng việc mất giọng nhanh chóng, nhưng bù lại, cô đã làm được những điều kì diệu trong ca hát, cho thấy một giọng hát quý hiếm không ai có được. Whitney xứng đáng được gọi là "diva chân đất" khi chứng minh thành công rằng, đôi khi hát không đúng kĩ thuật mà biết cách xử lí tinh tế, còn hay hơn gấp vạn lần đúng kĩ thuật. Thử xem những ca sĩ cover ca khúc này đi, có thể họ hát đúng kĩ thuật, mix rất chuẩn, nhưng chẳng bao giờ belt được như Whitney từng làm.

Đoạn 4:21, Whitney tung C5 ở chữ "joy" rất rền.
https://www.youtube.com/watch?v=r46esvSufSk

Bắt đầu từ 4:39, sau tiếng trống , Whitney tung ra một tràng Bb4 vang rền, lấp đầy cả một sân vận động. Điều đáng nói là, tuy chỉ ở dừng lại ở Bb4, một note không hề cao với giọng nữ, nhưng Whitney tạo ra được một độ dày khủng khiếp, nặng ngàn tấn, mà ngay cả giọng đàn ông cũng chưa chắc dày đến như thế. Đoạn ngân điệp khúc này tưởng dễ mà không hề dễ, vì tuy không cao nhưng cần rất nhiều sức để duy trì được các note to đều với âm sắc không thay đổi, đặc biệt nhấn mạnh vào các chữ "you", "love, "i". Thử nghe kĩ chữ "love" đi, bạn sẽ thấy không ai có thể hát đến chữ đó mà làm vẫn giữ được độ căng, mạnh đến như thế, lại thêm cả vibrato rất tinh tế mà nếu nghe qua khó có thể nhận ra. Cả đoạn điệp khúc, Whitney chỉ dùng 4 làn hơi, nhưng vẫn chuyển từ chest sang head voice ở đoạn luyến sang chữ "you" kèm theo melisma rất căng, nội lực, không hề có dấu hiệu đuổi hơi như những ca sĩ khác, đủ để thấy cô có một túi hơi lớn thế nào. Và trong khi đa số ca sĩ cover ca khúc này khi hát đến chữ "you" đều bị chuyển thành falsetto thì cô vẫn giữ được ở head voice F5 một cách sáng rực, tốc độ (tempo) đẩy lên rất nhanh (allegro) đầy vũ bão với âm lượng lớn chứ không hề bị chậm lại hay nhỏ đi. Các đoạn luyến melisma/vibrato trên head voice cuối cùng thì không thể bàn cãi nữa, vô cùng tinh tế, đầy ngẫu hứng mà vẫn ngọt ngào, cảm xúc. Whitney thực sự là một bậc thầy trong việc khơi gợi cảm xúc từ người nghe, mà vẫn có thể chơi đùa với các note nhạc, không bị bó khuôn trong những mô típ cảm xúc "sến" thông thường.
Head voice của Whitney giai đoạn này chuyển sang mezzo nên âm sắc không cao và sáng như giai đoạn debut, nhưng ngược lại, rất dày, có độ tối và sâu hơn. Điều đặc biệt hơn cả, tuy dày và tối, nhưng Whitney vẫn có thể biến tấu để tạo cho head voice tính màu sắc (coloratura) theo kiểu một nữ trung màu sắc (coloratura mezzo) với những đoạn nhảy note, chuyển note, nhả note, luyến note đầy linh hoạt, dù cô thực chất là spinto mezzo. Ngoài màn trình diễn I will always love you bên trên trên, mời nghe phần trình diễn ca khúc Saving all my love for you để thấy được điều đó.
https://www.youtube.com/watch?v=2mSz5I5anHk&list=PL217D9060A1AA5CC7&index=3

Đoạn 4:23 của liên khúc Didn't we almost have it all - Where do broken hearts go, Whitney kiểm soát âm lượng và nhả head voice rất độc đáo.
https://www.youtube.com/watch?v=mM2EbxevY4U&list=PL217D9060A1AA5CC7&index=6
Tuy kịch tính là vậy, nhưng giọng hát của Whitney vẫn rất ngọt ngào, mềm mại ở những chỗ cần thiết, không quá chua, quá đanh như hầu hết các giọng ca da màu khác. Điển hình nhất vẫn là đoạn mở đầu của ca khúc I will always love you bên trên, ngoài ra, có thể nghe đoạn mở đầu của các ca khúc sau.

I have nothing
https://www.youtube.com/watch?v=1Yk-kAqbvUk&list=PL217D9060A1AA5CC7&index=8

All the man that I need
https://www.youtube.com/watch?v=mYRmNxt_omI

Tóm lại, cũng giống như những show diễn khác, Philadelphia là show diễn thể hiện rõ nhất khả năng sáng tạo khi live của Whitney, tất cả các ca khúc đều được biến tấu đi hoàn toàn khác với bản gốc, nhưng cô vẫn live một cách thoải mái, căng tràn và đầy nội lực, không hề bị đuối so với nhạc. Nhưng điểm đặc biệt ở show diễn này, cũng là điều khó khăn nhất với mọi ca sĩ muốn cover nhạc Whitney, đó là chất giọng dày, đanh thép gần như đàn ông, nhưng không thô, không phô, mà vẫn ngọt ngào, mượt mà, đầy kịch tính với chất giọng spitno (trữ tình kịch tính), nhưng cũng đầy màu sắc với lối hát coloratura (màu sắc), mà lại vẫn mềm mại theo kiểu lirico (trữ tình thuần). Đây chính là tác dụng của chất giọng mang âm sắc pha giữa da màu và da trắng quý hiếm của Whitney mà cô đã phát triển đến đỉnh điểm trong show diễn này. Hơn nữa, show diễn này được phối nhạc với tiết tấu hầu hết là rất nhanh, beat rất mạnh, hát rất mệt và khó khăn, nhưng Whitney vẫn hát một cách đầy chính xác, lại tạo được kịch tính tuyệt đối với làn âm lượng khủng khiếp, độ rền nội lực, nó cho thấy một khả năng cảm nhạc và kiểm soát giọng bậc thầy hiếm ai có được. Nhưng đừng dại học theo Whitney ở điểm này, vì chính cô đã phải đánh đổi giọng hát của mình, đó là một lối hát rất hại giọng, nhưng bù lại, tạo hiệu ứng sân khấu rất lớn và hấp dẫn khán giả. Xuyên suốt show diễn này, Whitney đã chứng minh một lần nữa rằng mình là bá chủ ở các quãng belt từ A4 đến E5, với đầy đủ các kiểu phô diễn note đầy bão tố, dày như bê tông, đanh rền như muốn nổ tung cả sân vận động, nhưng vẫn vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn và cảm xúc, chứ không hề tỏ ra phô trương, thô thiển. Thực sự mà nói, Whitney là một bậc thầy khi hát live, với tất cả sự sáng tạo, phô diễn giọng hát trời phú và khả năng tạo bão cảm xúc có một không hai của mình.

_Đức Long_
Hải Phòng ngày 9 tháng 8 năm 2014

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Mối quan hệ giữa văn học dân gian và thực tại

I. Tính chân thật - phẩm chất quan trọng trong phản ánh thực tại

          Văn học là một hình thức kiến trúc thượng tầng (ý thức xã hội, nằm trên bình diện nghệ thuật, cùng với chính trị, đạo đức, giáo dục...) phản ánh hiện thực xã hội (cơ sở hạ tầng/cơ sở kinh tế/ tồn tại xã hội) bằng nghệ thuật ngôn từ. Trong suốt lịch sử văn minh nhân loại, không một tác phẩm văn học giá trị nào ra đời mà lại không mang chức năng phản ánh hiện thực và là tấm gương phản ánh xã hội, từ văn học dân gian truyền miệng đến văn học bác học (văn học viết). Trong lí luận văn học, việc phản ánh đời sống được coi như một phẩm chất của tác phẩm văn học - tính chân thật, cái mà người nghiên cứu văn học luôn phải quan tâm đến đầu tiên.
          Tính chân thật đòi hỏi tác phẩm văn học phải phản ánh đúng bản chất, hoặc một vài khía cạnh bản chất của hiện thực khách quan. Nhưng phản ánh trong văn học luôn phải đi liền với biểu hiện thế giới chủ quan của nhà văn (với văn học dân gian là các tác giả dân gian) bao gồm quan điểm, lập trường, phương pháp tư tưởng, cá tính, sở thích... Nói cách khác, văn học là hinh ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Chủ quan và khách quan ở đây không phải là dấu cộng mà là sự chuyển hóa lẫn nhau, chủ quan xét đến cùng cũng là xuất phát từ khách quan. Tính chân thật đòi hỏi nhà văn khi phản ánh hiện thực phải xuất phát từ đáy lòng, phải chân thành, không hời hợt, miễn cưỡng, nhợt nhạt. Và, phản ánh bao giờ cũng phải đi liền với sáng tạo, nói đến sáng tạo trong văn học là nói đến sự khách thể hóa bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ những ước mơ và lí tưởng dưới dạng tư tưởng của người nghệ sĩ.
          Là một trong những kho tàng đồ sộ nhất, đồng thời cũng là một mắt xích quan trọng đóng vai trò nền tảng, không thể thiếu trong tiến trình văn học nhân loại, văn học dân gian cũng có mối quan hệ mật thiết với thực tại xã hội, đảm bảo được tính chân thật trong phản ánh hiện thực một cách sâu sắc. Tuy nhiên, do những đặc thù riêng biệt, nó có cách phản ánh thực tại rất khác biệt với văn học viết, và càng khác biệt hơn nếu so với thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng hiện đại. Trong viết này, tôi xin mạn phép tìm hiểu đôi nét về mối quan hệ giữa văn học dân gian (Folklore) với hiện thực xã hội.

II. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và thực tại

          Như đã nói ở trên, mối quan hệ giữa văn học dân gian và thực tại xã hội là phản ánh một cách chân thật thực tại vào trong văn học. Nhưng, văn học chỉ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan nên sự phản ánh trong văn học dân gian cũng khác với văn học viết, và sự phản ánh này phụ thuộc vào tư duy của con người thời xưa.
          Văn học dân gian ra đời vào thời kì ấu thơ của lịch sử loài người, khi mà con người chưa có chữ viết và vẫn mang trong mình những tư duy non nớt trong việc nhận thức về thế giới tự nhiên cũng như xã hội. Khi con người vẫn còn yếu đuối, chưa đủ sức chiếm lĩnh tự nhiên và xã hội, cũng như chưa đủ hiểu biết để nhận thức rõ về các hiện tượng tự nhiên, chưa có tư duy khoa học khi nhìn nhận các hiện tượng diễn ra trong đời sống, thì họ thường có tư duy vạn vật hữu linh, khiếp sợ trước các hiện tượng tự nhiên, và quy rằng nó được tạo nên bởi những vị thần, hay ma quỷ. Vì vậy, ngay từ những trang thần thoại đầu tiên (chúng ta xem xét thần thoại đầu tiên, vì đây là thể loại ra đời sớm nhất trong các thể loại văn học dân gian), con người đã đồng hóa các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội vào các vị thần, từ đó mà nảy sinh thần nước, thần lửa, thần đất, thần mưa, thần sét, thần tình yêu... Trong đó, mỗi vị thần đều có chức năng và nhiệm vụ riêng của mình, tất cả các chức năng đó đều gắn bó mật thiết và phục vụ cho đời sống con người, thể hiện một sự phản ánh toàn diện về đời sống con người nguyên thủy. Không chỉ vậy, người nguyên tthủy còn di chuyển những quan hệ công xã thị tộc vào tự nhiên, đồng hóa những quan hệ đó với tự nhiên trong một cách nhìn, một trí tưởng tượng, khái quát sinh động - nghĩa là không phải sự khái quát trừu tượng bằng khái niệm mà khái quát bằng hình ảnh, hình tượng. Tự nhiên và toàn bộ thế giới được thần thoại hóa bằng những hình ảnh, hình tượng con người, mang tính cách của con người. Đó chính là phương pháp đặc thù của thần thoại để phản ánh chân thật thực tại. Ngay trong tiếng Hi Lạp cổ, thần thoại được gọi là Mithologia, trong đó, Mithox là là lời nói của thơ ca, truyền thuyết, ảo tưởng, còn Logox là lời nói của lí chí và chân lí. Như vậy, thần thoại bao giờ cũng là phản ánh những điều có thực thông qua trí tưởng tượng phong phú. Chúng ta có thể lấy ví dụ qua hai nền thần thoại lớn nhất thế giới cổ đại là thần thoại Ấn Độ và thần thoại Hi Lạp.
          Với thần thoại Ấn Độ, đó là bức tranh sinh động về cuộc sống, sinh hoạt của người Ấn Độ cổ đại, phản ánh việc chăn nuôi, thuần dưỡng súc vật, việc săn bắn, phát triển trồng trọt, những công việc khai phá đất đai, núi non, sông ngòi qua nhiều mẩu truyện chân thực và kì thú. Tư duy vạn vật hữu linh giúp thần thoại Ấn Độ trở nên giàu hình ảnh và sức phóng đại trong việc phản ánh, từ đó gia tăng chất văn học chứ không hề khô khan. Nhiều thủ lĩnh quân sự, tù trưởng, các bộ lạc, những dũng sĩ diệt ác thú, chống thù địch bảo vệ bộ lạc, những phụ nữ yêu đương sinh con đẻ cái, những hoàng tử, công chúa các vương quốc, các đạo sĩ ẩn dật sống trầm tư mặc tưởng... đều được thần thoại mô tả bằng những hình ảnh tượng trưng và phóng đại qua cuộc đấu tranh với thiên nhiên và xã hội.
          Thần thoại cũng phản ánh rõ nét nhận thức của con người cổ đại về các hiện tượng tự nhiên qua việc cố gắng lí giải nguyên lí của các hiện tượng đó. Tất nhiên, với tư duy vạn vật hữu linh, việc lí giải được lồng ghép qua hình tượng các vị thần rất sinh động. Chẳng hạn trong câu chuyện về thần Gió Vayu có đoạn:
Thần bay vun vút. Thần là vua của vũ trụ bao la,
Lang thang khắp các nẻo đường trên tầng không
Thần không nghỉ cũng không ngủ tí nào
Thần linh thiêng sinh ra trước mọi loài;
Thần là bạn của các nguồn nước
Là mầm mống của thế gian, là hồn sống của các vị thần...
          Qua đoạn mô tả trên có thể thấy tác giả dân gian đã cố gắng lí giải rằng không khí và nước là yếu tố đầu tiên của vũ trụ, luôn đi với nhau, là nguồn sống của mọi sinh vật. Đây là quan niệm duy vật tự phát về các thành tố của vũ trụ. Hay như câu chuyện về thần Lửa kể rằng thần do cha Trời và mẹ Đất sinh ra, sống trên trời, mưa xuống thì đi vào cây cối, đất đá. Rồi từ những cành cây hay đất đá cọ xát với nhau sinh lửa. Sau khi thần Lửa thoát ra lại trở về trời. Từ trên trời, thần Lửa gầm thét và rẽ sóng mây mà đi xuống đất ở với người. Cuộc phiêu lưu đường vòng của thần Lửa miêu tả như vậy chứng tỏ người xưa đã linh cảm được hoạt động bên ngoài của âm điện và dương điện, của nhiệt năng, nhưng họ không giải thích nổi.
          Cũng trong thần thoại Ấn Độ, việc nảy sinh và tan rã các hình thái xã hội, các quan hệ cộng đồng, giữa người với người cũng được phản ánh một cách sâu sắc qua hình tượng các vị thần. Bởi tất cả những diễn biến trong cuộc sống con người đều được đồng hóa vào cuộc sống của các thần, nên nếu bóc tách lớp vỏ thần kì bên ngoài câu chuyện thần thoại, chúng ta sẽ thấy các mối quan hệ công xã thị tộc được hiện lên một cách rõ nét. Chẳng hạn, trong câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa thần Visnu và các thần khác có đoạn kể rằng: "Ngày xưa các thần làm lễ Yajna để chia đều thức ăn cho nhau. Các thần ngày một đông thêm nên họ phải bầu ra một gia trưởng để giữ gìn của cải, và thần Visnu được cử vào chức vụ đó. Từ đó, Visnu không chịu làm lễ Yajna như cũ mà thay bằng lễ khác gọi là Satra, theo đó, của cải do các thần kiếm được đều thuộc về gia trưởng là Visnu. Kể từ khi có nhiều của cải, Visnu trở nên kiêu căng, khiến các thần khác oán ghét, muốn giành lại quyền lực như cũ nhưng bất lực vì không có vũ khí. Một hôm, các thần lập mưu lật đổ quyền lực của Visnu. Họ chặt xác Visnu làm ba phần rồi làm lễ hiến dâng cho thần Lửa Agni, thần Mưa Indra và các thần khác gọi chung là Visudeva". Câu chuyện trên miêu tả cuộc nội chiến giữa các thần, phản ánh sự tan rã của cộng đồng nguyên thủy trong bộ lạc Arian. Quan hệ dân chủ, bình đẳng không còn nữa, chế độ đẳng cấp khắc nghiệt ra đời. Agni đại diện cho đẳng cấp Bà la môn, Indra đại diện cho đẳng cấp võ sĩ quý tộc, Visudeva đại diện cho đẳng cấp trung lưu. Từ đó, vai trò thống trị xuất hiện, xã hội chia làm hai giai cấp, giai cấp thống trị hưởng thụ của cải và nắm mọi quyền lực, còn giai cấp bị trị thì chịu sự bóc lột và bất lực mặc dù có sự chống đối ban đầu. Visnu từ địa vị chinh chiến trong bộ lạc đã lên địa vị thống trị trong xã hội và trở thành vị thần độc tôn của tôn giáo nhất thần luận, đẳng cấp tối cao của đạo Hinđu.
          Cũng liên quan tới việc phản ánh sự khắc nghiệt của chế độ phân biệt đẳng cấp của đạo Hinđu, còn có câu chuyện về Người khổng lồ Purusa. Theo đó, con người Ấn Độ cổ đại là do Người khổng lồ sinh ra, mồm của Người khổng lồ là đẳng cấp Bà la môn, tay là đẳng cấp vương công quý tộc, đùi là đẳng cấp trung lưu, còn bàn chân chính là đẳng cấp nô lệ.
          Ngoài ra, thần thoại Ấn Độ còn phản ánh một thực tại là nền tảng tư duy triết học sâu sắc của người Ấn Độ cổ đại. Chẳng hạn qua hình tượng thần Siva vừa hiền vừa dữ, vừa thiện vừa ác, vừa xây dựng vừa phá hủy đồng nhất trong một nhiệm vụ, tác giả dân gian đã thể hiện triết lí duy vật biện chứng đơn sơ về sự thống nhất giữa các mặt đối lập trong một vấn đề, một bản thể. Xa hơn nữa là quan niệm sống vô thường, tuần hoàn của người Ấn Độ cổ, có sống thì có chết, có sinh thì có từ, sinh - trụ - diệt, cái chết là khởi nguồn cho sự sống, trong sự sống lại có cái đang chết dần... Bản chất mộ đạo của người Ấn Độ cổ cũng được thể hiện ngay ở phần tụng niệm mang nặng tính tôn giáo ở mỗi câu chuyện thần thoại.
          Giống như thần thoại Ấn Độ, thần thoại Hi Lạp cũng phản ánh một cách sâu sắc đời sống, nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội thông qua hình tượng các vị thần, đồng hóa tâm tư, tình cảm, đời sống công xã thị tộc vào các vị thần. Khác với thần thoại Ấn Độ, việc phản ánh thực tại trong thần thoại Hi Lạp chịu sự chi phối của một nền tảng tư duy tiến bộ hơn. Do đó, trong thần thoại Hi Lạp, con người được lí tưởng hóa, được miêu tả một cách đẹp nhất, giàu khí thế nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong thần thoại Hi Lạp xuất hiện nhiều hình tượng các á thần, những anh hùng xuất thân từ người trần mắt thịt như Héc quyn, Asin, Uylix... Họ là những nhân vật tượng trưng cho ước mơ, cho vẻ đẹp lí tưởng của con người. Cũng với quan niệm đề cao vẻ đẹp tự nhiên, các vị thần đều được mô tả dưới hình dạng của con người, không cầu kì, bí hiểm, và đa số là khỏa thân hoặc bán khỏa thân. Đọc thần thoại Hi Lạp, chúng ta ghi nhận được nhiều chi tiết phù hợp, tương ứng với dữ kiện khoa học do khảo cổ học và sử học cung cấp. Như vậy, có thể thấy, thần thoại Hi Lạp cũng hoàn thành tốt việc phản ánh thực tại qua hình tượng văn học sinh động.
          Nếu như thần thoại ra đời vào thời kì ấu thơ của lịch sử loài ngoài, khi con người còn sống trong công xã thị tộc, thì truyện cổ tích lại ra đời khi xã hội bắt đầu phân chia đẳng cấp (chế độ công xã nguyên thủy được thay bằng tư hữu), hay nói cách khác là bước sang xã hội phong kiến. Khi xã hội phân chia giai cấp, chắc chắn sẽ có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, mâu thuẫn giai cấp là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, truyện cổ tích ra đời như một thể loại văn học mang chức năng phản ánh và lí giải những mâu thuẫn đó. Nên có thể thấy được tính chân thật và quan hệ mật thiết với thực tại của truyện cổ tích ngay từ chức năng, nhiệm vụ và nguyên nhân ra đời của nó. Nội dung của truyện cổ tích là những vấn đề liên quan đến mâu thuẫn trong những gia đình riêng lẻ sau khi công xã thị tộc tan rã. Lúc này, những vị thần không còn là trung tâm của truyện cổ tích mà là những con người hết sức bình thường, yếu đuối trong xã hội như người vợ, người đầy tớ, con riêng, người nông dân nghèo... nói chung là những người thuộc giai cấp bị trị. Trong quá trình phát triển của các hình thái xã hội có giai cấp, ta thấy xã hội xuất hiện những mâu thuẫn mang tính chất riêng tư nhưng phổ biển (mâu thuẫn giữu mẹ ghẻ và con chồng, giữa chủ và gia nhân, giữa anh với em, thiện với ác...). Khi phản ánh những xung đột đó thì truyện cổ tích thường bênh vực kẻ bề dưới, tố cáo kẻ bề trên, hướng về người lương thiện chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi trong gia đình và xã hội. Phương thức phản ánh thực tại của truyện cổ tích là qua những câu chuyện hoang đường, thần kì, không có thật để đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa rộng lớn và sâu xa về nhân sinh và xã hội. Vì cả truyện cổ tích lẫn tiểu thuyết đều ra đời từ những câu chuyện thường nhật trong đời sống sinh hoạt nên có thể so sánh giữa hai thể loại này để thấy sự khác nhau trong việc phản ánh thực tại của truyện cổ tích.
          Về phạm vi phản ánh, tiểu thuyết có phạm vi phản ánh rộng lớn nhất, bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội từ thế giới bên ngoài đến thế giới bên trong con người, còn truyện cổ tích thường thì kể về nhưng câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một số kiểu nhân vật nhất định như:
          - Kiểu nhân vật kì tài và kiểu nhân vật bất hạnh;
          - Kiểu nhân vật trí xảo và kiểu nhân vật khờ khạo;
          - Kiểu nhân vật xấu xa và kiểu nhân vật đức hạnh;
          - Kiểu nhân vật loài vật (ẩn dụ cho hình ảnh con người).
          Do phạm vi phản ánh không rộng như tiểu thuyết và chủ yếu truyền tải các đạo lí giáo huấn nên nhân vật trong truyện cổ tích là loại nhân vật chức năng, tức là họ chỉ thực hiện đúng chức năng của mình. Trong đó chia rõ làm hai tuyến nhân vật, chính diện và phản diện. Nhân vật chính diện thường là những người thuộc giai cấp bị trị, bị áp bức, và bao giờ cũng tốt một cách toàn diện. Còn nhân vật phản diện luôn là tầng lớp thống trị, và xấu xa, độc ác tận cùng. Nhân vật phản diện thực hiện chức năng áp bức nhân vật chính diện, để nhân vật chính diện thực hiện chức năng vùng lên đấu tranh. Chính vì chỉ thực hiện chức năng được giao phó, nên nhân vật cổ tích chỉ được khắc họa ở ngôn ngữ, ngoại hinh và hành động chứ không được đi sâu vào thế giới nội tâm như tiểu thuyết. Do đó, phạm vi phản ánh của truyện cổ tích chỉ dừng lại ở thế giới bên ngoài, không đi được vào thế giới nội tâm, tâm linh con người như tiểu thuyết. Trong việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội, tiểu thuyết thường đi đến ngọn ngành vấn đề, còn truyện cổ tích thường chỉ dựa vào các yếu tố kì ảo như phép màu, ông tiên, ông bụt đứng ra cứu giúp. Điều đó phản ánh sự bất lực của con người trong xã hội phong kiến, phải chịu đựng áp bức nhưng lại chưa đủ sức để tự mình đấu tranh chống lại nó.
          Khác với thần thoại, truyện cổ tích, truyện cười lại khai thác những cái đáng cười trong cuộc sống thường nhật qua những vấn đề mâu thuẫn, đối lập, trào phúng, qua đó hiện lên một cách sinh động bức tranh sinh hoạt của nhân dân trong thời kì phong kiến. Ngoài ra, truyện cười còn có giá trị tố cáo sâu sắc khi đả kích một bộ phận không nhỏ quan lại, vua chúa phong kiến. Như vậy, có thể thấy truyện cười cũng phản ánh một cách chân thực đời sống qua việc phô bày những thói hư tật xấu của con người.
          Đối với các thể loại trữ tình dân gian như ca dao, vè, dân ca thì việc phản ánh thực tại cũng vô cùng chân thực mà lại giàu chất thơ. Qua những giai điệu ca dao, chúng ta có thể thấy đời sống tâm tư, tình cảm của con người hiện lên một cách đầy thi vị. Còn đối với tục ngữ, đó là những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, trong đời sống đã được nhân dân đúc kết một các qua đọng, nên qua đó cũng phản ánh đời sống xã hội một cách tự nhiên nhất.
III. Kết luận

          Văn học dân gian nảy sinh từ lời ăn tiếng nói của nhân dân, được con người truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, và cứ mỗi thế hệ lại bồi đắp thêm bằng kinh nghiệm sống của chính họ. Vậy nên, văn học dân gian dù ở thể loại nào cũng phản ánh chân thực thực tại một cách tự nhiên nhất theo những phương thức của riêng nó. Đi từ vô thức đến tự ý thức, các tác giả dân gian đã đưa hiện thực cuộc sống vào trong văn học một cách chân phương nhất, dùng trí tưởng tượng của mình để phản ánh thực tại đầy sinh động, phong phú.

Hải Phòng ngày 11 tháng 6 năm 2014

_Đức Long_