Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Tiểu luận năm thứ 4 đại học)



Con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Có thể hiểu nhân vật văn học là hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Từ góc nhìn nhân vật giúp người đọc nhận biết rõ hơn về tài năng cũng như tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Mỗi nghệ sĩ tài năng sẽ có những thủ pháp xây dựng nhân vật mang đặc trưng phong cách nghệ thuật riêng của mình.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiên phong đặt nền móng cho con đường đổi mới nền văn học Việt Nam. Tuy có một thời kì từng bị giới văn học phê phán vì lối văn chương quá mới, không đi theo truyền thống vốn có. Nhưng trải qua thời gian,  người ta đã phải nhìn nhận lại những đóng góp và giá trị sâu sắc trong các sáng tác của ông đối với nền văn học nước nhà. Một trong những tìm tòi đổi mới lớn nhất của Nguyễn Minh Châu là sự thay đổi về nghệ thuật xây dựng nhân vật. 

Từ vai trò của những khách thể với tính cách định hình trong các sáng tác trước 1975, nhân vật truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu được miêu tả như những “chủ thể tự nó” với những bí ẩn khôn lường, những diễn biến phức tạp của quá trình vận động tâm lí, tính cách… Trong lí luận văn học gọi đó là kiểu nhân vật không được lí giải sẵn. Với sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, Nguyễn Minh Châu đã đến với nhân vật từ góc độ tiếp cận nhân bản. Sau một chặng đường lao động nghệ thuật nghiêm túc, Nguyễn Minh Châu đã cho ra đời những tác phẩm có giá trị mà tiêu biểu là truyện ngắn Bức tranh.
Khi xây dựng nhân vật, độc thoại nội tâm được nhà văn tăng cường sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu để khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật. Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong của tâm hồn nhân vật tự nói với mình, tự bộc lộ những suy tư thầm kín, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí, nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó.
Thủ pháp nghệ thuật này không phải là mới mẻ. Đại thi hào Nguyễn Du cách đây hơn 200 năm đã từng sử dụng độc thoại nội tâm để miêu tả tâm lí và khắc họa tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều và tới trước năm 1945, nhà văn Nam Cao đã đặc biệt thành công trong cách dùng độc thoại nội tâm để xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của mình. Trong giai đoạn văn học 1945 – 1975, do hoàn cảnh của kháng chiến trường kì nên con người được đặt trong những không gian xã hội, trong mối quan hệ với hoàn cảnh lớn của lịch sử dân tộc. Nhân vật mang tính sử thi, sống cho cộng đồng là chính nên ít có điều kiện và nhu cầu sống riêng với bản thân mình trong những suy tư, trăn trở của đời sống nội tâm. Đó là những con người có lí tưởng và có phẩm chất cách mạng cao đẹp, có hành động anh hùng, những con người – xã hội được nhà văn tiếp cận theo khuynh hướng sử thi, những tính cách nhân vật đang dần bộc lộ theo diễn biến hoàn cảnh bên ngoài, trong những hành động hướng ngoại. Do vậy mà các nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước 1975 cũng ít khi được miêu tả thật sâu trong đời sống nội tâm.
Từ sau 1975, hướng tới con người trong bản chất Người, trong những mối quan hệ phức tạp của thế giới tương quan, tương thông, nhà văn không thể chỉ đóng vai trò khách quan, đứng ngoài quan sát, miêu tả nhân vật chỉ bằng những hành động hướng ngoại, mà còn phải thể hiện sao cho nhân vật trở thành “chủ thể tự nó”, tự soi chiếu, phán xét bởi ý thức hướng nội. Hơn bao giờ hết, thủ pháp độc thoại nội tâm càng tỏ ra hữu hiệu, giúp Nguyễn Minh Châu phơi bày nội tâm nhân vật, mô tả nó từ bên trong, len lỏi vào bề sâu tâm lí nhân vật với những diễn biến phức tạp, phong phú, bí ẩn của nó. Nói như Bakhtin: “Không thể biến con người sống thành một khách thể câm lặng, khách thể của một nhận thức vắng mặt, một nhận thức hoàn kết. Ở con người bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hoạt động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể nào xác định được từ bên ngoài, từ sau lưng con người”. Phải để con người tự nói về nó, đó là điều mà Bakhtin đề nghị, và trong những nhân vật truyện ngắn 1975, đặc biệt là truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã bước đầu thực hiện được điều này. Trong dòng độc thoại nội tâm, nhân vật còn tự đối thoại với chính mình trong những trăn trở tìm kiếm chân lí, vươn tới hoàn thiện, cả dòng độc thoại và những cuộc đối thoại trong nội tâm nhân vật đã được Nguyễn Minh Châu sử dụng rất đắc địa để khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật.
Được Nguyễn Minh Châu khắc họa chủ yếu bằng độc thoại nội tâm là loại nhân vật tư tưởng – những nhân vật tự thú, sám hối hoặc chiêm nghiệm lẽ đời như nhân vật người họa sĩ trong truyện Bức tranh. Người họa sĩ trong truyện Bức tranh quả thật đã bị Nguyễn Minh Châu đưa vào những cuộc “tra tấn tinh thần” thực sự. Có lẽ trong cuộc đời thành đạt và khá vẻ vang của mình, chưa bao giờ họa sĩ lại nhìn rõ mình đến thế trong sự đối diện với nội tâm. Trong dòng độc thoại nội tâm, họa sĩ dũng cảm nhìn nhận thẳng vào lòng mình, vào chỗ u ám sâu kín nhất để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến ông thất hứa: đó có phải do hoàn cảnh không? Hay do thói hám danh, sự đãng trí vô ơn thường có trong mỗi con người? Tự đối thoại với mình, họa sĩ như đang chịu một sự phân thân dữ dội, gay gắt: một nửa con người của ông, phần khuất lấp trong bóng tối, phần chất chứa “rắn rết” và “ác quỷ” lên tiếng biện hộ cho “thân chủ” của mình – và những lí do biện hộ không phải là không có sức thuyết phục – những lí do dễ được cảm thông vì cái “vô thập toàn” của con người, vì sự đổ lỗi cho hoàn cảnh, thậm chí còn mượn tấm bình phong “phục vụ một số đông người”, hi sinh một cá nhân cho “cái đích lớn lao hơn” của cuộc kháng chiến. Lí do khôn ngoan này quả là phù hợp với quan niệm về số đông, về con người xã hội, con người công dân vốn thống soái trong tư tưởng nghệ thuật trước đó. Nhưng một nửa thứ hai trong họa sĩ – phần được gạn lọc tinh túy, phần có thể được phép hòa nhập trong vai người chiến sĩ thì thật nghiêm khắc, trung thực đã đập gọn mọi tấm bình phong, bẻ gẫy mọi sự khôn ngoan giả dối, buộc họa sĩ phải nhìn rõ hơn lương tâm, trách nhiệm cùng những cái xấu xa có thật đã tồn tại trong cõi tâm linh bí ẩn của mình. Sự vận động tâm lí, cuộc đấu tranh vươn tới sự hoàn thiện đều nằm trong dòng chảy nội tâm âm thầm mà căng thẳng của người họa sĩ. Qua độc thoại nội tâm, nhân vật họa sĩ đã hiện lên trước mắt người đọc không chỉ là một bài học tư tưởng mà còn là một nhân cách trong quá trình đấu tranh tự hoàn thiện.
Qua độc thoại và đối thoại nội tâm trong nhân vật người hoạ sĩ, Nguyễn Minh Châu đã khám phá được chiều sâu tâm hồn con người với ánh sáng và bóng tối, những giằng xé trong tâm hồn và cả cái khó khăn, vất vả của quá trình tự hoàn thiện khi phải đối mặt với sự bảo thủ, trì trệ, với cái yên ổn của thói quen, nhất là khi nếu con người chiến thắng được mình thì họ sẽ phải trả giá đau đớn.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật mang tính ước lệ mà nhà văn thông qua chúng để khái quát hiện thực đời sống theo quan niệm nghệ thuật riêng của mình.
Để tạo được sự yêu mến lâu dài của độc giả, phẩm chất cơ bản của các nhân vật văn học phải là sự xác thực, đặc biệt về phương diện tâm lí. Người ta không thể yêu cái mà họ nghi ngờ. Dù điên rồ như Đônkihôtê hay gàn dở như AQ; hiền hậu, ngây thơ như Ơgiêni Grăngđê hay bốc lửa dữ dội như Emma Bovary thì các nhân vật ấy đều có sự chân thưc trong cốt lõi tâm lí để bất cứ ai cũng có thể soi vào một phần bóng dáng mình trong đó.
Những nhân vât trong văn học trước 1975 như chị Út Tịch, anh hùng Núp, anh Trỗi… đều là những nhân vật sử thi luôn cao hơn cuộc sống một nấc và “có sức mạnh vẫy gọi con người vươn tới cái cần có trong cuộc chiến đấu”.
Hoàn toàn có thể khẳng định rằng các nhân vật văn học trước 1975 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong một giai đoạn lịch sử huy hoàng, dữ dội nhất của đất nước. Nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế: sau chiến tranh, sức sống của các nhân vật đó đã có phần suy giảm. Một nguyên nhân căn bản là do khi hướng tới những nét tâm lí, tính cách cần có, các nhà văn không có điều kiện đảm bảo tính xác thực cho những trạng thái tâm lí, sự vận động biện chứng của tính cách nhân vật. Khi sáng tác, các nhà văn đã cố gắng tìm đến với sự chân thực của sự kiện và số liệu lịch sử trong đời sống chiến đấu. Trong khi đó, cuộc sống lao động và chiến đấu có nhiều mặt phức tạp của nó mà nếu không được phản ánh bởi cái nhìn đa diện thì sự thật cắt khúc sẽ không còn là sự thật.
Hiểu sự xác thực trong tâm lí nhân vật chính ở sự không trùng hợp, không đồng nhất với chính mình như vậy thì có thể cho rằng các nhân vật của Nguyễn Minh Châu trước 1975 về một phương diện nào đó, chưa hoàn toàn có “sự sống đích thực của các bản ngã”. Tác giả vẫn chưa đi tới tận cùng tâm hồn con người, chưa giúp người đọc nắm bắt “con người bên trong con người” của nhân vật.
Ở những tác phẩm sau 1975 như truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu đã dồn hết tâm huyết, sức lực, tình cảm để len lỏi vào từng ngóc ngách sâu kín nhất của con người, miêu tả họ từ bên trong với những trạng thái tâm lí, tinh thần xác thực.
Nhân vật người họa sĩ hoàn toàn là một nhân vật có tâm lí rất “người”, rất thực, không hề có chút tô vẽ, nâng niu nào hết. Trong con người đó có những trạng thái tâm lí, tính cách cao cả và ti tiện, có cả “thiên thần” và “ác quỷ”. Cũng có lúc anh ta tự biện hộ cho hành động thất hứa của mình vì lợi ích cộng đồng nhưng thực chất là vì chính lợi ích của anh ta. Nhưng con người đó bản chất không xấu, anh ta đang trong quá trình tự nhận thức và hướng thiện. Đó mới đúng là một nhân vật xác thực về tâm lí.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, các nhân vật ít được xuất hiện trong những chân dung ngoại hình đầy đặn, hoàn chỉnh. Đặc biệt, đối với những nhân vật tư tưởng, thế sự, việc miêu tả ngoại hình càng ngày càng thưa vắng, dường như tác giả muốn đi sâu vào những ngóc ngách tâm linh của con người, khám phá những bí ẩn của đời sống nội tâm hơn là khắc họa đôi ba nét về ngoại hình. Nếu có những chi tiết ngoại hình, hầu hết đều mang tính nội dung sâu sắc, là những chân dung tâm lí, tính cách.
Bức chân dung “tự ý thức” của nhân vật họa sĩ trong Bức tranh có nét gì đó giống như cách miêu tả nhân vật “viên chức nghèo” của Doxtoiexki. Ở truyện ngắn này, chân dung nhân vật chính được đặc tả nhiều lần với “một cái mặt người rất lớn… một nửa cái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn và một nửa mái tóc đã cắt thoạt trông như một bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra… một cặp mắt mở to nhìn trừng trừng vào luồng ánh sáng, một cái nhìn khắc khoải, bồn chồn, kinh ngạc và đầy nghiêm khắc… cái khuôn mặt đó thoạt nhìn thấy thật xấu xí và lạ lùng nhưng càng nhìn lâu càng giống tôi. Đó là khuôn mặt của mình, khuôn mặt bên trong của mình”. Bức chân dung này đương nhiên không nhằm miêu tả ngoại hình, cái khuôn mặt “xấu xí” ấy “lạ lùng” với cả bản thân nhân vật, đó là “khuôn mặt bên trong” mà đến giờ họa sĩ mới tự nhận thức được. Để nhận ra mình trong chân dung tính cách ấy, họa sĩ đã phải trải qua một quá trình tự ý thức với những dằn vặt đau đớn. Với bức họa “tự thú”, bức họa sám hối, ông đã nhận ra cả “rồng phượng” và “rắn rết”  ngay trong tâm hồn cũng như tính cách của mình, nhận ra để “tự suy nghĩ về chính mình” trong quá trình hướng thiện.
Những thủ pháp xây dựng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu tuy không phải là mới mẻ nhưng ông đã sử dụng chúng một cách đắc địa với xuát phát điểm là sự đổi mới quan niệm về con người để tạo nên những nhân vật có khả năng đóng ghim vào trí nhớ độc giả.

 _Đức Long_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét