Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Chứng minh văn học Đổi mới sau 1986 có sự thay đổi quan niệm về hiện thực (Tiểu luận năm thứ 4)



Văn học nghệ thuật là một phạm trù thuộc ý thức xã hội, là sự đánh giá chủ quan về thế giới khách quan. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho văn học là phải phản ánh chân thực những bước vận động của cuộc sống. Sau năm 1986, đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới trên mọi bình diện của xã hội. Hiện thực đời sống thay đổi cùng sự chuyển biến vể nhu cầu của bạn đọc khiến văn học tất yếu phải đổi mới. Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng thừa nhận rằng rằng càng viết, tay nghề càng cao, nhưng những trang văn của ông thì hình như càng ngày càng mất dần độc giả. Nhà văn buộc phải đổi mới quan niệm và cách viết của mình để phù hợp với thời đại và thị hiếu công chúng.
          Hạt nhân quan trọng trong công cuộc đổi mới văn học chính là sự thay đổi quan niệm về hiện thực: từ hiện thực chiến trận, sử thi sang hiện thực thế sự, cá nhân. Đây là tư tưởng chủ đạo chi phối mọi sự thay đổi khác như quan niệm con người, quan niệm nghệ thuật, về đề tài, chủ đề, về kiểu nhân vật… Tóm lại, sự thay đổi quan niệm hiện thực dẫn đến sự thay đổi về thi pháp văn học Đổi mới. Bài viết này chú trọng tới sự thay đổi trên ba bình diện quan trọng của thi pháp văn học Đổi mới là không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật và quan niệm về con người.
1.                 Sự thay đổi quan niệm về hoạt động văn học dẫn đến sự thay đổi quan niệm về kiểu tín hiệu nghệ thuật
Trong văn học 1945 – 1975, với quan niệm về hiện thực chiến trận, văn học đóng vai trò quan trọng là vũ khí đấu tranh, là tấm gương chỉ đạo tư tưởng trong cuộc chiến vận mệnh của dân tộc. Bởi thế, hầu hết mọi người quan niệm hoạt động văn học chỉ diễn ra từ một phía là tác giả. Trong đó, tác giả đóng vai trò là nhà phán truyền chân lý, là người biết tuốt, tác giả được quyền chi phối tư tưởng của người đọc. Nhưng trong văn học Đổi mới với quan niệm về hiện thực thế sự, quan tâm nhiều hơn đến con người xã hội thì vai trò của bạn đọc được coi trọng hơn. Hoạt động văn học là hoạt động về cả hai phía và tác phẩm văn học không chỉ thuộc về tác giả, nó là sản phẩm của người đọc dựa trên văn bản văn học của người nghệ sĩ. Điều này tạo ra sự dân chủ trong cách tiếp nhận văn học, người đọc được quyền đồng sáng tạo với nhà văn.
Với quan niệm đó, dễ nhận thấy trong tác phẩm, nhà văn ít đưa ra những chân lí theo kiểu áp đặt người đọc mà thường chỉ gợi vấn đề để người đọc tự suy ngẫm, tự rút ra ý nghĩa cho riêng mình. Vì thế, cách kết thúc tác phẩm thường là kết thúc mở, gợi chứ không tả. Chẳng hạn, truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp kết thúc bằng cái chết của hai cô bé gái, một kết thúc rất khó hiểu. Có người cho rằng đó là sự chết đi của tính thiện, của sự trinh trắng trong con người, có người lại nói đó là sự hủy diệt những giá trị thuần gốc của làng quê trước sự xâm nhập của văn minh đô thị. Cả hai cách hiểu đều được chấp nhận vì đây là một kết thúc mở theo nguyên lý “tảng băng trôi”. Những tín hiệu trong tác phẩm như vậy, xưa nay ta vẫn quen gọi là tín hiệu nghệ thuật, tín hiệu thẩm mỹ, nhưng với văn học Đổi mới, nên gọi chính xác theo cách gọi của giáo sư Diệp Quang Ban là giá trị suy diễn có căn cứ. Tức là kiểu tín hiệu mở mà nhà văn chỉ phác nên những nét cơ bản, người đọc sẽ tự tô vẽ để hoàn chỉnh theo năng lực của riêng họ.
2.     Sự thay đổi quan niệm thể hiện qua các mô típ đề tài
Đề tài là vấn đề thuộc về nội dung, không phải phạm trù thi pháp, nhưng lại chi phối nhiều đến nguyên tắc thi pháp của văn học.
Trong văn học 1945 – 1975, quan niệm về hiện thực chiến trận đã bó hẹp đề tài của văn học, quanh đi quẩn lại ta chỉ thấy dập khuôn một kiểu đề tài quen thuộc là đề tài chính trị - cộng đồng, ngay cả đề tài tình yêu cũng nằm trong khuôn khổ đề tài chính trị, tình yêu đôi lứa phải lồng vào đó nội dung chính trị.
Văn học Đổi mới quan tâm tới mọi mặt, soi chiếu mọi ngõ ngách của đời sống nên kiểu đề tài cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đề tài chống tiêu cực làm cho thể loại kí, phóng sự phát triển với lối viết cô đọng, ngắn gọn, không rườm rà. Khi con người trở thành trung tâm văn học theo đúng nghĩa “nhân bản” của nó thì mảng đề tài về thân phận con người chiếm vị trí chủ đạo với các kiểu chủ đề như mối quan hệ cá nhân với cộng đồng, bi kịch cá nhân sau chiến tranh… Những đề tài này chi phối mạnh mẽ tới không gian nghệ thuật và quan niệm con người trong văn học.
3. Sự thay đổi quan niệm thể hiện qua không gian nghệ thuật
Với quan niệm về hiện thực sử thi, không gian trong văn học 1945 – 1975 là những kiểu không gian công cộng như mái đình, gốc đa, bến tre, con đường. Đây là không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng, giúp gắn kết cộng đồng trong cuộc chiến một mất một còn của dân tộc. Không gian chiến trận cũng là không gian rộng lớn, được mở hết mọi chiều kích để tạo nên cái cao cả, hùng tráng. Đó là những không gian xác thực gắn liền với tên địa danh, sự kiện lịch sử - cụ thể. Điểm đặc biệt là dù không gian rộng lớn đến đâu thì con người vẫn luôn đứng trên tư thế làm chủ không gian.
Văn học Đổi mới hướng vào thế giới cá nhân nên không gian của nó thu nhỏ  hơn. Đó là không gian riêng tư của gia đình, cá nhân. Nhưng sự thu nhỏ chỉ là về chiều kích vật lý, trên thực tế, không gian trong văn học giai đoạn này đã được mở rộng đến mọi bình diện, đến cả những ngõ ngách sâu thẳm trong thế giới tâm hồn của con người, điều mà văn học trước đây chưa làm được.
3.1. Không gian gia đình
Không gian nghệ thuật là sự sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện con người và quan niệm về cuộc sống. Không gian nghệ thuật là hình tượng không gian, không đồng nhất với không gian vật lí mà tồn tại độc lập như một chỉnh thể nghệ thuật, là một cách thức để nhà thơ thể hiện cảm nhận của mình về thế giới.
Bước ra khỏi chiến tranh cũng là lúc con người quay trở về với cuộc sống gia đình. Vì vậy, không gian gia đình chiếm ưu thế trong văn học. Ở rất nhiều truyện ngắn và thậm chí cả tiểu thuyết, môi trường hoạt động của nhân vật chỉ xoay quanh không gian gia đình và cũng từ không gian đó đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của đời sống.
Không gian gia đình được xây dựng đối lập với không gian chiến trận. Nó nhỏ bé hơn, chỉ trong một ngôi nhà hay một xóm nhỏ nào đó, trong khi không gian chiến trận chứa đựng cái cao cả của thiên nhiên, núi non kì vĩ, của những con đường dài bất tận. Nếu như không gian chiến trận là nơi để con người vượt lên hoàn cảnh, để thể hiện chất “sử thi” thì không gian gia đình lại là nơi con người bộc lộ tất cả những mặt trái, mặt đối lập của nó.
Ví dụ: Trong truyện “Tướng về hưu”, ông Bổng bước từ không gian chiến trận về với không gian gia đình đã bị “lạc loài” trong chính không gian đó khi phải chứng kiến những toan tính nhỏ nhen, bỉ ổi của mọi người trong gia đình. Trong không gian gia đình mình, ông phải đối diện với những cái mà ông chưa từng thấy trước đây. Ông thấy ghê sợ khi cô Thủy đem bào thai về nhà xay cho chó ăn, rồi thì những trò bát nháo trong đám tang vợ mình, trò nhỏ nhen của ông Bổng, sự tính toán lạnh lùng của con dâu trong cái chết của mẹ… Không gian gia đình tưởng là ấm cúng, thân mật lại là nơi khiến người ta rơi vào trạng thái “lạc loài” vì nó quá khác so với không gian chiến trận, không gian anh hùng của cả dân tộc.
Ví dụ: Trong truyện “Không có vua” thì không gian gia đình trở thành một “món nộm xuồng xã”, một thứ không gian bát nháo, đảo lộn mọi giá trị vốn có. Trong một không gian nhỏ bé mà diễn ra đủ tấn tuồng của cuộc đời với biết bao trò lố bỉ ổi: con chửi cha, em chồng sàm sỡ chị dâu, bố chồng nhìn trộm con dâu, anh em đánh chửi nhau như người ngoài, rồi cả những trò mua bán tình cảm trơ trẽn. Chỉ trong một không gian nhỏ bé như vậy mà Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa sâu cay những trạng thái ô uế của cuộc sống hiện đại.
Việc chọn không gian gia đình để tố cáo xã hội cũng có ý nghĩa của nó. Giua đình là tế bào của xã hội. Nếu gia đình tha hóa đến cùng cực như vậy thì sự xuống cấp của xã hội là tất yếu.
3.2. Không gian tâm linh
Với quan niệm nhân bản, văn học Đổi mới coi con người là trung tâm của văn học với đầy đủ những biểu hiện hình thức lẫn nội dung của nó. Vì vậy, thế giới nội tâm phong phú của con người được các nhà văn khai thác một cách triệt để. Không gian nghệ thuật cũng được mở rộng trên bình diện tâm hồn của con người. Các nhà văn lúc này cũng quan tâm đến hiện thực tâm linh với những yếu tố khác lạ, kì ảo.
Không gian tâm linh được thể hiện qua các giấc mơ. Văn học 1945 – 1975 cũng xuất hiện những giấc mơ, nhưng thường bó hẹp quanh hình ảnh cờ đỏ sao vàng, giấc mơ ngày mai chiến thắng. Không gian giấc mơ trong văn học Đổi mới xuất hiện với tần số nhiều hơn, đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Không gian giấc mơ xuất hiện từ những ám ảnh tâm lý của nhân vật khi đối diện với cuộc sống hiện thực, những chấn động tâm lý không được thỏa mãn ở cuộc sống thực sẽ đi vào giấc mơ của nhân vật. Vì thế không gian trong giấc mơ được coi như một sự phản chiếu không gian hiện thực nhưng vì là mơ nên mang tính chất tự do, phá vỡ mọi quy phạm logic của cuộc sống thực. Hơn nữa, vì là sự phản chiếu cuộc sống thực đầy bộn bề, sợ hãi, lo toan vào trong tiềm thức của con người nên không gian giấc mơ thường đan xen những thứ quái dị, lạ thường.
VD: Trong truyện ngắn “Con gái thủy thần” của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Chương vì quá theo đuổi một câu chuyện truyền thuyết nên hình ảnh Mẹ Cả xuất hiện thường trực trong giấc mơ của anh. Những giấc mơ của Chương rất quái dị, “có lần mơ thấy đi cày, cày hết chân ruộng Gò mả ngụy thì đến thị xã, cứ cày mãi, dân thị xã phải dắt nhau chạy. Có lần mơ thấy đào đá ong, xắn phải ngón chân cái, một lúc sau ngón chân lại tự mọc ra, lại xắn lần nữa cứ thế vài chục lần, lần nào cũng đau lắm. Có lần mơ thấy lột giang, dao cứa đứt cả tay, khi ăn cơm phải gục mặt xuống ăn như chó”. Tất cả những công việc trong mơ đều là những công việc mà Chương vẫn phải làm thường ngày. Những công việc quá vất vả, nặng nhọc đó trở thành những ám ảnh tâm lý chỉ có thể giải tỏa trong giấc mơ.
VD: Trong truyện ngắn “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Đoài mơ đi giết lợn nhưng giết mãi mà lợn không chết, cứ nhe răng ra cười, rồi bị đuổi đi dọn cứt và bị ngập trong bể cứt đó, “cứt vào cả mồm, cả lỗ tai”. Không gian quái dị đó là sự phản chiếu của không gian sống ngột ngạt, bế tắc trong cuộc sống hiện thực, nơi mà người ta cảm thấy “thối hoắc” mà không thể thoát ra được.
Không gian giấc mơ là nơi để con người thể nghiệm những cảm xúc chân thực của mình, trong mơ không ai lừa dối được chính mình. Vì vậy, kiểu không gian này là một cách mở mẻ để nhà văn thâm nhập vào thế giới nội tâm của con người, điều mà văn học trước kia chưa hề có.
VD: Trong truyện ngắn “Phiên chợ Giát”, lão Khúng mơ thấy mình biến thành kẻ đồ tể cầm dao giết chết có bò khoang mà lão rất mực yêu quý. Giấc mơ khó hiểu đó lí giải cho chính tâm trạng “hoảng loạn triền miên” của lão. Lão Khúng vốn rất yêu quý con bò khoang đã gắn bó với mình hơn 15 năm, phải bán nó đi lão đau khổ lắm, nhưng cảm xúc ấy lão không để lộ ra ngoài cho vợ con thấy. Lí giải giấc mơ, có thể thấy được tình cảm sâu sắc của lão, với lão việc bán con bò như cầm dao giết chết nó và mình cũng mang tội như một tên đồ tể.
Không gian tâm linh còn được thể hiện qua những yếu tố huyền ảo, không xác thực. Kiểu không gian này thường xuất hiện trong kiểu truyện giả huyền thoại, nhại huyền thoại. Chẳng hạn, trong truyện “Con gái thủy thần”, không gian kì ảo đan xen vào không gian thực khiến toàn bộ câu chuyện như một giấc mơ. Hay như truyện “Chảy đi sông ơi” cũng đan cài những yếu tố kì ảo.
4. Sự thay đổi quan niệm thể hiện qua thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, một sáng tạo khách quan trong chất liệu, chịu sự chi phối chủ quan của nghệ sĩ.
Ở văn học sử thi, thời gian nghệ thuật là thời gian tuyến tính, gắn với những sự kiện lịch sử. Có thể thấy, sự phát triển số phận và tính cách của nhân vật gắn liền với sự kiện lịch sử.
Trong văn học Đổi mới, thời gian cá nhân chiếm ưu thế. Có thể thấy các mốc sự kiện lịch sử gần như không xuất hiện, thời gian cũng hẹp lại hơn. Chẳng hạn như trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, thời gian chỉ diễn ra trong vài ngày như truyện “Không có vua”, “Bài học nông thôn”, “Thương nhớ đồng quê”. Có khi thời gian chỉ là một khoảnh khắc trong vài giờ như truyện “Sang sông”. Kiểu thời gian phi tuyến tính cũng xuất hiện nhiều, tiêu biểu như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Ở mức cao hơn thời gian tuyến tính, văn học giai đoạn này còn xuất hiện kiểu thời gian tâm trạng, chảy theo dòng tâm trạng của nhân vật, đặc trưng của kiểu thời gian này là sự hỗn độn, chồng chéo liên hồi, tiêu biểu có thể thấy trong truyện “Tội ác và trừng phạt” của Nguyễn Huy Thiệp.
5. Sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện qua các kiểu nhân vật
Marxim Gorki đã từng nói “văn học là nhân học”, tức là khoa học về con người. bởi vậy, con người và quan niệm về con người là trung tâm của văn học. Con người trong văn học không phải con người tự nhiên trần trụi, cũng không phải con người xã hội chung chung mà là con người cụ thể đã được mã hóa qua cái nhìn chủ quan của người nghệ sĩ, là biểu hiện cụ thể, sinh động quan niệm nghệ thuật và thế giới quan của nhà văn vào con người.
Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người, để thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự cắt nghĩa, lý giải, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó.
Một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời với con người mới, với cách hiểu mới về con người, hoặc bắt đầu bằng việc suy nghĩ lại các khám phá nghệ thuật của những người đi trước. Văn học Đổi mới cũng bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người, đó là điều kiện nảy sinh những kiểu nhân vật mới mà trước kia chưa có.
Văn học 1945 – 1975 với quan niệm về con người anh hùng thì gắn liền với nó là kiểu nhân vật duy nhất – nhân vật sử thi. Văn học Đổi mới với sự thay đổi quan niệm hiện thực, hướng tới con người trần tục, thế sự nên kiểu nhân vật đa dạng hơn rất nhiều.
5.1. Kiểu nhân vật đối lập
Với quan niệm con người không phải thuần nhất đơn diện mà là một bản thể đa diện, phức tạp, tồn tại cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần lẫn ác quỷ”, văn học Đổi mới xây dựng nên kiểu nhân vật đối lập, mâu thuẫn.
VD: Đa số các nhân vật trong truyện “Không có vua” đều là những nhân cách đối lập: Lão Kiền độc ác, dâm dật nhưng lại hi sinh hạnh phúc cá nhân để nuôi các con; Khiêm là kẻ thô lỗ, cộc cằn nhưng lại biết trên biết dưới, giàu tình thương; thậm chí cả nhân vật Đoài vốn bỉ ổi, đê tiện cũng có những phút cao thượng như che chắn cho Sinh khỏi trận đòn của Cấn. Hay truyện “Tướng về hưu”: lão Bổng là kẻ ti tiện, keo kiệt nhưng lại khát khao một nhân cách, cô Thủy tuy lạnh lùng, sắt đá nhưng lại là người phụ nữ biết tính toán, chăm lo cho gia đình.
VD: Trong truyện “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu, lão Khúng là nhân vật điển hình của kiểu nhân cách đối lập với những nét tính cách bảo thủ, cổ hủ xen lẫn tình yêu thương con sâu nặng. Truyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” là phát súng mạnh bắn vào quan niệm nỗi thời, coi con người độc diện, một chiều. Quỳ cả đời đi tìm một thánh nhân nhưng rơi vào bi kịch vì vốn dĩ trong cuộc đời chẳng có ai hoàn hảo đến mức thánh nhân. Ngay cả ở con người mà Quỳ vẫn tôn sùng như một thánh nhân là anh trung đoàn trưởng, Quỳ vẫn phải thất vọng khi thấy anh mặc sà lỏn cho gà ăn, thấy bàn tay ướt sũng mồ hôi của anh và biết rằng anh cũng đi nói xấu người này người khác. Trong chiến tranh, người ta chỉ nhìn con người ở những nét thoáng qua, nhưng Nguyễn Minh Châu đã nhìn kĩ hơn, sâu hơn để thấy rõ hơn những nét đối lập đan xen trong con người, để nhận ra không ai là hoàn hảo.
5.2. Kiểu nhân vật bi kịch
Quan niệm hiện thực thay đổi, hiện thực với nhà văn không còn là những phút huy hoàng chiến thắng nữa mà là “món nộm suồng sã”, bát nháo, hổ lốn. Họ quan tâm nhiều hơn đến mặt trái của “tấm huân chương”. Vì vậy, trong văn học xuất hiện kiểu nhân vật bi kịch.
Kiểu nhân vật bi kịch thường xuất hiện dưới dạng nhân vật con người thừa. Kiểu nhân vật con người thừa vốn đã xuất hiện trong văn học Nga thế kỉ 19 với các đại diện như Lép Tônxtôi, Puskin. Nhưng ở văn học Đổi mới của chúng ta, những con người thừa không phải là “thừa” với giai cấp mình như văn học Nga mà “thừa” với cuộc sống hiện tại. Họ là những anh hùng bước ra từ chiến trận, đã sống trọn một đời vinh quang với bao thử thách ác liệt nhưng lại không thể hòa nhập với cuộc sống thường ngày. Kết cục của họ thường là cái chết hoặc bi kịch vì dù có cố họ cũng không thể hòa nhập.
VD: Nhân vật ông Huấn trong “Tướng về hưu” vốn là một vị tướng bước ra khỏi chiến trận, nhưng ông không thể hòa nhập được trong chính gia đình của mình. Những điều trái tai gai mắt diễn ra, ông không thể hiểu nổi và không giải thích được. Ông không thể hiểu và sống theo cách của những “con người mới” với những trò toan tính nhỏ nhen, thực dụng, những cách sống vô tình. Chính ông đã phải thốt lên: “Sao tôi cứ như kẻ lạc loài?”.
VD: Nhân vật Quỳ trong “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” cũng là kiểu nhân vật bước ra khỏi chiến tranh, nhưng chị dường như không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Vì thế mà chị mắc bệnh mộng du, sống giữa đời thực mà như đang sống trong mơ. Cứ hằng đêm chị lại đi theo “chuyến tàu tốc hành” của riêng mình để về với chiến trường năm xưa.
VD: Nhân vật Cún trong truyện “Cún” của Nguyễn Huy Thiệp phải hứng chịu kiếp bi kịch bẩm sinh là kẻ tật nguyền mua vui cho thiên hạ, đồng tiền ngay trước mặt mà cũng không với tới mà lấy được. Cuối cùng anh phải chết ngoài giá rét trong khao khát một gia đình. Hay như nhân vật Tốn trong “Không có vua” cũng là một kiếp bi kịch khuyết tật, bị anh em trong nhà hắt hủi. Dường như số phận quá nghiệt ngã với họ, họ cũng là một dạng người thừa của xã hội, những người bị hất ra ngoài rìa cuộc sống.
Ngoài bi kịch “con người thừa”, con người trong văn học còn gặp phải nhiều bi kịch khác như bi kịch tình yêu, bi kịch gia đình, bi kịch không tìm thấy giá trị chân chính, bi kịch đổ vỡ, bi kịch của người khuyết tật… Đó là những bi kịch xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống và tâm hồn con người, những bi kịch khó lí giải.
VD: Nhân vật người đàn bà trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là điển hình cho kiểu bi kịch khi con người phải đối mặt với khó khăn cuộc sống sau chiến tranh.
VD: Nhân vật Sinh trong “Không có vua” cũng là điển hình cho kiểu bi kịch gia đình.
VD: Nhân vật Chương trong “Con gái thủy thần” suốt đời đi tìm Mẹ Cả nhưng không thể tìm thấy.
VD: Cái chết của hai cô bé gái trong “Thương nhớ đồng quê” là bi kịch của những giá trị trong trắng trong con người trước văn minh hiện đại.
VD: Trong truyện “Cỏ lau”, vợ chồng Lực và Thai đều là những người tốt đã từng trải qua chiến tranh nhưng lại gặp phải bi kịch tình yêu. Thai thì lâm vào bi kịch suốt đời chỉ yêu được một người. Quảng thì gặp phải bi kịch vợ không yêu mình, nhưng Thai càng chung thủy với tình cũ thì Quảng càng yêu chính sự chung thủy đó của Thai. Đó là bi kịch của chính nhân cách mỗi con người, thứ bi kịch không thể tìm lời giải đáp.
Nếu nhân vật trong văn học 1945 – 1975 được khắc họa trong tư thế làm chủ và vượt lên hoàn cảnh thì nhân vật văn học Đổi mới với bản chất con người thực, họ khó đạt đến tầm phi thường để vượt lên hoàn cảnh. Đa số là những bi kịch không lối thoát.
5.3. Kiểu nhân vật bị hạ bệ hoặc thần tượng bị hạ bệ
Văn học 1945 – 1975 thường khắc họa kiểu nhân vật tượng đài sử thi đại diện cho cộng đồng, bản thân nhân vật tồn tại một cách vững chắc khó lay chuyển. Nhưng văn học Đổi mới lại đi vào hạ bệ các tượng đài, các huyền thoại.
VD: Việc Nguyễn Minh Châu khắc họa nhân vật tôi với thói vị kỉ, lợi dụng cộng đồng để chà đạp lên cá nhân trong truyện “Bức tranh” là một sự hạ bệ đối với quan niệm phẩm chất vĩnh hằng của người chiến sĩ. Ông lại tiếp tục hạ bệ “các thánh nhân” trong quan niệm của mọi người trong truyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” với các hình tượng đầy đối lập như Quỳ, anh trung đoàn trưởng.
VD: Các nhân vật trong truyện ngắn “Sang sông”, “Không có vua” là sự hạ bệ tầng lớp trí thức vốn được xã hội trọng vọng của Nguyễn Huy Thiệp.
VD: Trong các truyện giả huyền thoại của Nguyễn Huy Thiệp cũng là một sự hạ bệ với các huyền thoại.
5.4. Kiểu nhân vật gần gũi với tự nhiên
Trong văn học Đổi mới, các nhà văn thường ác cảm khi quan niệm về hiện thực đời sống văn minh. Nhiều nhà văn cho rằng cái văn minh hiện đại chỉ làm hủy hoại, tha hóa con người. Vì vậy, họ xây dựng lên kiểu nhân vật gần gũi với tự nhiên để đối lập với con người hiện đại vô tình. Đại diện tiêu biểu là Nguyễn Huy Thiệp. Những nhân vật gần gũi tự nhiên trong tác phẩm của ông có đặc điểm chung là bị cắt đứt quan hệ với xã hội hiện đại là nhân vật hiếm hoi còn giữ được tính thiện của mình.
VD: Nhân vật Tốn trong “Không có vua” là điển hình cho quan niệm con người của Nguyễn Huy Thiệp đã đúc kết từ đại văn hào Ruxo, rằng “con người sinh ra tốt đẹp trong tay tự nhiên và tha hóa trong tay xã hội”. Tốn bị cắt đứt mọi quan hệ với xã hội bên ngoài, không tiếp xúc với văn minh đô thị dù sống giữa đô thị, không được học hành, hiểu biết, nhưng lại là người duy nhất trong gia đình lão Kiền giữ được chất hồn nhiên, chất phác. Tốn thậm chí còn không biết đến tiền, cậu từng hỏi Khiêm “tiền là gì?”. Chính vì không biết tiền là gì nên Tốn còn giữ nguyên được bản tính sơ khai nguyên thủy của loài người, sống một cách vô tư, không vụ lợi, thực dụng. Qua sự đối lập giữa Tốn và các anh em trong gia đình, Nguyễn Huy Thiệp đã chứng minh sự hủy diệt nhân cách con người của nền văn minh hiện đại.
VD: Nhân vật Lài trong “Tướng về hưu” cũng là nhân vật duy nhất trong nhà ông tướng còn giữ được tính thiện vì không bon chen với cuộc đời bên ngoài. Chỉ mình cô là chăm sóc, quan tâm đến bà cụ một cách chân tình nhất.
Một thời đại văn học mới được bắt đầu bằng sự thay đổi hệ thống thi pháp. Câu nói của Hoài Thanh “một năm của ta kể như ba mươi năm của người” không chỉ đúng với văn học giai đoạn 1930 – 1945 mà còn đúng với văn học Đổi mới sau 1986. Chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm, văn học nước nhà đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi bình diện, tạo nên những giá trị mới bắt kịp với xu thế văn học nhân loại. Tất cả những thắng lợi trên đều bắt nguồn từ sự thay đổi quan niệm hiện thực của các văn nghệ sĩ. Là những người dẫn đầu thời đại, các nhà văn của chúng ta luôn tiếp thu và tự đổi mới nhân sinh quan, thế giới quan của mình, khiến cho văn học vận động và phát triển không ngừng.

_Đức Long_

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

I will always love you - màn trình diễn hay nhất



Tôi không thích tính õng ẹo của ca sĩ trẻ ngày nay, họ thường đổ lỗi cho chất lượng âm thanh không tốt, quá trình thu hình kém. Thật nực cười, một ca sĩ có giọng hát hay, có kĩ thuật hát tốt thì dù có thu bằng điện thoại thì vẫn cứ hay. Tôi luôn trách Whitney vì sao cô ấy không bao giờ ra dvd tour, cũng chẳng thèm đếm xỉa đến việc edit show. Xem các show của Whitney tôi thấy chất lượng thu hình và thu thanh không tốt, gần như thu chỉ cho có. Đó là những show hiếm hoi được thu, còn lại thì chấp nhận coi fancam. Trong tất cả các show của Whitney, thứ giá trị nhất vẫn là giọng hát. Dù thu với chất lượng tệ đến đâu thì giọng hát của cô ấy vẫn rất tuyệt vời.

I will always love you là ca khúc nổi bật nhất trong sự nghiệp của Whitney và được hát nhiều nhất trong hầu hết các show của cô. Kiếm trên youtube, có thể thấy hàng chục màn live khác nhau của ca khúc này (đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi). Nhưng không live nào giống live nào, mỗi một live là một sự biến hóa khác nhau trong kĩ thuật, cách hát, cách trình diễn và cảm xúc. Tôi vẫn cho rằng Whitney là bậc thầy của việc sáng tạo trong cách hát. Thậm chí, ngay cả lúc mất giọng vào năm 1999, cô vẫn phiêu ca khúc này một cách đầy ấn tượng, cảm xúc mà chưa từng ca sĩ nào làm được khi cover nó. Người ta có thể nhại theo bản thu âm của ca khúc nhưng chẳng ai bắt chước nổi Whitney khi cô hát live nó cho khán giả của mình. Bởi Whitney là người sinh ra nó lần thứ hai, cô thuộc đường đi nước bước của nó và trên hết, cô không bao giờ hát để khoe giọng.

Đối với tôi, màn live hay nhất của I will always love you là ở Chile năm 1994. Cũng phải nói chất lượng thu show này khá LQ, tiếng bị rè, hình mờ và tối om. Nhưng giọng hát và cảm xúc thì khó ai sánh kịp. Đoạn đầu làm người ta khó chịu vì khá rè, nhưng khi Whitney vừa cất tiếng hát lên "If i should stay" thì một sự ấm áp tràn ngập tâm can khán giả, sự ấm áp đến từ một giọng hát mộc mạc, không cầu kì, hoa mỹ. Cô hát không cần nhạc đệm, không cần kỹ thuật cao siêu nhưng vẫn vang đều ở các note, giống như nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói, "ví như cây vĩ cầm Stradivarius". 

Kết thúc màn dạo đầu, mọi thứ chìm vào yên lặng rồi tất cả lại tan chảy theo sự ngọt ngào trong câu hát "And..I..." Tôi đã để ý rất nhiều ca sĩ cover ca khúc này và nhận thấy dù họ có giọng khỏe thế nào, làm tốt đoạn cao trào tới đâu thì vẫn không thể hát trọn vẹn đoạn mào đầu này như Whitney. Chỉ có cô mới đủ sức làm cho nó đầy đặn, không mỏng nhưng vẫn ngọt ngào, mềm mượt như dòng suối có mật. Và có lẽ trong tất cả các màn live, lần này Whitney đã làm tốt nhất. Sự hòa quyện tuyệt vời giữa head voice và falsetto để tạo nên những note đẹp nhất có thể. Whitney hát như đang ru khán giả vào một giấc mơ ngọt ngào vậy.

Rồi những đoạn sau đó, cô hát thủ thỉ, tâm tình như đang tâm sự với khán giả, đó cũng là cách hát thường thấy ở Whitney. "Bittersweet memories, That is all I'm taking with me, So, goodbye, Please, don't cry", đây không phải là lời hát tình ca mà là lời tâm sự với khán giả, Whitney hát cho tình nhân, đó là tất cả khán giả của cô. Rằng những kí ức về tôi là ngọt ngào nhưng cũng cay đắng, đó là tất cả những gì tôi muốn nói với bạn, nếu phải chia tay, xin đừng buồn, tôi vẫn hát mãi cho bạn. Đó là lời tạm biệt của cô với khán giả sau mỗi show diễn.

Về đoạn cao trào của bài hát, Whitney không làm kịch tính như lúc hát ở WMA 1994, có một chút nhẹ nhàng hơn, cô chỉ hát trên quãng A4 nhưng vẫn vang rền cả sân vận động, chắc khỏe đến từng note. Không hề quá sức, gào thét hay cố chứng tỏ vocal, cô hát rất bình thản,thư giãn thanh quản, không cần vận nhiều sức lực nhưng những quãng belting đó vẫn tràn đầy sức sống, như một cơn gió mát thổi đến lòng người. Hai cú head voice chữ "you" phiêu trên F5 tròn và dày, cao vút lên không trung. Rồi cô lại ngừng, lại nhìn khán giả trìu mến với đôi mắt sáng rực lên. Điều đặc biệt ở Whitney lúc cô trình diễn là đôi mắt sáng rực như mặt trời. Cô cười nhẹ rồi phiêu tiếp những quãng head voice ngọt ngào rồi lại trùng xuống ở note F3 sâu lắng. Đây là giai đoạn mà quãng giọng của Whitney mở rộng đẹp nhất, cả về note cao lẫn note trầm. Đoạn long notes head voice cuối cùng, Whitney đã gieo staccato với âm tiết đóng nhưng rất vang và sáng. Đây là khúc head voice kết thúc đẹp nhất mà Whitney làm được, còn đẹp hơn cả bản thu âm studio.

Sân khấu tối đen, quần áo giản dị, mọi thứ không màu mè, chỉ đứng một chỗ và hát, và thu cả thế giới về mình, đó là Whitney Houston.

_Đức Long_

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Gianni Versace Spring Summer 1995 fashion show - đỉnh cao của sự sexy


Chỉ đơn giản là một show thời trang pret a porter (thời trang ứng dụng) với sàn catwalk bình thường, không công phu, không dồn ép nhiều ý tưởng, nhưng bộ sưu tập Xuân - Hè 1995 của ông hoàng Gianni Versace có lẽ là show thời trang gây ám ảnh nhất trong số hàng trăm show mà tôi từng xem. Sự ám ảnh này không đến từ sự màu mè, cầu kì, hoa mỹ, mà đến từ sự độc đáo, sức quyến rũ lạ thường toát lên trong linh hồn mỗi bộ trang phục được trình diễn. Những chiếc corset đậm chất baroque bó sát theo đường cong cơ thể, những bộ suit cách điệu từ trang phục quân đội mang phong cách military đầy quyền lực nhưng quyến rũ và nữ tính đến mê hồn... tất cả các mẫu trang phục phối kết ăn ý với nhau tạo nên một chỉnh thể đầy sức sống, gợi cảm khiến tôi không thể rời mắt dù chỉ một giây.


                                     







Versace vô cùng tinh tế khi bó sát phần eo nhưng lại nới rộng phần trên, thiết kế cầu vai rộng, cứng để nhấn mạnh vào vai, hông, eo của người phụ nữ, giúp tạo ra những phom dáng đồng hồ cát quyến rũ. Dẫu biết thời trang New look của Christian Dior ảnh hưởng mạnh mẽ tới Versace, nhưng tôi vẫn rất bất ngờ khi ông có thể biến tấu nó lên một sự sexy hoàn hảo nhất. Về tính ứng dụng, đây là lựa chọn tuyệt vời cho những thân hình trái lê vốn khó mặc đồ. Về mặt nội dung, Versace vẫn nhất quán được tôn chỉ của mình, khi thông qua cầu vai rộng để nhấn mạnh QUYỀN LỰC PHỤ NỮ bằng trang phục. Không chỉ đàn ông, phụ nữ cũng có thể mặc suit với cầu vai rộng để thể hiện tầm vóc của mình, nhưng phấn chiết eo vẫn giúp họ toát lên sự quyến rũ, mê hoặc của mình. Tuyệt vời hơn nữa, ông còn kết hợp áo suit với quần hot pant bó sát nhưng vẫn đầy sang trọng. Bằng cách này, Versace đã tạo ra những khái niệm sexy kiểu mới dành cho những quý cô Lady thực thụ. Tấy nhiên, đỉnh cao nhất của bộ sưu tập vẫn là những bộ đầm satin, silk, metallic siêu mỏng được cut out thật sâu (theo kiến trúc baroque Phục hưng), bó sát hoặc bồng bềnh, tung lên như mây bay, kết hợp cùng những chiếc jersey sexy. Hình ảnh Linda Evangelista bồng bềnh trong tà váy silk xanh dương mô phỏng mây trời với thiết kế lưng quyến rũ hay Claudia Schiffer sang trọng trong bộ đầm lụa satin ôm sát đính hạt lấp lánh mô phỏng không gian sàn nhảy tuy đơn giản nhưng với tôi là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của sàn catwalk.








Sự phối hợp màu cũng hoàn toàn chuẩn mực, Versace sử dụng các màu sắc lạnh như pastel, pink, shades, navy, sky blue tạo sự thoải mái, mát mẻ trong những ngày hè oi bức. Tôi tự hỏi liệu có phải Versace là người đi tiên phong cho thời trang pastel? Ngoài ra, những hình trái cây, bọ hung, bươm bướm cũng góp phần khắc họa lên hình ảnh trẻ trung, đầy sức sống cho người phụ nữ.







Đây có lẽ là bộ sưu tập duy nhất tôi xem cả trăm lần mà không chán, và mỗi lần xem lại nghiệm ra một vài điều mới mẻ nào đó. Versace là bậc thầy trong việc truyền đạt cảm xúc vào trang phục, đúng như những gì ông đã nói về bộ sưu tập này, "phụ nữ ko cần show off, chỉ cần thể hiện cảm xúc". Dù đã đi qua hàng chục năm, nhưng Gianni Versace vẫn luôn xứng đáng là người định nghĩa sự sexy.
_Đức Long_




Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Whitney Houston - Diva của phúc ca


    Whitney Houston được mệnh danh là diva của những bản tình ca. Quả thực, trong suốt gần 30 năm sự nghiệp cầm ca của mình, Whitney đã để lại cho nhân loại một di sản tình ca bất hủ. Những bản tình ca của Whitney vừa có chất ngọt ngào, du dương của ballad, lại vừa có sự biến tấu, luyến láy của r&b/soul, lại thêm những kĩ thuật thanh nhạc bậc thầy của một diva hàng đầu hòa quyện với cảm xúc dạt dào đến từng câu, từng chữ làm cho người ta dễ đắm say nhưng không dễ dứt ra được. Rất nhiều ca khúc như Saving all my love for you, All at once, Where do broken hearts go, All the man that i need, Run to you, I have nothing, I will always love you… đã làm nên tên tuổi của diva huyền thoại Whitney Houston và trở thành một phần kí ức không thể nào quên của công chúng trong gần 30 năm qua.
    Nhưng Whitney có một tấm lòng rộng lớn, không chỉ hát về tình yêu, cô còn hát rất nhiều ca khúc mang tính động viên, khích lệ mọi người. Cô dành trọn tiếng hát của mình cho nhân loại, đem tiếng hát mạnh mẽ đến thắp sáng những tâm hồn đang cô đơn, bơ vơ, gục ngã, mất niềm tin trong cuộc sống. Tôi xin được gọi cô – Whitney Houston – Nữ hoàng của phúc ca. Có thể nói Whitney như món quà mà Chúa ban tặng loài người để động viên họ bằng âm nhạc. Whitney sở hữu chất giọng bẩm sinh vang, khỏe, dày như một trái núi và cao đến bất tận, lại thêm những kĩ thuật thanh nhạc đẳng cấp và sự tinh tế trong việc xử lí giai điệu, Whitney gần như làm tròn đầy tất cả các note nhạc mà cô từng hát trong phúc ca. Người ta có thể hát cao hơn, thấp hơn, chèn vào nhiều kĩ thuật hơn khi hát lại nhưng không ai có thể làm cho những khúc tráng ca ấy mạnh mẽ, nội lực và trữ tình như cô. Sau đây, tôi xin liệt kê những khúc ca động viên, khích lệ mà Whitney đã từng thể hiện:
1.    Home (1984)
2.    I am changing (1985)
3.    The greatest love of all (1985)
4.    That what friends are for (1986)
5.    He/I believe (1986)
6.    A quiet place (1987)
7.    Hold up the light (1989)
8.    Love will save the day (1988)
9.    One moment in time (1989)
10.     Miracle (1990)
11.    In return (1991)
12.     The star spangled banner (1991)
13.     Battle hymn of the republic (1991)
14.     This day (1991)
15.     Do you hear what i hear (1991)
16.     Jesus loves me (1992)
17.     Don’t cry for me (1994)
18.     Touch the world (1994)
19.     Exhale (1995)
20.     You were loved (1996)
21.    Count on me (1996)
22.     Joy to the world (1996)
23.     Step by step (1997)
24.     There’s music in you (1997)
25.    When you believe (1998)
26.    You’ll never stand alone (1998)
27.     God bless America (1999)
28.     America the beautiful (1999)
29.    Who would imagine a king (2003)
30.     I didn't know my own strength (2009)
31.     Nothing but love (2009)
32.     I look to you (2009)
    Và còn rất nhiều ca khúc nữa, trong đó, nhiều ca khúc đã trở thành hit lớn của Whitney như The greatest love of all, One moment in time, When you believe.
    Trong album debut mang tên mình phát hành năm 1985, Whitney đã cover lại ca khúc The greatest love of all (được thu âm lần đầu bởi ca sĩ George Benson vào năm 1977). Nội dung ca khúc nói về việc giáo dục trẻ em và khích lệ mọi người hãy luôn dựa vào chính bản thân mình, tự tìm lấy một “người hùng” trong mình để thành công trong cuộc sống, không phải dựa dẫm vào chiếc bóng của người khác. Ca khúc đã nhanh chóng nhận được sự yêu mến của công chúng, đạt vị trí số 1 tại Mỹ và Canada cũng như rất nhiều thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng khác. Không chỉ vậy, nó còn được đề cử giải Grammy năm 1987 cho hạng mục Record of the year. Video clip của ca khúc chính là hình ảnh Whitney lúc thơ ấu, được sự dẫn dắt của mẹ, cô bé đã miệt mài tập luyện với đam mê để cuối cùng được trở thành ca sĩ danh giá đứng trên sân khấu. Video này cũng giúp Whitney thắng một giải American Music Award cho hạng mục Favorite soul/r&b video single.

https://www.youtube.com/watch?v=IYzlVDlE72w

 Về mặt thương mại, ca khúc này bán ra được khoảng 2 triệu đĩa đơn và góp phần cho album debut của cô đạt vị trí kỉ lục album debut bán chạy nhất mọi thời đại với khoảng 25 triệu bản. Đây cũng là ca khúc được Whitney rất yêu thích, cô trình diễn nó hàng trăm lần trong suốt sự nghiệp của mình với nhiều phiên bản khác nhau, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời của cô. Đáng chú ý nhất là phiên bản được trình diễn tại lễ kỉ niệm 25 năm hãng thu âm Arista năm 1989, nó được coi như màn live hoàn hảo nhất trong các màn live và được thu lại để cho vào album của hãng. 
https://www.youtube.com/watch?v=XS-BeP1Mb8I

    One moment in time là ca khúc được viết cho Thế vận hội mùa hè năm 1988, được Whitney thu âm tại Hàn Quốc. Có thể nói đây là ca khúc đậm chất “tráng ca” nhất. Tất cả mọi thứ, từ giai điệu, ca từ đến giọng hát đều mang một chất hùng tráng đến không tưởng. Bản thân tôi đã bị ám ảnh bởi ca khúc này từ lúc còn bé, mãi cho đến lớn tôi mới biết người hát nó là ai và kể từ lúc đó tôi bị mê mẩn bởi giọng hát của cô ấy. Nội dung ca khúc thật giản dị, đó là một lời ca khích lệ, động viên mỗi chúng ta hãy giữ niềm tin vào cuộc sống, hãy sống đầy nhiệt huyết, đam mê và biết vượt lên số phận để giành lấy thành công. Đừng gục ngã bạn ạ, hãy vượt qua tất cả bằng sức mạnh của chính mình! Tôi mê mẩn ca khúc này ở giai điệu của nó, như một thứ ma thuật kì lạ khiến tôi không thể dứt ra được. Tôi cảm nhận được sự vĩ đại và cả một bầu nhiệt huyết sôi sục chảy trong từng note nhạc. Mạnh mẽ nhưng không khô cứng như lời hiệu triệu mà lại da diết như một lời tâm tình. Còn cái cách mà Whitney thể hiện ca khúc mới tuyệt vời làm sao! Cô hát nó với chất giọng rất đặc biệt, dày nhưng lại ngọt ngọt và có chút gì đó nũng nịu mang hơi hướm đồng quê (nhưng không hề yếu đuối). Giống như mang cả một bầu trời vào giọng hát vậy. Tôi chỉ có thể nói rằng đó là chất giọng đẹp nhất của một nữ thần. Hãy để ý chỗ “when all of my dreams are a heartbeat away”, cái cách mà cô ấy nhấn và luyến vào chữ “are a heartbeat”, một cảm giác thật khó tả. Whitney đã trình diễn ca khúc này 3 lần, trong đó kinh điển nhất là màn live tại Grammy 1989 đã được chọn vào 1 trong 3 màn live hay nhất lịch sử Grammy và đem lại danh hiệu The Voice cho Whitney. Tôi cho rằng, chính nhờ màn biểu diễn này mà người ta phong tặng danh hiệu Diva cho Whitney. Như vậy, cô là diva đầu tiên của nhạc nhẹ (trước đó từ diva chỉ trao cho nữ ca sĩ opera). Nếu bạn xem màn trình diễn này, bạn sẽ choáng ngợp trước The Voice, cô bước ra trong bộ đầm trắng ôm sát, đứng trước cả một dàn nhạc phía sau nhưng lại rất tự nhiên, có thần thái của một ca sĩ có khả năng làm chủ sân khấu hoàn hảo. Đoạn cao trào, cô cất những note cao (Eb5, D5, C#5) thật khỏe khoắn, chắc nịch và vang rền cả khán phòng. Có thể nói kĩ thuật hát vang (resonance) và sự cân bằng giữa giọng ngực (chest voice) với giọng đầu (head voice) của Whitney trong màn live này đã đạt đến độ chuẩn mực. Bài hát được kết thúc bằng hai khúc long note C#5 chữ “free” kéo dài đến bất tận cộng hưởng với dàn nhạc đã diễn đạt trọn vẹn sức mạnh một con người. Chưa ai có thể hát được như Whitney ở khúc đó. Ca khúc cũng được đề cử một giải Grammy cho hạng mục Best pop vocal female. Về mặt thương mại, ca khúc đã phát hành được khoảng 1 triệu 500 nghìn đĩa đơn trên toàn thế giới. Đối với tôi, đây là ca khúc hát về thể thao hay nhất từ trước đến nay.

https://www.youtube.com/watch?v=b68AkJtjdPs

    Năm 1991, Whitney được lựa chọn để hát The star spangled banner – quốc ca chính thức của nước Mỹ tại sân vận động Tampa cho trận Super Bowl XXV. Mục đích của việc này để gây quỹ từ thiện cho binh sĩ tham gia cuộc chiến vùng vịnh Ba Tư và gia đình của họ. Cô xuất hiện rất giản dị và khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao màu trắng trước 73.813 người hâm mộ. Không màu mè, hoa mỹ, nhưng ngay khi cất tiếng hát, cô dường như thu cả vũ trụ vào mình để rồi lại tỏa ra nhưng ánh sáng chói chang của niềm tin và chiến thắng. Cô hát quốc ca với tất cả lòng yêu nước và yêu hòa bình của mình. Trong bản quốc ca này, cô đã vận dụng những kĩ thuật hát đẹp của Bel canto (một dòng opera của Ý), với điều này tôi cho rằng Whitney là ca sĩ nhạc pop duy nhất đã vận dụng Bel canto vào nhạc pop. Giọng hát của Whitney lúc đó được ví như tiếng bom nổ, mạnh mẽ, nội lực, vang rền và tuôn ra như một dòng suối mượt mà. Những lúc cao trào, cô belting (đẩy giọng ngực) lên một cách khỏe khoắn, lướt những quãng head voice (giọng gió) cao vút đến E5 – A5, nhưng rồi lại hạ thấp giọng nhẹ nhàng như lời tri ân đến mọi người. Cô kết thúc ca khúc bằng khúc long notes 11 giây kéo dài chữ “brave” mãi mãi như tiếng gọi của hòa bình. Màn biểu diễn này đã thành công vang dội đến nỗi hãng thu âm Arista đã thu lại như một đĩa đơn và video trình diễn của Whitney. Màn trình diễn này đã thu hút được sự hưởng ứng rất tích cực từ tất cả các nhà phê bình âm nhạc, họ cho rằng đây là màn trình diễn quốc ca tốt nhất trong lịch sử âm nhạc và là chuẩn mực cho các ca sĩ hướng theo. Bản quốc ca này đã đạt được nhiều thành tích:
    Đứng thứ 59 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất trên truyền hình do VH1 bình chọn năm 2002.
    Đứng thứ 12 trong top 100 khoảnh khắc làm rung chuyển truyền thông do VH1 bình chọn năm 2003.
    Đứng thứ 1 trong top 25 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử âm nhạc do Rolling Stone bình chọn năm 2003.
Đứng thứ 8 trong top 100 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử Super Bowl do ESPN.com bình chọn năm 2005.
Đứng thứ 7 trong top 10 khoảnh khắc vĩ đại nhất lịch sử âm nhạc do TV Land bình chọn năm 2006.
Đứng thứ 2 trong top những màn trình diễn quốc ca hay nhất 40 năm lịch sử Super Bowl do USA Today Sports Weekly bình chọn năm 2007.
Đứng thứ 2 trong top 5 màn trình diễn hay nhất lịch sử Super Bowl do Blender bình chọn năm 2009.
Đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng BB hot 100 single (màn trình diễn quốc ca đứng cao nhất trên BB hot 100 single)
Về mặt thương mại, đĩa đơn của ca khúc đã phát hành được 1 triệu 200 nghìn bản chỉ tính riêng tại Mỹ, được RIAA chứng nhận (bản quốc ca bán chạy nhất lịch sử).
Beyonce và Lady Gaga cũng từng thừa nhận họ chịu ảnh hưởng lớn từ Whitney khi nghe bản quốc ca này.
Tôi không phải kẻ phản bội Tổ quốc, nhưng tôi cho rằng đây là bản quốc ca hay nhất mà tôi từng được nghe. Thậm chí vì quá đam mê mà tôi đã từng học hát theo lời bài hát và liên tục hát theo Whitney trong một thời gian dài.

https://www.youtube.com/watch?v=Z1QmeEdFOSc

    Năm 1998, Whitney đã song ca với diva đàn em Mariah Carey ca khúc When you believe. Đây là ca khúc được sáng tác bởi Stephen Schwartz dành cho phim hoạt hình “Hoàng tử Ai Cập” (1998). Bài hát này ban đầu do Sally Dworsky và Michelle Pfeiffer thể hiện trong phim, bản của hai diva có ở phần credit và được phát hành single. Nội dung bài hát là khích lệ lòng tự tin trong mỗi con người, giúp họ có thể vượt qua nhiều chông gai thử thách mà họ nghĩ mình không thể làm được miễn là họ có niềm tin vào cuộc sống, vào những “phép màu”. Trong bài hát này, Whitney thể hiện quãng trầm từ F#3 đến F#5, nhường lại những quãng gió cao cho Mariah Carey. Lúc này, giọng Whitney đã đi xuống nhiều, không còn mạnh mẽ và cao trào như trước đây, nhưng với sự tinh tế của một diva lão làng, cô biết cách truyền tải cảm xúc một cách hoàn hảo nhất mà không cần đến những note cao. Suốt phần hát đầu tiên, cô hát với quãng trầm, mượt mà như một dòng suối nhưng chen lẫn hơi thở khiến người nghe cảm thấy ấm áp trong tâm hồn. Dù trong bản song ca này, Mariah có vẻ vận dụng nhiều kĩ thuật hơn, nhưng tôi yêu sự bình dị, mộc mạc, chân thành và cảm xúc thấu tận tin gan trong tiếng hát của Whitney hơn. Tuy không thành công lắm ở châu Âu, nhưng bài hát rất có ảnh hưởng tại châu Á và nhận được một giải Oscar cho bài hát hay nhất trong phim, được đề cử một giải Grammy cho hạng mục Best pop collaboration with vocals. Nó cũng đạt vị trí thứ 14 tại bảng xếp hạng BB hot 100. Ngày nay, nó vẫn thường xuyên được sử dụng trong các cuộc thi cũng như các sự kiện âm nhạc. Nhờ ca khúc này mà chúng ta được chứng kiến màn song ca giữa hai diva của lịch sử nhạc pop.


https://www.youtube.com/watch?v=LKaXY4IdZ40

    Trên đây là bốn ca khúc động viên, khích lệ phổ biến của Whitney. Ngoài ra, Whitney còn hát rất nhiều bài hát sưởi ấm trái tim người nghe bởi cô là quà tặng từ Chúa, là sứ giả ban phát niềm tin và nghị lực bằng tiếng hát của mình. Dù cô ấy đã ra đi nhưng những khúc ca bất hủ ấy vẫn mãi vang vọng theo năm tháng. Tiếng hát ấy chỉ biến mất khi niềm tin không tồn tại nữa.

 

_Đức Long_