Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Phong cách thơ Chế Lan Viên qua bài thơ Chim lượn trăm vòng (Tiểu luận năm thứ 3 đại học)



          Chế Lan Viên là một nhà thơ, nhà lí luận xuất sắc có vị trí quan trọng và đóng góp vô cùng to lớn đối với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Thi nhân xuất hiện trên bầu trời văn học như một vì sao có ánh sáng khác lạ, nổi bật với một phong cách tài hoa, đầy chất trí tuệ, suy tư và sức tưởng tượng mãnh liệt.

          Đời thơ Chế Lan Viên là một con đường quanh co “trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ”. Nhưng tựu chung lại, có những nét phong cách lớn đã đi sâu vào tư duy, suy nghĩ và trở thành phẩm chất, làm nên bản sắc thơ độc đáo của hồn thơ Chê Lan Viên. Thơ ông là sự tổng hòa giữa xúc cảm và trí tuệ được thể hiện qua khuynh hướng suy tưởng-triết luận suy tưởng. Nhà thơ khai thác triệt để các so sánh, tương quan đối lập và có biệt tài trong việc sáng tạo hình ảnh thơ nhờ trí tưởng tượng và liên tưởng phong phú, sâu sắc của mình.
          Ánh sáng và phù sa là tập thơ xuất sắc, đánh một dấu mốc quan trọng trên chặng đường thơ của Chế Lan Viên, “là kết quả đẹp đẽ của hàng chục năm Chế Lan Viên kiên trì tự cải tạo con người cũ, đau đớn chật vật, tự lột xác để có được cuộc trở về vĩ đại giữa lòng dân tộc”. Kể từ tập thơ này, nhà thơ “đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng”đồng thời tự định hình, khẳng định phong cách của mình.
          Một trong những bài thơ hay và có giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong tập Ánh sáng và phù sa phải kể đến bài thơ Chim lượn trăm vòng được sáng tác vào khoảng những năm cuối thập niên 50, khi nhà thơ được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện đi chữa bệnh ở nước ngoài. Bài thơ là tiếng lòng chân thành đầy xúc động của người con xa xứ dành cho Tổ quốc kính yêu. Xuyên suốt bài thơ là một giọng chiêm nghiệm, là cái tôi triết lí – suy tưởng sâu sắc hòa quyện những tình cảm chính chắn.
          Thế giới hình ảnh của Chế Lan Viên vô cùng phong phú nhưng đa số là những hình ảnh tưởng tượng mang tính ẩn dụ, biểu tượng, những hình ảnh thực chiếm số ít trong thơ ông. Ngay từ tiêu đề bài thơ đã là một hình ảnh mang tính “mộng ảo”. “Chim lượn trăm vòng” không hề có thực, đó là hình ảnh bước ra trong giấc mơ của thi nhân khi ở nước ngoài muốn hóa thân làm cánh chim bay về lượn quanh đất nước cho thỏa nỗi nhớ mong. Hình ảnh “cánh chim” vì thế mà chứa chan biết bao tình yêu thương của nhà thơ dành cho Tổ quốc.
Cánh thơ tôi thoát khỏi phòng nhỏ bé
Lượn trăm vòng trên Tổ quốc mênh mông
          Dù đang ở một nơi rất xa, nhưng nhà thơ vẫn hướng về Tổ quốc yêu thương. Mặc cho sự bất lực về thân xác, nhưng tâm hồn thì vẫn thỏa sức bay lượn từ không gian hẹp đến không gian rộng nhờ sức mạnh của trí tưởng tượng.
          Chế Lan Viên đã sử dụng thủ pháp so sánh đến một mức tối đa và triệt để, biến hóa một cách đa dạng và nâng nó thành một nghệ thuật biểu hiện thơ độc đáo, làm nên phong cách riêng đậm chất trí tuệ của mình. Tăng cường sáng tạo hình ảnh bằng so sánh là biện pháp nghệ thuật quen thuộc của đa số các nhà thơ. Nhưng với Chế Lan Viên, ông sử dụng thành công lối so sánh kép, so sánh tầng bậc nhờ liên tưởng phóng túng, từ đó tạo ra những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào
Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ
Con ngọc trai đêm hè đáy bể
Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu
          Trong bốn câu thơ trên, nhà thơ sử dụng thủ pháp so sánh kép “bộ ba”, tức là hai đối tượng được đặt trong thế so sánh với một đối tượng trên một sự tương đồng về phẩm chất nào đó. Đối tượng thứ ba được tạo ra nhờ trường liên tưởng phong phú của nhà thơ. Và sự so sánh này hoàn toàn hàm ẩn, không phải so sánh hiển ngôn, nhờ thế chiều sâu của tứ thơ càng được mở rộng.
          Đối tượng thứ nhất được so sánh là “tâm hồn” của thi nhân “khi Tổ quốc soi vào”, khi được sống, được trở về với đất nước, với cách mạng, được  hòa mình trong lòng nhân dân cũng giống như “con ngọc trai…uống thủy triều bỗng sáng hạt châu”.  Nếu biển cả là nguồn sống biến “con ngọc trai” tỏa sáng rực rỡ thì Tổ quốc cũng là cội nguồn bao la nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân ngày càng đẹp hơn, tràn ngập ánh sáng và lí tưởng cao đẹp. Đó cũng là lúc nhà thơ tự suy ngẫm về mình, về lối đi của mình dưới ánh sáng của cách mạng, trong vòng tay của đất mẹ để nhận ra mình cũng như “con ngọc trai” đón nhận nguồn sống mới để đổi thay, để hướng tới cái đẹp, cái lí tưởng.
          Đối tượng thứ hai được so sánh một cách kín đáo hơn mà nếu không để ý kĩ sẽ khó mà thấy được. Một con trai thường phải mất hàng chục năm để tôi luyện từ một hạt cát tầm thường thành viên ngọc quý giá. Tổ quốc cũng giống như con trai, đã phải trải qua biết bao năm tháng đau khổ, khó khăn. Nhưng những khó khăn trong quá khứ chỉ là những thử thách để tôi luyện đất nước và con người Việt Nam ngày càng đẹp hơn, để hôm nay nhìn vào “thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ”. Từ đó ta cũng thấy rằng quá trình chuyển biến tư tưởng của Chế Lan Viên cũng không hề dễ dàng gì. Đã có một giai đoạn nhà thơ “im tiếng” (1945 – 1958) để tự kiểm điểm, tự xoay chuyển mình. Đó là cả một quá trình khổ luyện để từ bỏ những tư tưởng cũ, đến với ánh sáng của nhân dân, của cách mạng, của những lí tưởng mới.
          Để tạo được sự so sánh sâu sắc nhiều tầng bậc như vậy, nhà thơ phải biết nhìn sâu vào bản chất, nắm bắt được quá trình, đặc điểm bên trong của các đối tượng so sánh, đồng thời phải có một trí tuệ sắc sảo để xâu chuỗi mọi sự kiện lại với nhau, làm sao để nghĩa mặt chữ chỉ là nghĩa bề nổi, còn đằng sau ẩn giấu những tầng ý nghĩa khác. Hình ảnh thơ được gọi về từ cái nhìn sâu xa như thế thường đa nghĩa, ẩn chứa và đầy sức gợi. Người đọc muốn hiểu thơ Chế Lan Viên phải hiểu ở “cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa” và phải hiểu rồi mới cảm. Thơ Chế Lan Viên bao giờ cũng đặt tư duy đi trước kéo cảm xúc theo sau, nếu không tư duy để hiểu thì khó mà cảm được thơ ông. Kết cấu các câu thơ hoàn toàn chặt chẽ, khúc triết không thể tách rời, dựa vào một ý trung tâm để gọi ra các hình ảnh khác theo trường suy tưởng như một “trùm pháo hoa”.
Chim đang bay dừng cánh giữa ngày đau
Tôi vắng đến bên mình Tổ quốc
Nhưng mỗi ngày tim tôi vẫn mọc
Theo vầng dương trên đất nước mỡ màu
          Một trong những đặc trưng trong phong cách thơ Chế Lan Viên là dùng từ lạ hóa. Không phải “vẫn hướng về Tổ quốc” mà là “vẫn mọc”. Cách tạo từ độc đáo tạo ấn tượng mạnh cho người đọc và truyền đạt những ý nghĩa sâu sắc. “Mọc” tức là đi lên, hướng lên, là sự trỗi dậy của sự sống. Tổ quốc chính là nguồn sống, nguồn ánh sáng để trái tim nhà thơ hướng về tìm kiếm sức mạnh chiến thắng nỗi đau bệnh tật. Chỉ cần mỗi ngày được trông về đất nước là có thể tiếp thêm niềm an ủi cho thi nhân nơi đất khách quê người. “Chỉ cần có Tổ quốc, tôi không còn cô đơn”.
          Vượt qua sự bất lực của thể xác, tâm hồn thi nhân tung cánh bay về quanh đất nước bằng đôi cánh của trí tưởng tượng phong phú. Nhà thơ về lại những vùng đất trước kia đã qua.
Tôi trở lại giữa rừng sâu Việt Bắc
Chim bắt-cô ơi! đâu chỗ Bác ngồi?
Đây có phải vườn tăng gia của Bác?
Mỗi tấc rừng đều có ánh dương soi

Tôi đến trước đồi Điện Biên rực lửa
Cỏ mùa xuân che lấp chỗ anh nằm
Đất Tổ quốc quý từng dòng máu đổ
Hết một mùa chiến dịch, lại thành xuân
          Những địa danh được nhắc tới đều là những chứng nhân lịch sử của dân tộc. Nhà thơ hướng về đất nước cũng là hướng về Bác, hướng về những người chiến sĩ đã hi sinh, với nhà thơ đó là những biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam. Nhà thơ biết rằng Bác là kết tinh trí tuệ và phẩm chất của cả dân tộc và với một đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh thì hình tượng phổ biến là anh bộ đội cụ Hồ. Đó là những suy tư sâu sắc của nhà thơ về hình tượng đất nước.
Chế Lan Viên ưa dùng cách nói ẩn ý, để ý ở ngoài lời, ở khoảng trắng giữa các con chữ chứ không nói một cách trực tiếp. Hai câu thơ cuối là tình cảm, là lòng ngợi ca của nhà thơ dành cho những chiến sĩ đã chiến đấu và hi sinh quên mình. Từng dòng máu anh đổ xuống làm nên “cỏ mùa xuân”, anh hi sinh trong thầm lặng chỉ có cỏ mọc “che lấp chỗ anh nằm”. Nhưng mỗi chiến công của anh đã góp phần làm nên “mùa xuân” cho đất nước. Anh nằm xuống để Tổ quốc đứng lên, để nhân dân được ấm no hạnh phúc. Ý thơ của Chế Lan Viên kín đáo, sâu xa, không bộc lộ thẳng thắn như thơ Phạm Tiến Duật:
Đi qua hết tuổi thanh xuân
Để lại trong rừng những gì quý nhất
Mất tất cả để nhân dân không mất
          Nếu trong thơ Phạm Tiến Duật, cảm xúc ùa đến ngay khi những con chữ đập vào mắt thì với thơ Chế Lan Viên, ta phải giải mã được tín hiệu thơ để hiểu rồi mới thấm, mới cảm được.
          Đi hết những vùng đã qua, sức mạnh của trí tưởng tượng đưa nhà thơ đến cả những nơi chưa hề tới.
Tôi đến cả những vùng xưa chẳng đến
Mây trời Miên, trời Việt nối biên thùy.
Rừng thốt nốt ủ đoàn quân tình nguyện
Mẹ già Miên giấu lệ tiễn con đi.

Đây bát ngát Trường Sơn nằm giữa
Hai chị em Lào - Việt hai bên,
Rừng tươi mát như mẹ hiền lắm sữa
Nghìn chiến khu từng nương bóng mẹ hiền.
          Để thể hiện chất triết luận và tư duy sắc sảo, Chế Lan Viên thường đặt các đối tượng trong thế đối lập tương phản hoặc đơn giản chỉ là một sự đối lập cân xứng giống như hai cán cân. Trong hai khổ thơ trên, sự cân xứng đối lập được tạo ra từ hình ảnh “mây trời Miên, trời Việt” và “hai chị em Lào – Việt”. Hai vế sự vật nằm cân xứng như hai mặt của một tờ giấy không thể tách rời, qua đó tác giả ngợi ca tình gắn bó hữu nghị giữa Việt Nam với hai nước Đông Dương còn lại. Bằng thủ pháp nhân hóa, nhà thơ ví tình cảm Việt – Lào như chị em, đó là tình cảm máu mủ ruột thịt, thắm thiết giữa người thân trong gia đình, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
          Dù là những chuyến đi trong tưởng tượng nhưng trình tự sắp xếp của Chế Lan Viên rất logic, chuẩn xác, có suy nghĩ chứ không hỗn độn, mông lung. Nhà thơ về lại những nơi đã từng đến rồi mới đến những nơi chưa tới, đi dọc đất nước từ Bắc vào Nam Tôi về giữa miền Nam trời của mẹ/Miền Nam ơi! Nửa vạt áo mưa dầm, ghé thăm hai nước bạn trong cùng khối Đông Dương, đi qua đất liền rồi mới ra tới biển Tôi ra bể, cá nồng hơi gió bể/Sóng du dương ca đất nước mạnh giàu. Không chỉ đi trong không gian, nhà thơ còn đi vượt thời gian về quá khứ nơi rừng Việt Bắc, đến cá tương lai “những hải cảng lắm tàu”. Không gian, thời gian của các chuyến đi cứ thế mà được mở rộng dần. Qua đó tác giả thể hiện một cách sâu sắc hành trình thay đổi tư tưởng của mình từ chỗ “nhỏ bé” đến với quần chúng, với nhân loại “rộng lớn”.
          Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên còn được tạo nên từ mạch ngầm của tứ thơ. Như đã nói, kết cấu bài thơ của Chế Lan Viên rất chặt chẽ, khúc triết không thể tách rời, nếu xâu chuỗi các hình ảnh lẻ với nhau sẽ có một hình ảnh lớn mang sức khái quát cao. Trong suốt bài thơ là sự xuất hiện liên tục của các từ, cụm từ thuộc trường “ánh sáng, vươn dậy, sức sống” như: “mọc, vầng dương, ánh dương, mùa xuân, hết đêm rồi, tiến lên, sống lại, trỗi mình, lớn lên, tay vươn”. Chế Lan Viên từng nói “Quang năng không làm hại gì đến trang thơ và dù trang thơ viết về bóng đêm cũng nên viết nó dưới nguồn điện sáng”, cả bài thơ thực sự đã tràn ngập ánh sáng, đó là ánh sáng của vầng thái dương không bao giờ tắt, là ánh sáng của tương lai rực rỡ, huy hoàng. Xét trong trường hẹp, đó là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng của chính tác giả.
Hết đêm rồi đời lật giở qua trang
          Đến với Đảng, tắm trong nguồn “phù sa” dạt dào của nhân dân, nhà thơ đã từ bỏ bóng đêm của quá khứ, tự thay đổi chính mình để co một cuộc đời mới. Kể từ bây giờ, tâm hồn nhà thơ sẽ luôn hướng về phía ánh sáng, về biển lớn quần chúng để sống một trang đời mới.
Đời lớn lên rồi cổ quàng khăn đỏ
          “Khăn đỏ” là hình ảnh mang tính biểu tượng. Có thể nhà thơ đã lấy hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ của Đội thiếu niên nhi đồng, suy luận ra bản chất của nó để đặt vào một trục suy tưởng. Từ đó muốn thể hiện tâm hồn mình đã hướng về Đảng. Chỉ đến đến bây giờ nhà thơ mới thật sự “lớn lên”, lớn lên trong ánh sáng của Đảng, nuôi dưỡng bằng phù sa của nhân dân. Với những hình ảnh ẩn dụ, mơ hồ và đầy chất suy luận nhưu vậy thật khó để hiểu hết nghĩa.
          Xét trong trường rộng, tập hợp các từ như vậy nhằm ca ngợi ý chí kiên cường của dân tộc ta, đất nước ta. Trải qua biết bao bóng đêm đau khổ bị quân thù dày xéo nhưng chúng ta không chùn bước. Nhân dân ta vẫn bằng đôi tay của mình tự đi lên, tự vươn mình đứng dậy xây dựng tương lai cho đất nước giàu đẹp hơn. Tương lai của đất nước được nhà thơ liên tưởng bằng những hình ảnh rất phong phú, đó là  những hải cảng lắm những con tàu chở đầy hạnh phúc, là những màu chiêm bội thu ngập tràn tiếng cười và cánh bồ câu. Tiếng cười là biểu hiện cho niềm vui còn cánh bồ câu là biểu tượng của hòa bình, mùa lúa chiêm là sự no ấm của nhân dân, đó là những mơ ước của nhà thơ nhưng được nói một cách hình tượng qua những liên tưởng rất xa. Nhà thơ đã tạo ra một loạt những hình ảnh tràn đầy sức sống, đầy sức gợi bằng một loạt các thủ pháp so sánh, nhân hóa.
Ga chết rồi tàu kêu ga sống lại
Cầu trỗi mình theo nhịp búa trăm cân

Xe như ong bay  mật đến công trường
Mùi gỗ mới quyện màu sơn ngói đỏ
Ống khói dài như những cánh tay vươn
          Chế Lan Viên ưa dùng so sánh, chỉ tính những so sánh hiển ngôn, trong bài thơ có đến 7 từ “như” xuất hiện ở các câu thơ “Rừng tươi mát như mẹ hiền”, “Đây tương lai như hải cảng lắm tàu”, “Ôi! Tương lai như hải cảng lắm tàu”, “Ôi! Tương lai như mùa chiêm lắm thóc”, “Xe như ong bay mật đến công trường”, “Ống khói dài như những cánh tay vươn”, “Tôi yêu quá! Cuộc đời như con đẻ”, “Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng”, chủ yếu là các so sánh diễn ra ở trường liên tưởng. Nhờ đó các hình ảnh thơ liên tiếp hiện ra, hình ảnh này gọi ra hình ảnh kia như “chùm pháo hoa” tạo ra một thế giới hình ảnh rộng lớn, phong phú, đa dạng và giàu tính biểu tượng, đa nghĩa. Trong đó có những sự so sánh mang đậm chất suy tưởng đòi hỏi người đọc phải hiểu xa hơn mới thấy được những gì tác giả muốn thể hiện.
Tôi yêu quá! Cuộc đời như con đẻ
Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng
          Hai câu thơ trên sử dụng thủ pháp so sánh kép, một trong những kĩ thuật “biệt tài” của Chế Lan Viên. Khi nhà thơ nói yêu cuộc đời “như con đẻ” là đã tự so sánh tình yêu của mình với tình mẫu tử, như vậy tình yêu đó cũng là một tình yêu bao la, rộng lớn và bền chặt như tình mẫu tử vậy. Còn tình yêu được ví như “đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng” là thứ tình yêu son sắt, tràn đầy sự hồ hởi, say mê, nồng nhiệt. “Cuộc đời” ở đây là cuộc đời khi có Đảng, có cách mạng. Tình yêu với cuộc đời cũng là tình yêu với Đảng, với đất nước.
Cả lòng tôi là một dải sông Hồng
          Vẫn là một sự so sánh liên tưởng và như mọi lần, nhà thơ nắm bắt rõ bản chất và các mối tương quan vận động bề sâu của đối tượng so sánh bằng chất trí tuệ, hiểu biết phong phú của mình. Nếu nhân dân là biển lớn thì tấm lòng thi nhân là “một dải sông Hồng”. Sông thì bao giờ cũng đổ ra biển, là một phần của biển và ngược lại, biển đi vào sông. Sông và biển tuy là hai đối tượng nhưng luôn hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Không có biển thì không có sông và ngược lại. Đó cũng chính là mối quan hệ giữa nhà thơ và quần chúng.
          Chim lượn trăm vòng thực sự là một bài thơ xuất sắc và tiêu biểu cho phong cách của Chế Lan Viên. Bằng trí tuệ sắc sảo, những suy luận sâu xa và một trí tưởng tượng mạnh mẽ, nhà thơ đã sáng tạo nên hàng loạt những hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ đầy sức gợi và ẩn giấu cả một thế giới nội dung, ý nghĩa. Chất trí tuệ làm cho bài thơ đôi lúc có nhiều chỗ khó hiểu, khó cảm, nhưng đó là nhà thơ muốn người đọc cũng phải tư duy cùng mình, bóc tách mọi vấn đề để hiểu, từ đó sự cảm nhận tứ thơ sẽ sâu sắc hơn. Qua những hình ảnh thơ, ta thấy được tình yêu lớn lao của Chế Lan Viên dành cho tổ quốc, cho nhân dân và thấy được sự tự biểu hiện quá trình vận động, biến đổi tư tưởng của thi nhân cũng như của đất nước. Đọc bài thơ, ta hiểu hơn về một hồn thơ tài hoa, trí tuệ, người đi đầu cho nền thơ lí luận trong văn học Việt Nam.

_Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét